Đứng yên là đã giảm
Trước thực tế năm 2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được đoàn kiểm tra xác định đã lỗ tới hơn 26.000 tỷ đồng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh điện, chưa tính tới gần 15.000 tỷ đồng chênh lệch do tỷ giá từ năm 2019 đến hết 2022 vẫn được treo, nhiều chuyên gia và nhà đầu tư đã cho rằng, phải nhanh chóng xử lý vấn đề, nếu không hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.
Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cho hay, lỗ của EVN không phải bây giờ mới nhìn thấy. Vài năm qua, giá điện vẫn cố định như tháng 3/2019, trong khi năm nào cũng trượt giá, tỷ giá tăng hay giá nhiên liệu đầu vào biến động mạnh theo chiều tăng, ảnh hưởng lớn tới chi phí đầu vào.
“Tuy nhiên, đã không có sự điều chỉnh nào về giá điện bán lẻ, dù về luật pháp là có quy định cho phép”, ông Sơn nói.
Chuyên gia này cũng đưa ra một số nguyên nhân khiến giá điện bị cơ quan chức năng kìm nén. Đơn cử, giai đoạn 2019-2021 do tác động của Covid-19, nên giá điện thậm chí không tăng, mà còn giảm để hỗ trợ doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Sau khi hết dịch bệnh, nhu cầu điện tăng dần, thì nhiều doanh nghiệp lại phải đối mặt với thực tế thị trường xuất khẩu và sức mua giảm, hàng tồn kho lớn, kết quả kinh doanh trong 6 tháng trở lại đây không tốt. Thực trạng này khiến khả năng cho tăng giá điện để bù đắp việc EVN đang phải mua cao - bán thấp cũng chông chênh.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng Việt Nam, thành viên Hội đồng phản biện Quy hoạch Điện VIII nhận xét, việc giá bán lẻ điện bình quân đã đứng im nhiều năm qua có nghĩa là giá điện đã giảm. Đó là vì lạm phát mấy năm qua vẫn đều ở mức 3-4%/năm, chưa nói tới tỷ giá cũng tăng.
Cạnh đó, EVN đã có mấy đợt hỗ trợ giảm giá điện do Covid-19, nên dư địa còn lại để tái đầu tư cũng không còn. Hiện Chính phủ cũng không thực hiện bảo lãnh cho vay vốn đầu tư nên các dự án điện lại càng khó để vay tiền.
“Các doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng cũng chờ tín hiệu giá điện, nếu giá điện bán ra thấp thì khó lòng mà đàm phán xong việc bán điện cho EVN. Trong khi đó, chỉ trừ có nhà máy điện mặt trời còn có thể xây dựng trong 1 năm, các nhà máy điện lớn như điện khí cũng mất 36 tháng, điện than là 48 tháng. Nếu tính cả thời gian làm thủ tục thì phải mất 7-8 năm. Dự án truyền tải điện cũng mất 4-5 năm mới xong… Như vậy, đảm bảo điện trong những giai đoạn tới sẽ có thách thức”, ông Tuấn nhận xét.
Cũng cho rằng, “giá điện thấp khiến EVN lỗ thì Nhà nước phải bù hoặc cho doanh nghiệp tăng giá”, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho hay, rõ ràng, doanh nghiệp không thể chịu đựng được mãi.
“Việc bù đắp khoản lỗ lớn hiện nay của EVN không làm trước thì cũng phải bù sau. Vấn đề ở chỗ là không thể không điều chỉnh giá điện, nhưng nếu điều chỉnh nhỏ thì không giải quyết được gì, mà điều chỉnh lớn và đột ngột sẽ tác động mạnh tới ổn định kinh tế vĩ mô và các vấn đề xã hội. Ở đây Nhà nước cần phải chịu một phần, dân cũng phải chịu một phần để xử lý tồn tại, bởi nếu mọi người đều sợ, ngại, đùn đẩy việc này, thì sẽ dẫn tới nguy cơ thiếu điện và điều đó còn nguy hiểm hơn, mất mát sẽ còn lớn hơn”, ông Cung nhận xét.
Nhà đầu tư thất vọng
Trao đổi tại Talkshow “Giá điện - điểm nghẽn trong cấp điện an toàn và thu hút đầu tư” do Báo Đầu tư tổ chức, ông Bùi Văn Thịnh, Giám đốc Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình bày tỏ sự lo lắng.
“Các nhà đầu tư năng lượng tái tạo vô cùng lo lắng khi nghe nói EVN lỗ lớn và tháng 5 này không còn tiền nữa, nếu không có gì thay đổi về giá bán lẻ điện bình quân. Nhiều dự án tính toán lợi nhuận là 12-15% thì chỉ cần cắt giảm sản lượng 10% đã ảnh hưởng đáng kể tới hiệu quả sản xuất, kinh doanh, trong khi thực tế có những nhà máy đang chịu cắt giảm 20% công suất bởi nhu cầu giảm hoặc không có đường dây tải điện”, ông Thịnh cho biết.
Với thực tế thúc đẩy chuyển dịch năng lượng sang xanh, sạch, hiện tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo đã đạt hơn 27% trong hệ thống sau khi có sự bùng nổ lớn về điện gió, điện mặt trời vào vận hành giai đoạn 2019-2021.
“Theo các chuyên gia, với lưới điện độc lập như Việt Nam thì tỷ lệ năng lượng tái tạo vượt quá 20% đã là làm khó điều độ hệ thống, vì vậy, đánh giá rất cao nỗ lực vận hành của EVN thời gian qua”, ông Thịnh nói.
Trước thực tế giá mua điện từ năng lượng tái tạo hiện nay cao hơn giá bán điện bình quân của EVN, các doanh nghiệp năng lượng tái tạo cũng chia sẻ với mục tiêu cân bằng tài chính của EVN khi năng lượng tái tạo vào nhiều và chấp nhận khi bị điều hành, cắt giảm một số giờ nhất định để đảm bảo an toàn cho hệ thống. Tuy nhiên, cứ tiếp tục mãi thì nhà đầu tư cũng khó khăn về mặt tài chính.
Việc đầu tư cho pin lưu trữ nhằm gia tăng số giờ của năng lượng tái tạo trong cấp điện cũng được ông Thịnh cho là “vấn đề kinh tế thuần túy hoàn toàn, bởi sẽ làm giá thành sản xuất điện tăng lên gấp 2 lần”. Như vậy, EVN không chịu được nếu mua để đảm bảo điện, còn nhà đầu tư không có người mua sẽ không dám làm. Điều này sẽ tác động lớn về phát triển năng lượng tái tạo trong tương lai không xa.