Điểm tên nhóm cổ phiếu còn dư địa tăng trưởng trong 2 tháng cuối năm

(ĐTCK) Cùng những dự báo về xu hướng thị trường trong tuần bầu cử Tổng thống Mỹ, chuyên gia chứng khoán sẽ đo sự ảnh hưởng khi lượng trái phiếu đáo hạn trong tháng 11, 12 là khá lớn và chỉ ra nhóm cổ phiếu còn dư địa tăng trưởng trong 2 tháng cuối năm.

Mặc dù áp lực tỷ giá đã giảm trong tuần qua nhưng tâm lý thị trường vẫn thận trọng trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 11. Dòng tiền không ủng hộ là một lý do khiến VN-Index chưa thể hồi phục mạnh mẽ, thanh khoản ghi nhận giảm 20% so với tuần trước đó. Đâu là góc nhìn của ông bà về chuyển động của thị trường trong tuần tới?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank

Với dòng tiền như hiện nay trên thị trường cộng với việc khối ngoại vẫn miệt mài bán ròng và các nhà đầu tư khác chưa thật sự mặn mà với các cơ hội trên thị trường, cùng với mốc 1.300 sừng sững mà thị trường đã nhiều lần chưa vượt qua được thì chỉ trong 1 tuần sẽ khó giúp thị trường có thể thoát khỏi xu hướng hiện tại hoặc có thể vượt được mốc 1.300.

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Hiệu quả lướt sóng kém trong một thời gian dài khiến ngày càng nhiều nhà đầu tư lựa chọn giải pháp đứng ngoài, dòng tiền ngắn hạn ở trạng thái yếu đồng thời áp lực bán của khối ngoại là thách thức đáng kể cho việc kỳ vọng vào một sự chuyển biến xu thế tích cực.

Sau một tuần giảm mạnh trước đó, sự hồi phục tuần qua cũng đã tới, nhưng thiếu sự thuyết phục chính vì vậy ở thời điểm hiện tại, chỉ số thị trường đang ở ngưỡng khá mong manh.

Trong ngắn hạn, nếu VN-Index giữ ổn định trên 1.250, xu thế giằng co tích lũy trong biên độ 1.250-1.300 vẫn sẽ chiếm ưu thế. Ngược lại, nếu để mất mốc 1.250 và thanh khoản gia tăng dưới ngưỡng này, trạng thái thị trường sẽ chuyển biến khá tiêu cực và nhà đầu tư cần nhanh chóng hạ tỷ trọng về ngưỡng an toàn. Tôi đang có sự lo ngại về kịch bản thứ 2, do vậy nhà đầu tư cần lưu ý vấn đề quản trị rủi ro.

Ông Dương Hoàng Linh

Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Trưởng phòng phân tích, CTCK Phú Hưng (PHS)

Tuần qua thị trường đã có nhịp hồi phục ngắn tại MA200, tuy nhiên tôi nhận thấy lực cầu tham gia ở các phiên tăng điểm chưa thật sự mạnh mẽ, khi hồi lên vùng cản 1.265-1.275 thì thị trường đã gặp áp lực bán mạnh trở lại trong phiên cuối tuần.

Nhìn chung, tín hiệu này cho thấy những nỗ lực của bên mua chưa mang lại chuyển biến nào tích cực. Đáy hồi phục quanh 1.250 là ngưỡng quan trọng cần quan sát. Nếu thủng đáy này thì khả năng sẽ có thêm tuần giảm điểm, trường hợp nếu vẫn giữ được và quay lại vượt 1.268 thì có thể nhịp hồi tại MA200 vẫn tiếp diễn. Tôi có phần nghiêng hơn về kịch bản giảm tiếp.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc phân tích, CTCK Agribank

Nhìn lại tuần giao dịch vừa qua, chỉ số VN-Index đóng cửa tại mốc 1.254 điểm, tăng nhẹ 0,17%. Giá trị giao dịch trung bình trên cả ba sàn chỉ đạt hơn 16.000 tỷ đồng/phiên, thấp hơn khoảng 20% so với tuần giao dịch trước. Nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu VIB, khối ngoại ghi nhận rút ròng 5/5 phiên giao dịch với giá trị bán ròng đạt hơn 1.700 tỷ đồng.

Trên đồ thị kỹ thuật, chỉ số VN-Index diễn biến giằng co trong biên độ hẹp xuyên suốt tuần giao dịch và gặp khó khăn khi nỗ lực bứt phá khỏi kháng cự gần tại vùng 1.263 điểm, tương ứng với đường trung bình động 10 phiên. Tôi cho rằng, việc thị trường đi ngang với thanh khoản thấp sau nhịp chiết khấu từ ngưỡng kháng cự 1.300 điểm là diễn biến phù hợp khi tâm lý nhà đầu tư còn nhiều e ngại.

Động lực nâng đỡ cho chỉ số trong tuần giao dịch qua chủ yếu tới từ các cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là một số cổ phiếu ngân hàng với nhiều thông tin tích cực về việc chia cổ tức. Trong bối cảnh thị trường thiếu vắng các thông tin hỗ trợ cùng các biến số mới về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào tuần sau, thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp diễn xu hướng giằng co trong tuần giao dịch tới. Nhà đầu tư cũng nên lưu ý kịch bản chỉ số có thể lùi về các mốc hỗ trợ sâu hơn (1.240 +/-5 điểm) để kích hoạt lực cầu mới tham gia.

Những diễn biến xung quanh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay được nhìn nhận sẽ mang lại nhiều biến động quan trọng cho kinh tế thế giới và Việt Nam. Ở góc độ TTCK, cuộc bầu cử này sẽ tác động ra sao, theo các ông/bà?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank

Trong ngắn hạn khi có kết quả thì vẫn chưa tác động nhiều vào thị trường bởi vì dòng tiền hiện đang khá yếu, bên cạnh đó thị trường tăng trưởng còn dựa vào các yếu tố vĩ mô và nội tại của doanh nghiệp. Vì thế sau bầu cử Tổng thống Mỹ thì những chính sách sắp tới cũng như mức độ tác động tới kinh tế toàn cầu và khu vực từ đó tác động tới dòng tiền thị trường thì khi đó mới có thể biết xu hướng thị trường có tích cực hơn không.

Ông Phan Dũng Khánh

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Trong quá khứ, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ thường khiến thị trường chứng khoán toàn cầu có biến động mạnh và cũng có tác động gián tiếp đến thị trường trong nước, chúng ta cũng cần theo dõi những biến động đó để đưa ra quyết định phù hợp. Tuy nhiên nó thường chỉ tác động trong một vài phiên, chứ không phải yếu tố có thể làm thay đổi xu hướng.

Và thực tế cho thấy, TTCK trong nước thường có sự cân bằng trở lại khá nhanh chóng, ví dụ giảm trước do yếu tố này thì sẽ tăng lại sau và ngược lại.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Trưởng phòng phân tích, CTCK Phú Hưng (PHS)

Theo dữ liệu trong quá khứ, chúng tôi nhận thấy VN-Index thường có phản ứng tích cực sau sự kiện bầu cử tổng thống Mỹ trong ngắn hạn, ngoại trừ năm 2008 do khủng hoảng kinh tế. Nhiệm kỳ Tổng thống của Trump có thể khiến cho VN-Index biến động mạnh hơn, như chúng ta đã từng chứng kiến trong giai đoạn 2016 – 2020 vì các chính sách mang tính bất ngờ của ông.

Tuy nhiên, trong dài hạn, tôi vẫn duy trì quan điểm tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng. Các tác động bầu cử qua đó chỉ mang tính chất ngắn hạn, và Chính phủ Việt Nam với đường lối ngoại giao “cây tre” có đủ kinh nghiệm để ứng phó với vị Tổng thống mới của Mỹ.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc phân tích, CTCK Agribank

Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ có thể dẫn đến sự thay đổi lớn trong chính sách thương mại và quan hệ với các nước, tác động sâu rộng tới nền kinh tế không chỉ Mỹ mà còn lan rộng ra toàn cầu. Tổng thống mới và đội ngũ của họ cũng ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), tạo ra tác động không nhỏ tới sự dịch chuyển các dòng vốn toàn cầu vào thị trường mới nổi như Việt Nam.

Với hai kịch bản tương ứng với hai ứng cử viên tổng thống Mỹ, chính sách của bà Kamala Harris có xu hướng ôn hòa hơn, duy trì hợp tác quốc tế và ưu tiên tầng lớp trung lưu; trong khi đó, ông Donald Trump tập trung nhiều hơn vào bảo hộ các doanh nghiệp sản xuất trong nước và khuyến khích vốn đầu tư vào sản xuất nội địa.

Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, bầu cử tổng thống Mỹ thường tạo ra biến động tâm lý trên thị trường tài chính toàn cầu. Điều này có thể khiến xu hướng rút ròng hoặc giảm bớt giao dịch tại các thị trường mới nổi (trong đó có Việt Nam) gia tăng trong giai đoạn bầu cử. Đối với nhà đầu tư trong nước, tâm lý thận trọng trước những diễn biến xung quanh cuộc bầu cử Tổng thống được dự báo sẽ tiếp diễn, đặc biệt trong bối cảnh sức mạnh đồng đô-la Mỹ có xu hướng hồi phục trong khoảng thời gian gần đây.

Tôi cho rằng, sau khi kết quả bầu cử được hé lộ, chính sách ôn hòa của bà Harris sẽ không có nhiều tác động tới thị trường chứng khoán trong nước; trong khi kịch bản ông Trump đắc cử cho thể khiến thị trường gặp áp lực rung lắc do lo ngại về lạm phát tăng nóng trong ngắn hạn và tác động đến sức mạnh đồng USD. Tuy nhiên, các áp lực điều chỉnh diễn ra (nếu có) cũng sẽ không kéo dài và không làm ảnh hưởng tới xu hướng chính của thị trường.

Trong nước, lượng trái phiếu đáo hạn khá lớn trong tháng 11, 12, cùng với đó thông tư 02 sẽ đáo hạn vào cuối năm nay. Những thông tin này có thể tạo nên rào cản nhất định cho nhóm Ngân hàng và Bất động sản không?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank

Nhóm này vốn cũng đã ảnh hưởng đến thị trường khi việc tăng trưởng yếu thời gian qua cũng khiến thị trường giằng co suốt những tháng vừa qua. Do đó, nếu không có yếu tố tích cực hơn thì nhóm này vẫn ngăn cản đà tăng của thị trường.

Tuy nhiên, theo những dữ liệu gần đây thì thị trường trái phiếu sau những khó khăn ở những năm trước thì gần đây ổn định hơn, thanh khoản cải thiện và thu hút nhà đầu tư hơn, tỷ lệ chậm trả cũng giảm đi nên thông tin này cũng khó lòng là rào cản cho nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, có chăng thì dòng tiền chung của các nhóm ngành này vẫn yếu thì khó thúc đẩy được thị trường chung.

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Thông tư 02 đã giúp nhóm Ngân hàng tạo sóng thì khi hết hiệu lực, nó sẽ có sự ảnh hưởng nhất định nếu như không được gia hạn liên tục như trong thời gian vừa qua.

Nhóm Bất động sản thì dù có thông tư 02 vẫn còn gặp nhiều khó khăn do tính chu kỳ do đó nhà đầu tư có thể cân nhắc lựa chọn những nhóm ngành khác.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Trưởng phòng phân tích, CTCK Phú Hưng (PHS)

Lượng trái phiếu đáo hạn tập trung khá nhiều vào giai đoạn nửa sau của năm và trong tháng 10, chúng ta cũng chứng kiến một số doanh nghiệp báo chậm trả, tập trung ở nhóm bất động sản.

Tôi cho rằng rủi ro về đáo hạn trái phiếu luôn hiện hữu, tuy nhiên áp lực đã giảm đi nhiều so với giai đoạn 2022 – 2023. Thị trường bất động sản đang có một số tín hiệu cho thấy bắt đầu ấm lên gần đây, cùng với đó, mặt bằng lãi suất đang được NHNN & Chính phủ duy trì ở mức thấp, tôi kỳ vọng rằng các chủ đầu tư tốt sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn.

Đối với nhóm ngân hàng, ảnh hưởng từ đáo hạn Thông tư 02 tôi cho rằng không quá lớn vì các ngân hàng đã chủ động gia tăng trích lập nợ xấu trong suốt từ đầu năm đến nay, thêm vào đó, sức khỏe nền kinh tế cũng đang dần hồi phục, từ đó giảm bớt áp lực lên bảng cân đối của các ngân hàng.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc phân tích, CTCK Agribank

Áp lực trái phiếu đáo hạn trong vòng 2 năm tới sẽ còn lớn và rất lớn trong 2 tháng cuối năm có thể gây ra áp lực lên thanh khoản hệ thống. Cụ thể, 2 tháng cuối năm lượng trái phiếu đáo hạn là trên 60.000 tỷ đồng; năm 2025 là khoảng 250.000 tỷ đồng và năm 2026 khoảng 240.000 tỷ đồng.

Chỉ cần 1 phần trong khối nợ này thành nợ xấu và bị netoff thì lập tức sẽ làm thanh khoản hệ thống bị tác động nghiêm trọng ngay sau đó. Thông tư 02 hết hạn vào cuối năm nay sẽ tạo áp lực trả nợ lớn cho các doanh nghiệp, đặc biệt đối với nhóm bất động sản.

Còn đối với ngân hàng, việc hết hạn thông tư 02 sẽ khiến các ngân hàng gặp khó khăn trong việc xử lý nợ xấu. Những thông tin kể trên sẽ có tác động nhất định tới nhóm ngân hàng và bất động sản khi nhà đầu tư sẽ lo ngại về triển vọng của 2 nhóm này.

Nhìn từ bức tranh kết quả kinh doanh quý 3/2024 đang cho thấy tốc độ tăng trưởng lợi nhuận đang có dấu hiệu chậm lại và phân hóa tương đối rõ rệt, nhưng cơ hội với nhóm cổ phiếu thì luôn hiện hữu. Đâu là nhóm cổ phiếu còn dư địa tăng trưởng trong 2 tháng cuối năm, theo ông/bà?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank

Gần như không có gì thay đổi với các nhóm ngành mạnh trong năm nay. Nhóm công nghệ vẫn cho thấy hiệu quả lớn trong cả năm 2024 nên 2 tháng còn lại vẫn có thể duy trì tiếp tục.

Tuy vậy, vào cuối năm thường sẽ có một số nhóm tiềm năng bắt đầu thu hút dòng tiền cũng như tạo đà trong năm mới thì ngoài nhóm công nghệ ra thì nhóm năng lượng (đặc biệt năng lượng tái tạo, năng lượng xanh sạch), nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng và vận tải, bất động sản cũng được kỳ vọng mở ra xu hướng cho năm sau 2025.

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Thời gian qua dòng tiền chủ yếu vận động tại nhóm cổ phiếu bluechip thuộc VN30 nhằm hỗ trợ chỉ số, rất nhiều cổ phiếu thuộc nhóm Midcap dù kết quả kinh doanh tốt vẫn bị giảm về mặt bằng hấp dẫn. Tôi cho rằng trong 2 tháng cuối năm, nhóm midcap có nền tảng tốt sẽ được quan tâm hơn và nhiều tiềm năng hơn.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Trưởng phòng phân tích, CTCK Phú Hưng (PHS)

Theo tôi, thị trường có những thận trọng nhất định trước các biến số trên thị trường thế giới cũng như mùa báo cáo kết quả kinh doanh cũng đã gần xong. Nhiều cổ phiếu dù có kết quả kinh doanh tốt cũng không tránh khỏi đà bán tháo chung của toàn thị trường.

Quan điểm của tôi về thị trường chung vẫn là tích cực, và sau khi thị trường điều chỉnh giảm, nhiều cổ phiếu và nhóm ngành đã về mức định giá khá hấp dẫn.

Một số nhóm ngành mà tôi ưa thích bao gồm ngân hàng, bất động sản & xây dựng. Tôi kỳ vọng giải ngân đầu tư công sẽ tăng tốc trong giai đoạn cuối năm cùng với sự ấm lên của thị trường bất động sản sẽ giúp cho các nhóm ngành trên ghi nhận diễn biến tích cực.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc phân tích, CTCK Agribank

Đến hiện tại, đã có khoảng 1.060 doanh nghiệp công bố BCTC quý 3 với lợi nhuận tăng trưởng 21,6% so với cùng kỳ và tiếp tục tăng so với quý trước đó khoảng 21%. Lợi nhuận vẫn tăng trưởng ổn định và duy trì ở mức cao trên 20% nhưng yếu tố nền thấp của cùng kỳ đã không còn là yếu tố chính.

Sự phân hóa cũng diễn ra ngày càng rõ nét hơn nên việc lựa chọn nhóm cổ phiếu còn dư địa tăng trưởng trong 2 tháng cuối năm sẽ là yếu tố then chốt. Tôi cho rằng cơ hội sẽ đến với các nhóm ngành có triển vọng lợi nhuận tích cực trong 2 tháng cuối năm như nhóm bán lẻ, ngân hàng, Công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, yếu tố dòng tiền cũng sẽ phân hóa và tập trung vào nhóm cổ phiếu trụ, vốn hóa lớn trong bối cảnh thanh khoản thị trường chưa có nhiều cải thiện.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục