Dầu khí, phân bón: PVB, PVT, PGD, CNG, DPM, DCM
Giá dầu tăng mạnh lên mức cao hơn so với dự kiến đã giúp kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp dầu khí sớm về đích kế hoạch 2018.
Trong nhóm dịch vụ kỹ thuật dầu khí, 9 tháng tháng đầu năm, Công ty cổ phần Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PVB) đạt doanh thu 187,7 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận trước thuế 38,4 tỷ đồng, gấp 2,1 lần cùng kỳ và vượt 9,7% kế hoạch cả năm.
Bên cạnh doanh thu tăng nhờ ký kết và triển khai thi công bọc ống, doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính của PVB sau khi trừ chi phí đã đủ để doanh nghiệp có lãi, chứ không còn đến từ các khoản hoàn nhập dự phòng như năm trước.
Tại Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVT), doanh thu hợp nhất 9 tháng đầu năm 2018 đạt 5.700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 540 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ 2017. Như vậy, PVT đã vượt 8,6% kế hoạch doanh thu và vượt 22,7% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm.
Để đáp ứng nhu cầu vận tải và trẻ hóa đội tàu, trong 9 tháng đầu năm, PVT đã hoàn thành đầu tư tàu vận chuyển dầu thô PVT Hera, 1 tàu LPG phục vụ vận chuyển khí tuyến quốc tế.
Dự kiến, trong quý IV/2018, PVT sẽ tiếp tục đầu tư 1 tàu Supramax trọng tải khoảng 60.000 DWT vận tải hàng rời, 2 tàu LPG và 1 tàu dầu sản phẩm/hóa chất mới.
Với việc Nhà máy lọc dầu Dung Quất hoạt động ổn định, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn dự kiến sản xuất thương mại vào tháng 11/2018, đội tàu được đầu tư nâng cao năng lực, PVT đang có nhiều điều kiện thuận lợi để duy trì đà tăng trưởng.
Đối với nhóm ngành sản xuất - kinh doanh khí, Công ty cổ phần Phân phối khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (PGD) cũng báo lãi vượt kế hoạch năm chỉ sau 9 tháng.
Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2018, doanh thu thuần tăng 21% so với cùng kỳ 2017, đạt 5.004 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế thu về 197 tỷ đồng, tăng 59% cùng kỳ và vượt 9% kế hoạch năm.
Điểm đáng chú ý trong bức tranh tài chính của PGD là không ghi nhận khoản vay nợ thuê tài chính nào. Trong khi đó, tại ngày 30/9/2018, khoản mục tiền và tương đương tiền đạt 1.553 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng tài sản.
Công ty cổ phần CNG Việt Nam (CNG) trong 9 tháng đầu năm 2018 đạt 1.320 tỷ đồng doanh thu, 102,4 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng lần lượt 37% và 7,5% so với cùng kỳ 2017, hoàn thành 95% kế hoạch doanh thu và 89% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Ông Vũ Văn Thực, Giám đốc CNG cho biết, giá dầu tăng đã tác động tích cực đến lợi nhuận của Công ty.
Nếu như giá dầu tăng là tin vui với doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực dầu khí thì với nhóm ngành phân bón như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, điều này lại ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí nguyên vật liệu đầu vào. Tuy vậy, khắc phục khó khăn, cả 2 doanh nghiệp đầu ngành phân bón này đều đạt được kết quả kinh doanh khả quan.
Tại Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí - CTCP (DPM), giá khí đầu vào cho sản xuất phân bón 9 tháng đầu năm 2018 tăng khoảng 28% so với cùng kỳ năm 2017.
Chi phí đầu vào tăng trong khi đầu ra là hoạt động sản xuất nông nghiệp và thị trường phân bón bị ảnh hưởng bởi thời tiết bất thường cũng như giá nông sản giảm sâu. Bên cạnh đó, DPM còn chịu thêm áp lực chi phí bởi năm nay đưa vào vận hành Xưởng NH3 mở rộng, Nhà máy NPK công nghệ hoá học, khiến chi phí khấu hao và lãi vay sẽ tăng.
Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực trong quản trị, điều hành, tiết giảm chi phí, nên trong 9 tháng đầu năm 2018, sản lượng tiêu thụ Đạm Phú Mỹ đạt gần 640.000 tấn, sản lượng kinh doanh các loại phân bón khác khoảng 270.000 tấn, vượt 20% kế hoạch năm.
Sản phẩm NPK Phú Mỹ đạt lượng tiêu thụ kỷ lục gần 100.000 tấn, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2017. Doanh thu tăng 8% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế đạt 625 tỷ đồng, vượt 41% kế hoạch năm.
Với Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau (DCM), 9 tháng đầu năm ước đạt doanh thu 4.626 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 569,9 tỷ đồng, hoàn thành 83% kế hoạch năm.
Kết quả này có được trong bối cảnh Nhà máy Đạm Cà Mau trong năm 2018 phải tiến hành đợt bảo dưỡng tổng thể lớn nhất từ khi đi vào hoạt động cả về quy mô cũng như độ phức tạp.
DCM dự báo sẽ sớm hoàn thành kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2018. Đây sẽ là bước chuẩn bị quan trọng cho chặng đường của DCM từ sau năm 2019 được dự báo có nhiều khó khăn khi không còn được hưởng chính sách ưu đãi giá khí.
Dệt may, thủy sản: ABT, ANV, VHC, TCM, TNG
Là những doanh nghiệp hướng đến xuất khẩu, tưởng như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang cùng những chính sách bảo hộ sản xuất của các cường cuốc sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại quốc tế, trong đó có doanh nghiệp dệt may, thủy sản Việt Nam.
Tuy nhiên, tận dụng cơ hội nằm ở vị thế trung gian trong cuộc chiến giữa các cường quốc, cùng diễn biến tỷ giá thuận lợi hỗ trợ cho xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp dệt may, thủy sản Việt Nam đạt lợi nhuận cao trong 9 tháng đầu năm 2018.
Trong ngành thủy sản, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (ABT) đạt 308 tỷ đồng doanh thu và 55 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng đầu năm, tăng 8% và 244% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2018, ABT đặt mục tiêu đạt doanh thu 400 tỷ đồng và 48 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, kết thúc 9 tháng, ABT đã hoàn thành vượt 25% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Tại Công ty cổ phần Nam Việt (ANV), 9 tháng đầu năm, doanh thu đạt 2.734,7 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế 303,4 tỷ đồng, gấp gần 4 lần cùng kỳ và vượt 21% kế hoạch cả năm.
ANV cho biết, kết quả khả quan này có được một phần đến từ ngành cá tra đang gặp thuận lợi về giá và thị trường tiêu thụ.
Giá cá tra hiện ở mức cao và trên đà tăng. Việc chủ động được nguồn nguyên vật liệu với tỷ lệ tự cung ứng lên tới 100% giúp Công ty hưởng lợi từ giá đầu ra tăng.
Đối với Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC), một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, trong 9 tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu (không tính Văn Đức Tiền Giang) tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 270 triệu USD. Kết quả này nhờ giá bán trong quý III/2018 đạt mức cao nhất kể từ đầu năm, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng tiêu thụ tăng 9%.
Trong nhóm dệt may, Công ty cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (TCM) báo lãi vượt 7% kế hoạch năm 2018 sau 9 tháng. Cụ thể, doanh thu của TCM đạt khoảng 119 triệu USD (tương đương 2.796,5 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế khoảng 8,6 triệu USD (tương đương 202,1 tỷ đồng).
Sớm vượt kế hoạch cũng là câu chuyện tại Công ty cổ phần Dệt may TNG (TNG) khi doanh thu 9 tháng đạt 2.726,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 130,5 tỷ đồng (kế hoạch cả năm là 127 tỷ đồng).
Chủ tịch Hội đồng quản trị TNG Nguyễn Văn Thời chia sẻ, TNG có nhiều điều kiện thuận lợi về công tác đơn hàng như tìm kiếm được các đơn hàng số lượng lớn, dòng sản phẩm phù hợp với thế mạnh, từ đó làm tăng hiệu quả kinh doanh.
Kỳ vọng 2019
Không chỉ nhóm dầu khí, phân bón, dệt may hay thủy sản…, vượt kế hoạch năm 2018 sau 9 tháng cũng là câu chuyện được ghi nhận tại nhiều nhóm ngành khác như nông nghiệp, thực phẩm, chứng khoán, bảo hiểm, kể cả một số doanh nghiệp sản xuất cao su tự nhiên, dù giá mủ cao su giảm mạnh từ đầu năm đến nay gây áp lực lên hoạt động kinh doanh.
Đây là tín hiệu phản ánh bức tranh lạc quan chung của nền kinh tế, bên cạnh đó cũng cho thấy năng lực chủ động ứng phó, biến nguy cơ, rủi ro thành cơ hội của nhiều doanh nghiệp. Việc sớm hoàn thành kế hoạch năm 2018 là nền tảng quan trọng của các doanh nghiệp trước khi bước vào năm 2019.
Còn với cổ đông, nhà đầu tư, việc doanh nghiệp sớm hoàn thành hay vượt kế hoạch đang là những tin tức tích cực trong bối cảnh thị trường chứng khoán có diễn biến điều chỉnh. Đây cũng là sự chuẩn bị cho mùa đại hội đồng cổ đông năm sau với những kỳ vọng lạc quan trong kế hoạch phân phối lợi nhuận, cổ tức.