Điểm sáng và điểm nghẽn của nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022 có nhiều điểm sáng, nhưng các điểm nghẽn cũng bộc lộ rõ.
Sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đã phục hồi mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm. Ảnh: Đức Thanh Sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đã phục hồi mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm. Ảnh: Đức Thanh

“Kinh tế khởi sắc”, “GDP tăng cao kỷ lục” là những cụm từ dễ dàng tìm thấy trên truyền thông sau khi Tổng cục Thống kê công bố Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2022.

Những điểm đáng để lạc quan có thể kể ra bao gồm tăng trưởng GDP quý II đạt 7,72%, là mức tăng quý II cao nhất trong 10 năm qua. Đồng thời, GDP 6 tháng đầu năm cũng tăng 6,42%. Trong bối cảnh khó khăn của kinh tế toàn cầu, đây là một động thái tích cực.

Những điểm ít sáng hơn có thể bao gồm mức sụt giảm vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tính đến ngày 20/6/2022 giảm 8,1% so với cùng kỳ năm trước và mức nhập siêu 1,7 tỷ USD của tháng 5/2022. Tuy nhiên, về mặt nhập siêu, tình hình đã có cải thiện khi mà tháng 6 ước tính xuất siêu 276 triệu USD và tính chung 6 tháng đầu năm thì xuất siêu 710 triệu USD. Tuy đây không phải là một con số rất ấn tượng so với mặt bằng lịch sử, nhưng duy trì xuất siêu vẫn là một tin tốt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đứng trước áp lực suy thoái, các doanh nghiệp ở thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ và châu Âu đang tạm thời giảm đơn hàng nhập khẩu, trong khi đối tác thương mại hàng đầu là Trung Quốc lại đang trong phong tỏa các thành phố lớn để chống Covid-19.

Nói cách khác, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đứng trước nhiều thử thách, đa số nền kinh tế lớn liên tục bị hạ dự báo tăng trưởng và đẩy dự báo lạm phát lên, con tàu Việt Nam đang vượt qua cơn sóng dữ 6 tháng đầu năm một cách vững vàng. Những áp lực về tỷ giá USD/VND cũng được giải tỏa với việc Ngân hàng Nhà nước bán ngoại tệ dự trữ ra can thiệp, hướng về mục tiêu bình ổn tỷ giá, tránh những cú sốc lớn với nền kinh tế.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đứng trước nhiều thử thách, đa số nền kinh tế lớn liên tục bị hạ dự báo tăng trưởng và đẩy dự báo lạm phát lên, con tàu Việt Nam đang vượt qua cơn sóng dữ 6 tháng đầu năm một cách vững vàng.

Mặc dù vậy, chúng ta không thể chủ quan với tình hình 6 tháng cuối năm. Bất kể suy thoái có diễn ra trong năm 2022 hay không, những số liệu kinh tế gần đây cho thấy, tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục yếu đi trên phạm vi toàn cầu. Điển hình là Trung Quốc, khi mà các tổ chức đầu tư lại một lần nữa cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này xuống dưới 4%, bất chấp một số dấu hiệu khả quan của nền kinh tế này sau khi mở cửa lại.

Chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Trung Quốc trong tháng 6 đã quay lại mức trên 50 điểm, thể hiện sự mở rộng hoạt động sản xuất, mức dự báo tăng trưởng kinh tế bình quân vẫn chỉ loanh quanh 4%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5,5% của Bắc Kinh. Đó là chưa kể, nhiều tổ chức đã hạ dự báo xuống dưới 3,8% (cá biệt, UBS dự báo tăng trưởng chỉ 3%), một mức tăng trưởng thấp kỷ lục.

Ở châu Âu, số liệu thất nghiệp đã có dấu hiệu tăng lên cao so với dự đoán, điển hình là Đức vừa công bố số liệu thất nghiệp tháng 6 tăng lên 133.000 so với mức dự báo giảm 6.000 người. Tỷ lệ thất nghiệp nước này tăng lên 5,3%, cao hơn mức dự đoán 5%.

Là một nước xuất khẩu, Việt Nam sẽ chịu tác động gián tiếp của việc tăng trưởng toàn cầu kém lạc quan hơn dự đoán. Liệu đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ và châu Âu có tăng trưởng trở lại trong vài tháng tới khi những nước này đối mặt với rủi ro suy thoái hay không vẫn là một ẩn số lớn. Dự báo hành vi tiêu dùng trong bối cảnh rủi ro suy thoái lúc này là khó đoán. Chính vì vậy, chúng ta vẫn cần dự phòng cho tình huống xấu là xuất khẩu có thể tăng trưởng chậm lại.

Lạm phát cũng là một ẩn số, nhưng lại là tình huống dễ kiểm soát hơn. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, CPI tháng 6/2022 tăng 3,18% so với tháng 12/2021, một số tổ chức phân tích cho rằng, Việt Nam vẫn có khả năng kiểm soát ở mức dưới 4% cho cả năm. Ngay cả trong trường hợp lạm phát vọt lên cao hơn dự đoán, chúng ta vẫn có những công cụ như giảm thuế đánh lên xăng dầu, hỗ trợ người lao động thu nhập thấp, hỗ trợ hoãn thuế cho doanh nghiệp từ ngân sách để giảm bớt tác động của lạm phát.

Với việc lạm phát toàn cầu bắt đầu phát tín hiệu hạ nhiệt ở một số nước (số liệu lạm phát vừa công bố của Đức tăng thấp hơn dự đoán, bắt đầu giảm đi so với tháng 5), tình hình mở cửa nền kinh tế của Trung Quốc có thể giúp khôi phục phần nào chuỗi sản xuất, chúng ta có thể hy vọng sức ép lạm phát nhập khẩu vào Việt Nam sẽ dần yếu đi. Tuy nhiên, những yếu tố nội tại vẫn có thể gây sức ép lên giá cả 6 tháng cuối năm.

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho rằng, áp lực lạm phát những tháng cuối năm là rất lớn và khả năng kiểm soát lạm phát dưới 4% phụ thuộc rất nhiều vào những giải pháp của Chính phủ. Mặc dù vậy, một mức lạm phát chung vượt hơn 4% một chút vẫn không phải là một điều quá đáng lo cho nền kinh tế.

Điều đáng lo hơn thực tế nằm ở chi phí thật sự mà doanh nghiệp và người dân phải gánh chịu có thể cao hơn nhiều so với con số lạm phát chung đo theo CPI, vì “rổ hàng hóa” để đo lường CPI khác với rổ chi phí của doanh nghiệp và người dân, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ và người dân có thu nhập thấp. Do vậy, thành công của chính sách kinh tế 6 tháng cuối năm không nên đặt vào chuyện kiểm soát con số lạm phát chung dưới 4% hay không, mà nên đặt vào chuyện là bao nhiêu doanh nghiệp và người dân được hỗ trợ vượt qua khó khăn của cơn bão giá cả.

Điều đáng lưu ý cuối cùng là con số đầu tư công. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm chỉ bằng 35,3% kế hoạch năm và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước, vốn là giai đoạn bị đánh giá giải ngân đầu tư công rất chậm. Trong bối cảnh hiện tại, để vực dậy nền kinh tế, đa số các nước đều đang tìm cách đẩy đầu tư công ra, mà điển hình là kế hoạch hỗ trợ đầu tư hạ tầng đầy tham vọng của Trung Quốc. Các khoản đầu tư đổi mới hạ tầng của Anh và EU cũng đang được kỳ vọng là động lực kéo các nền kinh tế này ra khỏi rủi ro suy thoái.

Nói vậy để thấy, trong bối cảnh hiện tại, bài thuốc để kéo lại tăng trưởng kinh tế và giảm tác động tăng giá cần đến chi tiêu hỗ trợ của Chính phủ, khi mà ngân hàng trung ương nhiều nước thừa nhận rằng, tăng lãi suất chỉ là bài thuốc “câu giờ” và cần thêm những giải pháp tài khóa hỗ trợ. Nhưng vấn đề ở đây là chi tiêu công của Việt Nam lại đang giải ngân quá chậm. Đây là một điểm nghẽn lớn cho nền kinh tế và cần được hóa giải.

Hồ Quốc Tuấn (Giảng viên Đại học Bristol (Anh))
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục