Điểm nóng pháp lý ngành ngân hàng - kỳ 3: Thiếu nền tảng phân định trách nhiệm tín dụng

(ĐTCK) Trong năm 2013, hàng loạt vụ án liên quan đến ngành ngân hàng được khởi tố, điều tra, xét xử với những số tiền mất mát lên đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Ngành ngân hàng hiện đang ở thời kỳ bộc lộ những hậu quả nặng nề phát sinh từ nghiệp vụ tín dụng, nhưng cũng đồng thời lộ rõ sự lúng túng trong cơ chế phân định trách nhiệm tín dụng nội bộ đối với hậu quả phát sinh.
Điểm nóng pháp  lý ngành ngân hàng - kỳ 3: Thiếu nền tảng phân định trách nhiệm tín dụng

Bài 3: Thiếu nền tảng phân định trách nhiệm tín dụng

Hậu quả tín dụng phát sinh, lỗi của ai?

Trong đại án Huỳnh Thị Huyền Như, thời điểm đại diện Viện Kiểm sát công bố luận tội đưa ra mức hình phạt cụ thể với các bị cáo nguyên là cán bộ ngân hàng của ACB, Vietinbank, VIB…, không chỉ các bị cáo mà cả các luật sư, cùng nhiều người tham dự phiên tòa đều bất ngờ vì mức án quá nặng, khoảng 15 - 18 năm tù.

Vì sao có mức án đó? Theo pháp luật hình sự, hậu quả mất số tiền vốn vài trăm tỷ đồng xảy ra cho các ngân hàng chính là căn nguyên dẫn đến bản án nặng nề đó. Khi còn đương nhiệm, hầu hết cán bộ ngân hàng này đều không thể hình dung việc mình ký vào một hồ sơ chứng từ tín dụng ngày hôm qua, mang lại cho mình bản án nặng nề như vậy của ngày hôm nay.

Nhưng phía sau vụ án, câu hỏi là đặt thiệt hại thất thoát mấy trăm tỷ đồng lên vai các cán bộ ngân hàng đã thực sự hợp lý chưa, có phải lỗi nghiệp vụ trong hành vi cho vay của họ là nguyên nhân quyết định dẫn đến thất thoát, hay đó chỉ là một trong cả chuỗi nhân tố lỗi đóng vai trò nguyên nhân dẫn đến hậu quả mất vốn.

Trong ngành ngân hàng, cấp một khoản tín dụng, nhất là cho vay sẽ trải qua một quy trình gồm 4 công đoạn: Thẩm định cho vay, quyết định cho vay, theo dõi nợ vay và thu hồi khoản vay. Khởi đầu một khoản vay là việc thẩm định của cán bộ tín dụng. Nhưng để bảo đảm đồng tiền ra khỏi ngân hàng có thể trở về một cách an toàn, thì hàng loạt bộ phận nghiệp vụ tín dụng trong ngân hàng được hình thành. Các bộ phận này tham gia vào việc định giá độc lập, quản lý tài sản bảo đảm, hỗ trợ tín dụng, xem xét tái thẩm định lại khoản vay, đánh giá phê duyệt, quyết định cho vay, giải ngân… Điều đó có nghĩa là, rủi ro tín dụng được chia nhỏ trách nhiệm kiểm soát bằng nhiều bộ phận khác nhau của ngân hàng. Trong đó, mỗi khoản vay được tiến hành bởi một hệ thống các hành vi, quy trình với rất nhiều yếu tố, mà mỗi yếu tố đều có thể phát sinh rủi ro trong tương lai cho ngân hàng. Với một hậu quả mất vốn xảy ra, rất có thể sự sai lầm phát sinh từ lỗi tổng hợp của các bộ phận?

Có những trường hợp, hậu quả mất vốn là tất yếu từ chính sách sản phẩm tìm kiếm lợi nhuận trong sự phiêu lưu liều lĩnh, thiếu phòng vệ pháp lý của chính ngân hàng. Có những trường hợp thì khi thẩm định, giải ngân cho vay không có vấn đề gì phát sinh. Nhưng sau đó hậu quả mất vốn phát sinh do hàng hóa tài sản bảo đảm bị mất từ sự lơ là vốn thuộc trách nhiệm trông giữ của đơn vị khác như công ty quản lý tài sản (AMC) của ngân hàng hoặc bên bảo vệ chuyên nghiệp, hoàn toàn không phải lỗi trực tiếp của cán bộ tín dụng.

Thực tế, theo cách xử lý bên ngoài ngành ngân hàng, nhất là của cơ quan tiến hành tố tụng, thì “bút sa, gà chết” là căn cứ xác định trách nhiệm của cán bộ ngân hàng. Vậy là, trong thời gian qua, hầu hết những người phải gánh chịu hậu quả mất vốn của ngân hàng đều thuộc đơn vị trực tiếp cho vay, đã ký trên những hợp đồng tín dụng, khế ước giải ngân như cán bộ tín dụng trực tiếp cho vay, trưởng phòng khách hàng tín dụng, giám đốc chi nhánh...

Khi một hậu quả tín dụng xảy ra, có thể nhiều bộ phận cùng có sai phạm, có lỗi. Mức độ trách nhiệm của mỗi con người được cân, đo, đong, đếm đến đâu dựa trên sai phạm bản thân và hậu quả chung phát sinh?

Khi trách nhiệm không phân định, điều gì chờ đợi ngân hàng?

Hầu như các ngân hàng ở Việt Nam hiện nay đều chưa xây dựng được hệ thống PĐTNTD nội bộ. Điều này đẩy hệ thống ngân hàng vào tình trạng lộn xộn về trách nhiệm, người đáng lẽ phải chịu trách nhiệm chính, thì có thể sạch tay đứng ngoài cuộc. Không hiếm trường hợp ra tòa, chính HĐXX khi tuyên án cũng day dứt vì biết bị cáo mới gia nhập ngân hàng trong thời gian rất ngắn, có khi chỉ ở đơn vị kinh doanh mười mấy ngày, nhưng trót ký vào văn bản để rồi chịu án mười mấy năm tù.

PĐTNTD nội bộ hoàn toàn không giống với những quy định về việc giao nhiệm vụ triển khai những bước quy trình tín dụng, cho vay.

Hệ thống quy trình tín dụng của các ngân hàng mới chỉ dừng lại ở bước xác định ai, bộ phận nào triển khai hành động tác nghiệp gì, vì mục tiêu và kết quả thực hiện thế nào. Một hệ thống quy tắc xác định nên tổng thể các yếu tố gây rủi ro trong tác nghiệp tín dụng, với một phương pháp đánh giá đo lường, phân tách rõ ràng nhân tố trọng yếu gây hậu quả mất vốn, cùng mức độ trách nhiệm có thể tính thành tỷ lệ phần trăm, quy thành tiền, để từ đó xác định trách nhiệm tín dụng cụ thể cho tất cả cán bộ ngân hàng có tham gia vào khoản vay mất vốn. Đây mới chính là sự phân định trách nhiệm cần có của ngân hàng, nhưng cũng là điều hiếm ngân hàng nào ở Việt Nam đã làm được.

Thiếu hệ thống PĐTNTD nội bộ, ngân hàng có sao không? Câu hỏi này không khác gì vài năm trước đây, ai đó đặt câu hỏi, chạy đua tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá mà không chú trọng chính sách kiểm soát rủi ro, pháp lý, ngân hàng có sao không? Rõ ràng, hậu quả ngành ngân hàng gánh chịu ngày hôm nay là bài học lâu dài cho việc bỏ qua, coi thường những chính sách gắn với nghiệp vụ tín dụng vốn là nghiệp vụ then chốt của ngân hàng.

Mất đi một vài cán bộ tín dụng thời điểm này, ngân hàng không sợ. Nhưng xin đừng quên ngân hàng vốn là một tổ chức cung ứng dịch vụ, thành công phụ thuộc vào yếu tố con người. Yếu tố con người ở đây đến giờ cũng đã rõ, là hệ thống nhân sự trên toàn mạng lưới ngân hàng, chứ không chỉ đơn thuần là một vài nhân sự cấp cao trong bộ máy quản trị, điều hành.

Không có hệ thống PĐTNTD nội bộ, ngân hàng sẽ tồn tại cơ chế xử lý trách nhiệm thiếu công bằng, như những gì đang diễn ra hiện nay. Điều đó dẫn tới hệ lụy ngân hàng sẽ mất sự tin cậy trong thu hút và sử dụng nguồn nhân lực lâu dài, nhất là khi môi trường cạnh tranh nhân lực và hệ thống ngân hàng biến chuyển tốt lên trong tương lai.

Không có hệ thống PĐTNTD nội bộ, ngân hàng sẽ không có công cụ răn đe hữu hiệu, khai phá nhận thức về hậu quả pháp lý, ngăn ngừa sai phạm tín dụng cho cán bộ của mình. Thực tế, ngân hàng nào cũng có nội quy, nhưng nội quy chỉ quy định chung chung trong tổng thể, PĐTNTD tập trung vào những sai phạm chuyên môn lường trước có thể gây rủi ro cho ngân hàng. Cũng giống như trong xã hội cần có pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, hình sự, để đưa ra nguyên tắc, mức độ công khai xử lý hành vi sai phạm, ai có lỗi sẽ bị xử lý và có mức độ rõ ràng. Có hệ thống PĐTNTD, thì cán bộ ngân hàng sẽ nhìn vào đó mà biết được mức độ trách nhiệm, giá phải trả nếu có sự sai lầm trong nghiệp vụ. Pháp luật không có quy định nào về sự phân định trách nhiệm các khâu, các cá nhân trong ngân hàng, sự trừng phạt của pháp luật dành cho cán bộ ngân hàng không khỏi có sự lúng túng. Bản thân các ngân hàng nếu làm rõ, phân biệt mức độ, hành vi có nguy cơ ảnh hưởng an toàn tín dụng trong nội bộ, thì sẽ giúp cán bộ nhận thức trách nhiệm tốt hơn.

Không có hệ thống PĐTNTD rõ, ngân hàng sẽ bỏ lỡ cơ hội kinh doanh, khách hàng thì bỏ lỡ cơ hội tiếp cận vốn vay. Sẽ có hai tâm lý ngược chiều trong khối cán bộ ngân hàng, một là tâm lý run sợ, rụt rè đối với các cán bộ trực tiếp cho vay khi cho rằng, cứ xảy ra thất thoát mình sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, hai là tâm lý ỷ lại của cán bộ từ bộ phận khác và có thể dẫn đến sự thiếu trách nhiệm. Tình trạng này làm cho cuối cùng nhiều đơn vị cho vay trong ngân hàng sẽ lựa chọn hướng không hành động trước nhiều cơ hội kinh doanh có rủi ro tiềm ẩn. Trong khi đó, nguyên lý hoạt động của ngân hàng lại là tìm kiếm lợi nhuận từ khai thác, quản trị các rủi ro kinh doanh.

Kết

Khi hậu quả mất vốn đã xảy ra và không thể khắc phục, thì mức án tù nặng nề đối với cán bộ tín dụng cũng không phải là điều ngân hàng cần. Ngăn ngừa các hậu quả xấu có thể phát sinh trong tương lai mới là điều ngân hàng cần đến. Nâng tầm nhận thức về trách nhiệm khi thực thi nghiệp vụ cho cán bộ ngân hàng, có cơ chế thưởng phạt phân minh, trách nhiệm được rõ ràng phân định, nhằm tập trung mọi mặt cho quản trị rủi ro kinh doanh là điều ngân hàng cần luôn hướng tới. Để làm được điều này, hệ thống PĐTNTD chính là nền tảng ban đầu mang tính quyết định.

Luật sư Trần Minh Hải

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục