Chuyển động tích cực tại Hapro
Sau khi tiến hành cổ phần hóa và trở thành thành viên của Tập đoàn BRG, dưới định hướng của Chủ tịch Nguyễn Thị Nga, Hapro đang có những thay đổi tích cực, nổi bật nhất là kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt mức cao.
Năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu của Hapro đạt 106,94 triệu USD với khoảng 53.860 tấn hàng hóa các loại xuất khẩu đến hơn 70 nước và khu vực trên thế giới. Các mặt hàng xuất khẩu này là những sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam như hạt điều, gạo, hạt tiêu, cà phê.
Ở mỗi ngành hàng, Hapro đều xây dựng các cơ sở thu mua hàng xuất khẩu tại các vùng sản xuất lớn của Việt Nam, đặc biệt là đầu tư cho chế biến sâu để nâng cao giá trị hàng xuất khẩu.
Ðơn cử, tại vùng điều Bình Phước, Hapro chủ động liên kết với một số đơn vị chuyên thu mua, chế biến điều thô để xây dựng nguồn hàng cho xuất khẩu, đưa cán bộ về theo dõi trực tiếp tại các nhà máy chế biến để giám sát chất lượng từ khâu thu hoạch, bảo quản, đến sơ chế, đóng gói..., đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Với gạo, mặt hàng chiến lược trong định hướng xuất khẩu, Hapro đã đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất và chế biến gạo xuất khẩu tại Ðồng Tháp, đồng thời xây dựng vùng nguyên liệu, ký hợp đồng bao tiêu, thu mua sản phẩm với nhiều hợp tác xã sản xuất gạo tại Ðồng Tháp, Cần Thơ và một số tỉnh lân cận làm nguyên liệu đầu vào cho nhà máy.
Gạo Hapro Ðồng Tháp đã được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ cấp mã (code) chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường này, mở ra cơ hội lớn cho gạo Việt vào Mỹ từ giữa tháng 6/2018. Ðồng thời, 6 sản phẩm gạo Hapro Ðồng Tháp chất lượng cao đóng túi 5kg đã được đưa ra tiêu thụ tại thị trường phía Bắc, gồm gạo Ðồng Vàng, Hương lài sữa dẻo, gạo giống Nhật Japonica, gạo Ðài Thơm, gạo Hương chín Rồng và gạo Nàng Mây.
Ða dạng tập sản phẩm đã trở thành nhiệm vụ quan trọng của Tổng công ty. Tháng 6/2018, Hapro lần đầu tiên xuất khẩu 2 container vải thiều tươi Thanh Hà sang Malaysia. Ðây là 1 trong 3 mặt hàng mới lần đầu xuất khẩu của Hapro. Qua hợp tác giao thương với tỉnh Sơn La, cuối năm 2018, Hapro đã hợp tác với một đơn vị chuyên chế biến sản phẩm tại Sơn La sản xuất chuối sấy dẻo, sấy khô, đậu phộng… xuất khẩu sang Belarus.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Tổng công ty, có nguồn lực và cam kết đầu tư mạnh mẽ của Tập đoàn BRG, Hapro sẽ sớm nghiên cứu đầu tư một số nhà máy chế biến đặt tại các vùng nguyên liệu chính, đầu tư nhà máy chế biến hiện đại để có thể xuất khẩu sản phẩm và đưa vào hệ thống siêu thị, bán lẻ tại nước ngoài có giá trị gia tăng cao nhằm nâng cao hiệu quả cho nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, Tổng công ty sẽ nghiên cứu để chủ động xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu đối với một số mặt hàng xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam và là thế mạnh của Hapro theo hướng sản phẩm hữu cơ như gạo, hạt điều, hạt tiêu, cà phê, các sản phẩm thực phẩm chế biến; một số loại hoa quả, rau như chuối, thanh long, chanh không hạt, vải, nhãn, bắp cải, ớt… vào các thị trường truyền thống và thị trường mới như Mỹ, Malaysia, châu Âu, Tây Á và một số nước châu Phi.
“Tiếp sức” cho Intimex đi đường dài với nông nghiệp
Xác định nông nghiệp là thế mạnh của đất nước, BRG chủ trương tăng cường đầu tư sản xuất nông nghiệp. Theo đó, bên cạnh mở rộng sản xuất, Tập đoàn còn chú trọng yếu tố chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.
Ðịnh hướng này đã được thông suốt tới các đơn vị thành viên và được thực thi ngay trong các hoạt động sản xuất - kinh doanh. Ðơn cử, tại tỉnh Nghệ An, các chi nhánh của CTCP Intimex Việt Nam và CTCP Nông thủy sản Nghệ An (huyện Thanh Chương), các hoạt động sản xuất - kinh doanh không chỉ phát triển theo chiều rộng, mà còn đi vào chiều sâu: Nuôi tôm không kháng sinh, hỗ trợ nông dân trong giống và phân bón để mở rộng vùng trồng nguyên liệu sắn; thường xuyên nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới trong nuôi trồng, xử lý môi trường…
Theo ông Trần Quốc Hoàn, Phó tổng giám đốc Intimex Việt Nam, việc nuôi tôm không sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi, không sử dụng hóa chất trong xử lý môi trường, kết hợp với công tác quản lý chi phí hiệu quả, sản phẩm tôm sạch của Intimex Nghệ An sau thu hoạch đã đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, được thị trường ưa chuộng.
Ghé thăm vùng nguyên liệu sắn của Nông thủy sản Nghệ An vào những ngày thu hoạch, có thể cảm nhận rõ sự hào hứng, phấn khởi của bà con nông dân khi họ không còn canh cánh nỗi lo “được mùa mất giá”. Với định hướng chiến lược từ Tập đoàn BRG, Nông thủy sản Nghệ An đã đầu tư phát triển vùng nguyên liệu bằng cách ứng trước cho nông dân vay phân bón và giống, phối hợp với cán bộ khuyến nông hướng dẫn người nông dân kỹ thuật trồng, canh tác để đạt năng suất cao.
Công ty ký hợp đồng với đại lý tại các địa phương để tổ chức thu mua sắn củ của các hộ nông dân, sau đó về nhập cho nhà máy. Tại các địa bàn, có cán bộ của Công ty giám sát, theo dõi việc thu mua sắn của các đại lý để đảm bảo giá thu mua hợp lý cho nông dân. Nhờ được hỗ trợ nhiều mặt, lại đảm bảo đầu ra, bà con yên tâm trồng sắn, thu nhập tăng gấp 5 - 6 lần so với trồng lạc, trồng keo.
Song song với phát triển vùng nguyên liệu, doanh nghiệp cũng đã mạnh tay đầu tư dây chuyền sản xuất, dây chuyền sấy bã, dây chuyền sản xuất phân bón từ cây sắn..., nên hiệu quả thu về tốt hơn rất nhiều. Cụ thể, có phân bón phù hợp, cây sắn cho sản lượng tốt hơn, lượng bột thu được nhiều hơn, bã sắn sau khi sấy được bán cho các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi. Ngoài xuất khẩu, tinh bột sắn được tiêu dùng mạnh cho sản xuất thực phẩm trong nước.
Là một tập đoàn kinh tế đa ngành, hướng tới phát triển bền vững, BRG đang đầu tư mạnh cho sản xuất, đặc biệt là chuỗi giá trị nông nghiệp. Có sự đồng hành, tham gia của các tập đoàn lớn, ngành nông nghiệp mới có thể kỳ vọng về những "trận đánh lớn" ở cả sân chơi quốc tế và chính trên sân nhà.
Một số kiến nghị, đề xuất để phát triển chuỗi nông nghiệp bền vững của Tập đoàn BRG
Xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung theo các điều kiện thổ nhưỡng phù hợp gắn với công tác quản lý chất lượng sản phẩm của từng vùng, nhất là kiểm soát tốt các chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các tiêu chí kiểm soát chất lượng theo từng yêu cầu của thị trường.
Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm, hỗ trợ và giới thiệu doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu nông sản tin cậy tới các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài nhằm ủng hộ cho doanh nghiệp trong việc xuất khẩu nông sản Việt ra nước ngoài.
Xây dựng kênh thông tin hỗ trợ doanh nghiệp thẩm định năng lực của đối tác mua bán tại nước ngoài, hỗ trợ giải quyết các khiếu nại về chất lượng hàng hóa tại thị trường nước ngoài khi cần thiết.
Quan tâm đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào ngành nông nghiệp như các phương pháp sơ chế, bảo quản nông sản của Việt Nam (đặc biệt là các sản phẩm nông sản tươi) để đảm bảo được chất lượng, kéo dài thời gian bảo quản, mẫu mã của sản phẩm khi xuất khẩu. Đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, giảm chi phí giá thành và tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao với giá thành hợp lý, có thể cạnh tranh với các sản phẩm nông sản của các nước…