Điểm mặt các "ông lớn" Việt lỗ khủng

Danh sách các "ông lớn" Việt lỗ khủng đã lộ diện chẳng bao lâu sau khi độc giả trầm trồ với các "ông lớn" lãi khủng.
6 tháng, Vinalines lỗ hơn 1.400 tỷ đồng  
6 tháng, Vinalines lỗ hơn 1.400 tỷ đồng

6 tháng, Vinalines lỗ hơn 1.400 tỷ đồng

Không có gì ngạc nhiên khi Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) có tên trong danh sách các ‘ông lớn’ lỗ khủng sau hàng loạt scandal. Tuy nhiên, Vinalines vẫn gây sốc khi trong vòng 6 tháng đã làm “bốc hơi” ngân sách nhà nước 1.439  tỷ đồng.

Các thành viên của Vinalines “đóng góp” vào 50% số lỗ khủng. Cụ thể, Công ty cổ phần Vận tải dầu khí Việt Nam (Falcon) lỗ 267 tỷ đồng. Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco) lỗ 102,7 tỷ đồng... 50% khoản lỗ còn lại được “chuyển giao” từ Vinashin. Công ty TNHH một thành viên vận tải Viễn Dương Vinashin (Vinashinlines) và Công ty vận tải Biển Đông (Bisco) là hai doanh nghiệp được chuyển từ Vinashin sang đã lỗ 700 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm nay tổng sản lượng vận tải biển của tổng công ty đạt 15,3 triệu tấn, chỉ bằng 85% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng doanh thu của tổng công ty đạt 11.614 tỷ đồng, bằng 97% cùng kỳ năm 2011.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng thua lỗ, Vinalines cho rằng thị trường vận tải biển suy yếu, giá cước vận tải giảm liên tục trong thời gian dài. Ngành hàng hải phải chống chọi với sự dư thừa cung trọng tải trên hầu hết các thị trường. Bên cạnh đó, Vinalines cũng phải giải quyết những khó khăn trong nội bộ doanh nghiệp.

PVX: Quý II/2012 lỗ gần 300 tỷ đồng

Một “ông lớn” thuộc họ dầu khí là Tổng CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVX) vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2012 của công ty mẹ với khoản lỗ 298,3 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm, PVX lỗ 293,2 tỷ đồng. PVX lỗ vì doanh thu giảm mạnh. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý này của PVX đạt 321 tỷ đồng, bằng 1/3 quý II năm ngoái; lũy kế 6 tháng đạt 600 tỷ đồng, giảm 64% cùng kỳ 2011.

Trước đó, PVX đã gây thất vọng khi không chia cổ tức năm 2011 tỷ lệ 10% như kế hoạch đặt ra. Trong Đại hội cổ đông diễn ra hồi tháng 5/2012, cổ đông tập trung chất vấn về vấn đề này.

Ông Trịnh Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVX cho biết, lợi nhuận năm 2011 của Công ty đạt hơn 200 tỷ đồng, với vốn điều lệ hiện là 4.000 tỷ đồng PVX có thể chia cổ tức 4%, tỷ lệ quá thấp. Hơn nữa, Công ty cũng cần vốn kinh doanh cho năm 2012 nên Hội đồng quản trị xin giữ lại lợi nhuận để tiếp tục đầu tư.

Do không hoàn thành kế hoạch Đại hội cổ đông 2011 đã thông qua, dù trong đó có nhiều nguyên nhân khách quan, Chủ tịch Hội đồng quản trị của PVX nói: “Chúng tôi xin lỗi cổ đông và sẽ cố gắng để có kết quả tốt trong năm 2012”.

Tuy nhiên, năm 2012 đã đi qua nửa chặng đường và PVX  “đánh mất’ thêm hơn 290 tỷ đồng. Nếu hoàn thành đúng kế hoạch lợi nhuận 1.015 tỷ đồng, 6 tháng cuối năm, PVX sẽ phải lãi hơn 1.200 tỷ đồng.

MBS: Lỗ lũy kế đến 30/6 gần 550 tỷ đồng

Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) là một cái tên quen thuộc trong danh sách… lỗ khủng. Trong quý II/2012, do tiết kiệm được 85% chi phí kinh doanh, chỉ còn hơn 74,5 tỷ đồng, MBS đã lãi 5,84 tỷ đồng. Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng đầu năm, MBS vẫn lỗ gần 550 tỷ đồng.

Khoản vay nợ ngắn hạn của MBS đã tăng gấp 11 lần từ 81 tỷ đồng đầu năm lên 910 tỷ đồng vào cuối quý II/2012, trong khi đó khoản phải trả lại giảm tương ứng 1000 tỷ đồng từ 1.393 tỷ đồng đầu năm xuống còn 356 tỷ đồng cuối quý II.

LAF: 6 tháng lỗ 125 tỷ đồng

Dù không phải là “ông lớn” ở Việt Nam nhưng Công ty Cổ phần Chế biến Hàng xuất khẩu Long An (LAF) cũng là cái tên có ảnh hưởng trong ngành café. Cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ khủng hoảng kinh tế, quý II/2012, LAF công bố khoản lỗ 88,88 tỷ đồng, nâng tổng số lỗ 6 tháng đầu năm lên 124,62 tỷ đồng tương đương EPS 6 tháng âm 8.461 đồng. Cùng kỳ công ty lãi 45,45 tỷ đồng.

Tuy nhiên LAF đỡ “thê thảm” hơn các “đàn anh” kể trên vì tại thời điểm kết thúc quý II/2012, LAF ghi nhận lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 121,58 tỷ đồng. Ngoài ra, LAF là 1 trong 5 doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu hạt điều hơn 200 triệu đô la. Các hợp đồng nói trên sẽ giao trong quí II và đầu quí III năm nay. Như vậy, trong 6 tháng cuối năm, tình hình của LAF được dự báo sẽ khả quan hơn.

Chưa công bố kết quả kinh doanh quý II/2012 nhưng Công ty cổ phần Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải (VSP), Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) rất có “tiềm năng” lọt vào danh sách các “ông lớn” lỗ khủng.

Năm 2011, VSP lỗ ròng hơn 535 tỷ đồng, đánh dấu 3 năm liên tiếp lỗ. VSP đã phải rời sàn Hà Nội xuống giao dịch tại UpCom. Tới quý I/2012, sau khi hợp nhất. VSP vẫn lỗ 492 tỷ đồng. Hiện tại, ngành vận tải biển gặp muôn vàn khó khăn nên 6 tháng cuối năm, tình hình của VSP được dự báo vẫn… u ám.

Trong khi đó, SBS lỗ gần 1.100 tỷ đồng sau 6 năm hoạt động. Trong quý I/2012, SBS lỗ hợp nhất 660 tỷ đồng. SBS còn gây sóng gió với nghi vấn giấu lỗ.


VTC

Tin cùng chuyên mục