Điểm sáng lợi nhuận quý II

(ĐTCK) Những doanh nghiệp đầu tiên công bố kết quả kinh doanh và báo cáo tài chính bán niên trên sàn đã hé lộ bức tranh lợi nhuận khá sáng sủa, thậm chí ở nhiều doanh nghiệp còn vượt xa so với dự kiến trước đó.
6 tháng đầu năm, DCM đạt lợi nhuận sau thuế 528,5 tỷ đồng, tăng trưởng 51% so với cùng kỳ 2016 6 tháng đầu năm, DCM đạt lợi nhuận sau thuế 528,5 tỷ đồng, tăng trưởng 51% so với cùng kỳ 2016

Chia sẻ từ CTCP Phân bón Bình Điền (BFC) cho thấy, 6 tháng đầu năm 2017, BFC đạt doanh thu 3.269 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 253 tỷ đồng, hoàn thành hơn 60% kế hoạch. Trong đó, riêng quý II/2017, Công ty đạt tổng doanh thu 2.080 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt gần 173 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với cùng kỳ.

Theo BFC, điểm rơi lợi nhuận của Công ty thường tập trung vào quý II, vì đây là thời điểm sản lượng tiêu thụ đạt cao nhất. Quý II/2017 cũng là quý Công ty ghi nhận lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay.

Với kết quả này, Công ty dự kiến trong quý III/2017 đạt sản lượng sản xuất 178.814 tấn, sản lượng tiêu thụ 168.478 tấn, tổng doanh thu 1.528 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 86 tỷ đồng.

Tình hình xuất khẩu bứt phá, lượng hàng tiêu thụ tăng mạnh, cộng với giá bán ổn định là những yếu tố giúp CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) đạt kết quả kinh doanh khả quan trong 6 tháng đầu năm nay, với doanh thu hợp nhất khoảng 3.025 tỷ đồng, tăng trưởng 29% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 528,5 tỷ đồng, tăng trưởng 51% so với cùng kỳ.

Đối chiếu với chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh, DCM đã đạt hoàn thành 57% kế hoạch doanh thu cả năm và 83% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Vượt qua khó khăn, CTCP Dịch vụ Vận tải Dầu khí (PVT) đang là điểm sáng nổi bật trong ngành vận tải biển khi ghi nhận 2.890 tỷ đồng doanh thu trong 6 tháng, vượt 119% kế hoạch và lợi nhuận đạt 235 tỷ đồng, vượt 120% kế hoạch lợi nhuận 6 tháng. Lãnh đạo PVT cho biết, với kết quả này, Công ty tự tin vượt kế hoạch năm 2017 với tổng doanh thu hợp nhất 5.013 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 328 tỷ đồng.

Từ nay đến cuối năm 2017, PVT sẽ đầu tư 1 tàu chở dầu loại 13.000 DWT và chuẩn bị đầu tư dự án tàu chở hàng rời từ 50.000 - 80.000 DWT để phục vụ việc trung chuyển, nhập khẩu than cho Nhà máy Nhiệt điện Long Phú – Sông Hậu.

Ông Phạm Việt Anh, Tổng giám đốc PVT cho biết, Ban lãnh đạo PVT đã trình cổ đông kế hoạch dài hơi hơn, từ năm 2018 đến năm 2020 với lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 460, 498 và 542 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, PVT sẽ thực hiện tái cơ cấu các đơn vị thành viên. Cụ thể, PVT sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ tại một số công ty con như CTCP Vận tải dầu khí Thái Bình Dương (PVP), CTCP Vận tải sản phẩm khí Quốc tế (GSP)..., nhưng vẫn nắm giữ cổ phần chi phối là 51%.

Trong khi  đó, PVT cho biết sẽ tăng sở hữu tại CTCP Vận tải dầu khí Đông Dương lên 58,67% vốn trong trường hợp đàm phán được với PV Oil, bởi theo PVT, đây là một doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và có nhiều điểm tương đồng với Công ty.

Cũng theo chia sẻ của lãnh đạo PVT, tiềm năng tăng trưởng của PVT trong 6 tháng cuối năm là có, đặc biệt khi Chính phủ đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trên mọi lĩnh vực, trong đó chú trọng đến lĩnh vực khai thác dầu.

Giá dầu giảm sâu trong thời gian qua đã làm nhiều doanh nghiệp trong ngành “lao đao”, đặc biệt là những doanh nghiệp thượng nguồn của ngành.

Năm 2017, nhiều doanh nghiệp dầu khí xây dựng kế hoạch kinh doanh dựa trên kịch bản về diễn biến giá dầu, điển hình như Tổng công ty Khoan và dịch vụ khoan Dầu khí (PVD), Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam - PTSC (PVS)…

Theo công bố mới đây từ PVS, trong 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu hợp nhất ước đạt 7.600 tỷ đồng, đạt 154% kế hoạch 6 tháng đầu năm 2017 và bằng 59% kế hoạch năm; lợi nhuận hợp nhất trước thuế 600 tỷ đồng, đạt 226% kế hoạch 6 tháng đầu năm 2017 và bằng 86% kế hoạch năm.

Dù doanh thu và lợi nhuận có giảm so với cùng kỳ năm trước, song theo đánh giá của lãnh đạo PVS, kết quả này đã tích cực hơn nhiều so với kế hoạch mà Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 đã thông qua, trong bối cảnh giá dầu được nhận định là rất bấp bênh.

Tình hình kinh tế vĩ mô tích cực trong 6 tháng đầu năm được giới chuyên gia dự báo sẽ giúp nhiều ngành được hưởng lợi như tiêu dùng, xây dựng, bất động sản, ngân hàng – chứng khoán, dược phẩm...

Một số ngân hàng như VietinBank, VIB, Vietcombank, TPBank đã công bố lợi nhuận 6 tháng rất khả quan, có ngân hàng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trên 20% so với cùng kỳ năm 2016. Trong khối công ty chứng khoán, đã có một số doanh nghiệp ra báo cáo tài chính quý II, cho thấy bức tranh kinh doanh khởi sắc.

Ngay Công ty Chứng khoán Agribank từng thua lỗ nặng cùng kỳ năm ngoái cũng báo lãi gần 90 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay.

Những con số lợi nhuận tích cực trong nửa đầu năm nay mà nhiều doanh nghiệp niêm yết đưa ra được kỳ vọng sẽ là lực kéo, giúp thị trường chứng khoán vận động theo hướng tích cực nửa cuối quý III.

Hoàng Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục