Điểm nhấn kết quả quý I

(ĐTCK) Kết thúc quý I/2019, có gần 200 doanh nghiệp (DN) ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng trưởng từ 15%, nhưng cũng có hơn 210 DN có lợi nhuận giảm từ 15 - 100% so với cùng kỳ 2018.
Điểm nhấn kết quả quý I

Nằm trong nhóm những DN có tăng trưởng lợi nhuận cao nhất là CTCP Chứng khoán An Phát (APG) với mức tăng hơn 201 lần chủ yếu đến từ cổ tức, tiền lãi phát sinh từ tài sản tài chính PVTP. Nhờ lãi các khoản cho vay và phải thu, CTCP Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS) cũng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh. Trong quý I/2019, đa phần các công ty chứng khoán đều có kết quả kinh doanh sụt giảm so với cùng kỳ 2018.

Đáng chú ý hơn, ở nhóm công ty thủy sản, nhờ thị trường chung thuận lợi, nhiều DN đồng loạt công bố lãi lớn trong quý đầu năm nay. Chẳng hạn, CTCP Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC) lãi ròng 307 tỷ đồng, hơn gấp 3 lần cùng kỳ năm trước; CTCP Nam Việt (ANV) lãi hơn 200 tỷ đồng, tăng 164%; CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang (ACL) lãi 54,5 tỷ đồng, tăng h ơn 8 lần...

Tuy vậy, ngoại trừ số ít DN lãi trăm tỷ đồng, đa phần các DN có lợi nhuận tăng trưởng "khủng" là các DN quy mô vừa và nhỏ, lợi nhuận khoảng vài chục tỷ đồng.

Ở nhóm DN có doanh thu cao hàng trăm tỷ đồng, điểm tích cực là nhiều DN tăng trưởng nhờ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Đơn cử, CTCP Tập đoàn Hà Đô (HDG) đạt 901 tỷ đồng doanh thu trong quý I/2019, tăng mạnh so với con số 226 tỷ đồng của cùng kỳ 2018, chủ yếu đến từ doanh thu bất động sản và thủy điện, góp phần mang lại lợi nhuận 265 tỷ đồng, gấp 8 lần cùng kỳ.

Tại CTCP Đầu tư LDG (LDG), doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 315 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần, trong khi giá vốn tăng ít hơn nên lợi nhuận đạt 121 tỷ đồng, cao gấp 25 lần cùng kỳ. Trong nhóm bất động sản, còn có nhiều DN ghi nhận mức tăng lợi nhuận tốt như SC5, FIR, NLG, NVL, SGR, NTL, DGC, SCR… 

Một thực tế đáng quan tâm khác là nhiều DN dù lợi nhuận tăng trưởng rất mạnh, nhưng doanh thu lại sụt giảm. Đơn cử, CTCP Cơ điện miền Trung (CJC) có doanh thu giảm đến 66%, nhưng lợi nhuận lại tăng tới 907% nhờ bán toàn bộ 4,9 triệu cổ phiếu LCG với giá thỏa thuận bình quân 10.500 đồng/CP (giá vốn là 10.000 đồng/CP). Tương tự, lợi nhuận của CTCP Ô tô TMT (TMT) ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ, song doanh thu thuần giảm 31%, đạt 337,5 tỷ đồng.

Trong danh sách DN giảm mạnh lợi nhuận, nhóm chứng khoán đóng góp nhiều thành viên, trong đó có cả những DN nằm trong Top đầu về thị phần, nguyên nhân chính là do diễn biến và thanh khoản thị trường quý I/2019 sụt giảm mạnh so với cùng kỳ. Kết quả này đã được dự báo từ trước.

Nhóm bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng cũng ghi nhận sự sụt giảm lợi nhuận ở nhiều doanh nghiệp như VHM, CTD, DRH, NDN, KBC, VPI, HDC, HAR, SAM, VPH, NBB, QCG, ITC, CII, CEE, SII, KSB, C32, NNC… Đơn cử, CTCP Đầu tư kinh doanh nhà (ITC) lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 1,23 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ lãi 6,87 tỷ đồng), nếu không có 1,58 tỷ đồng lợi nhuận khác thì đã lỗ quý đầu năm.

Chỉ còn lãi chưa đến 5 tỷ đồng, giảm 81% so với cùng kỳ, CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) cho biết, quý I/2018, Công ty ghi nhận doanh thu từ chuyển nhượng căn hộ giai đoạn cuối dự án Citygate (khoảng 340 tỷ đồng), trong khi quý I/2019 các dự án chưa đủ điều kiện ghi nhận doanh thu. 

Ngược lại, doanh thu thuần của CTCP SAM Holdings (SAM) tăng trưởng 19,5%, nhưng lợi nhuận giảm hơn 75% chủ yếu do sụt giảm doanh thu hoạt động tài chính gần 83%. Cùng kỳ năm trước, SAM thanh lý đầu tư được gần 121 tỷ đồng, trong khi chỉ đạt hơn 18 tỷ đồng trong quý I năm nay.

Tại CTCP Gemadept (GMD), lợi nhuận sụt giảm đến 92% do không còn nguồn thu lớn từ bán công ty con. Cụ thể, quý I/2019, doanh thu tài chính của GMD chỉ là 11,5 tỷ đồng, giảm rất mạnh so với con số 1.355 tỷ đồng của cùng kỳ 2018. Dù vậy, hoạt động kinh doanh cốt lõi của GMD là logistics vẫn tăng trưởng.

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục