“Đây là công trình giao thông quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, kết nối Tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, phát huy các lợi thế về cửa khẩu, cảng biển, sân bay trong khu vực”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá tại Lễ khởi công Dự án tổ chức vào cuối tuần qua.
Theo Thủ tướng, việc sớm hình thành tuyến cao tốc từ Hà Nội tới Hạ Long dài 115 km sẽ tạo động lực lớn trong thu hút đầu tư, phát triển du lịch của Quảng Ninh.
Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải làm việc với Chính phủ, nhà đầu tư Nhật Bản sớm hoàn tất thủ tục để sớm khởi công cầu Bạch Đằng, nhằm khai thác đồng bộ tuyến đường.
Theo ông Đỗ Thông, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng và Quảng Ninh nằm trong cụm đầu mối giao thông quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, nhưng mạng lưới giao thông đối ngoại của hai địa phương chưa đáp ứng yêu cầu thúc đẩy sự phát triển và khả năng thu hút, cạnh tranh.
Trục đường bộ huyết mạch của tỉnh Quảng Ninh hiện nay là Quốc lộ 18. Đây là trục đường bộ chính liên kết Quảng Ninh với các tỉnh khác trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với Trung Quốc; đã được nâng cấp cải tạo, nhưng mới đạt tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, với quy mô 2 làn xe cơ giới và sẽ mãn tải vào năm 2015.
“Nhu cầu đầu tư một tuyến đường cao tốc hiện đại nối Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh hiện rất cấp thiết”, ông Thông khẳng định.
Được biết, Dự án Đường nối TP. Hạ Long với cầu Bạch Đằng là một trong hai dự án độc lập do Sở Giao thông - Vận tải Quảng Ninh làm chủ đầu tư, thuộc tuyến đường nối TP. Hạ Long với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Đây là công trình đường cao tốc đầu tiên do một địa phương tự cân đối vốn đầu tư.
Một hạng mục quan trọng khác của tuyến đường là Dự án Xây dựng cầu Bạch Đằng dài 3,054 km, hệ thống đường dẫn và nút giao cuối tuyến, với tổng mức đầu tư 7.388 tỷ đồng. Dự án này đã được tỉnh Quảng Ninh trao cho Tập đoàn SE (Nhật Bản) đầu tư theo hình thức BOT, dự kiến vay vốn ưu đãi từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).
Cần phải nói thêm rằng, một trong những điều kiện cần để SE đầu tư chính là phải triển khai sớm tuyến đường nối TP. Hạ Long tới cầu Bạch Đằng.
Trước đó, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua Nghị quyết số 84/2013/NQ- HĐND ưu tiên dành ít nhất 1.000 tỷ đồng mỗi năm cho Dự án Đường nối TP. Hạ Long với cầu Bạch Đằng. Đồng thời, dành toàn bộ khoản tiền 800 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương và khoản 1.840 tỷ đồng mà Bộ Giao thông - Vận tải đang “nợ” cho dự án trọng điểm này.
Dự kiến, khi hoàn thành vào năm 2017, công trình sẽ góp phần hoàn chỉnh tuyến đường kết nối Tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông tuyến đường cao tốc ven biển vùng duyên hải Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng, giảm tải lưu lượng cho Quốc lộ 18 và Quốc lộ 10.
“Quảng Ninh cam kết dành nguồn lực tài chính cao nhất cho công trình hạ tầng trọng điểm này. Nhiều nhà đầu tư đang xúc tiến triển khai các dự án sản xuất quy mô lớn khi biết tin công trình được khởi công”, ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết.
Ông Đọc cũng cho biết, tỉnh đang rốt ráo xúc tiến đầu tư cho các công trình BOT hạ tầng trọng điểm lớn khác, trong đó có tuyến đường Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, Sân bay Quốc tế Vân Đồn..., nhằm nâng cao năng lực kết cấu hạ tầng của tỉnh.
Được biết, nằm trong chuỗi sự kiện kinh tế nói trên, UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ tổ chức Hội nghị công bố các quy hoạch chiến lược của tỉnh Quảng Ninh đã được phê duyệt, nhằm cung cấp thông tin về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; khẳng định tinh thần nhất quán, quyết tâm trong đường lối lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các quy hoạch.
Hội nghị cũng kết hợp tổ chức xúc tiến đầu tư nhằm huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, thu hút các dự án đầu tư phù hợp quy hoạch, đồng thời tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư của tỉnh.
-Điểm đầu của Dự án Đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng giao với Quốc lộ 18 tại Km102+300 (thuộc phường Đại Yên, TP. Hạ Long); điểm cuối tại Km 19+800 (là điểm đầu Dự án Cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến). -Đây là loại công trình giao thông cấp 1, quy mô đường cao tốc vận tốc thiết kế 100 km/giờ theo tiêu chuẩn kỹ thuật đường cao tốc (Tiêu chuẩn TCVN5729-1997). - Tổng mức đầu tư của Dự án là 6.416 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư ngân sách tỉnh và các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác. |