Điểm mặt những cổ phiếu "hàng hiếm" tăng nóng

(ĐTCK) Thống kê giao dịch trên sàn HOSE trong vòng 1 năm trở lại đây (tính đến 20/3/2017) cho thấy, có tới trên 170 cổ phiếu có bình quân giao dịch dưới 100.000 đơn vị/phiên. Trong đó, nhiều mã tăng giá tới 200%.
Nhà đầu tư có cơ hội hưởng trái ngọt giai đoạn vừa qua nếu nắm giữ những cổ phiếu "hàng hiếm" Nhà đầu tư có cơ hội hưởng trái ngọt giai đoạn vừa qua nếu nắm giữ những cổ phiếu "hàng hiếm"

Thuộc Top tăng giá mạnh nhất trong nhóm cổ phiếu có thanh khoản thấp lại là những cái tên không mấy quen thuộc đối với nhà đầu tư như VRC, DTL, STT, MCP, STG, SRF, SZL, ST8. Trong số này, VRC tăng tới 193,55% chỉ trong vòng 1 năm.

Nhiều nhà đầu tư tỏ ra tiếc nuối khi không sớm biết đến những mã này. Tuy nhiên, đà tăng vọt của các cổ phiếu trên hầu như không đến từ những thông tin tích cực về hoạt động kinh doanh, mà xuất phát từ câu chuyện riêng ở từng doanh nghiệp.

Đơn cử như VRC của CTCP Xây lắp và địa ốc Vũng Tàu, doanh nghiệp này đã thua lỗ liên tục 3 quý đầu năm 2016, bước sang quý IV/2016 lãi đột biến 1,9 tỷ đồng nhờ khoản lãi từ hoạt động đầu tư chứng khoán, trong khi hoạt động kinh doanh chính của Công ty là bất động sản. Thông tin đáng chú ý nhất tại doanh nghiệp này là việc “thay máu” toàn bộ thành viên Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2015 - 2019.

Tại CTCP Vận chuyển Sài Gòn Tourist (STT), vốn nổi tiếng với câu chuyện cổ đông nội, ngoại đấu tố, bãi nhiệm lẫn nhau, mỗi bên đều cố gắng “gom” cổ phiếu để tăng quyền biểu quyết của mình đã đẩy giá cổ phiếu tăng.

Tất nhiên, đà tăng giá mạnh của nhiều cổ phiếu trong nhóm cổ phiếu có thanh khoản thấp trên đã phản ánh kết quả kinh doanh tích cực của doanh nghiệp, như TRA (tăng 73,66%, khối lượng giao dịch bình quân hơn 5.000 cổ phiếu/phiên); BBC (tăng 64,41%, khối lượng giao dịch bình quân hơn 2.000 cổ phiếu/phiên); TNA (tăng hơn 63%, khối lượng giao dịch hơn 44.000 cổ phiếu/phiên); CAV (tăng hơn 61%, khối lượng giao dịch gần 45.000 cổ phiếu/phiên); DHG (tăng 52%, khối lượng giao dịch bình quân hơn 80.000 cổ phiếu/phiên)  và nhiều mã khác như BMP, IMP, LIX…

Gần đây nhất, cổ phiếu SLS của CTCP Mía đường Sơn La gây chú ý với mức tăng 150% trong vòng 1 năm, khối lượng giao dịch bình quân hơn 14.000 cổ phiếu/phiên. Cơ cấu cổ đông của SLS khá cô đặc, khi cổ đông nội bộ nắm giữ gần 50% vốn (khối lượng cổ phiếu đang lưu hành gần 8,2 triệu cổ phiếu).

Ba năm trở lại đây, lợi nhuận sau thuế của SLS tăng trưởng rất ấn tượng, đạt lần lượt 17 tỷ đồng, 78,8 tỷ đồng và gần 137 tỷ đồng. Giá đóng cửa phiên 20/3/2017 của SLS là 123.800 đồng/cổ phiếu. Với mức thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) năm 2016 là 16.700 đồng thì P/E của cổ phiếu này chỉ hơn 7,4 lần, thấp hơn so với nhiều doanh nghiệp cùng ngành.

Một cổ phiếu âm thầm tăng, nhưng chỉ có thanh khoản rất nhỏ là DNP của CTCP Nhựa Đồng Nai với mức tăng 53,89%, nhưng khối lượng giao dịch bình quân chỉ hơn 37.600 cổ phiếu/phiên. Năm 2016, lợi nhuận ròng của DNP đạt 91 tỷ đồng, tăng 100,9% so với năm 2015. Năm 2017, DNP đặt kế hoạch doanh thu 2.268 tỷ đồng, tăng 56,4% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 120 tỷ đồng, tăng 20% so với thực hiện năm 2016.

Tương tự, cổ phiếu D2D của CTCP Phát triển đô thị công nghiệp số 2 với mức tăng gần 42%, giao dịch bình quân chỉ đạt hơn 20.000 cổ phiếu/phiên. Một nhà đầu tư chia sẻ, có những phiên, vị này đã phải “canh” bảng điện và gom từng chục cổ phiếu một, liên tục trong 2 tuần như vậy. Điều này có lẽ không quá khó hiểu khi mà tỷ suất sinh lời ROE (lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) của Công ty luôn giữ ổn định ở mức 13 - 16% trong nhiều năm.

Điểm hấp dẫn khác của D2D là luôn duy trì cổ tức hàng năm ổn định ở mức 25% bằng tiền mặt trong suốt giai đoạn 5 năm qua. Vốn điều lệ D2D không quá cao, chỉ ở mức 107 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông của Công ty lại cô đặc (Tổng công ty Sonadezi nắm giữ 57,94% cổ phần, Quỹ Vietnam Property Holding nắm giữ 5,89% cổ phần) nên số lượng cổ phần bên ngoài nắm giữ không lớn.

Còn rất nhiều cổ phiếu khác cũng đạt mức sinh lợi ấn tượng, hoạt động kinh doanh ổn định như PTB (tăng 59,6%); cổ tức khủng như NCT; EPS cao ngất ngưởng 17.622 đồng như TV2 (tăng 229%), nhưng khối lượng giao dịch bình quân chỉ hơn 7.300 cổ phiếu/phiên…

Thanh khoản là một trong những tiêu chí quan trọng mà các nhà đầu tư xem xét khi đầu tư vào một cổ phiếu và nhà đầu tư thường hạn chế bỏ vốn vào những cổ phiếu có thanh khoản thấp, bởi thanh khoản thấp có thể xuất phát từ nguyên nhân doanh nghiệp hoạt động bết bát, cơ cấu cổ đông cô đặc. Nhưng thanh khoản thấp cũng có thể do cổ phiếu tăng trưởng tốt, nên cổ đông nắm giữ không chịu bán. Và nhà đầu tư có thể hưởng trái ngọt nếu sở hữu được những cổ phiếu thuộc diện “hàng hiếm” này.                  

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục