Điểm mặt các doanh nghiệp trả cổ tức cao

(ĐTCK) Mùa đại hội cổ đông năm nay sẽ không có trọng tâm là cổ tức. Lý do chắc không cần giải thích, nhưng dù vậy vẫn có DN khiến cổ đông hài lòng với mức cổ tức lên tới 60-80%.
Điểm mặt các doanh nghiệp trả cổ tức cao

Năm 2011, một trong những đơn vị có mức cổ tức “khủng” là CTCP Cơ khí và khoáng sản Hà Giang (HGM - sàn HNX), với mức cổ tức 80% vốn điều lệ, tức mỗi cổ phiếu sẽ nhận được 8.000 đồng. Sang năm 2012, theo báo cáo tài chính Công ty công bố, Công ty đạt 182,9 tỷ đồng doanh thu, 149,6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt 14,3% kế hoạch doanh thu và 43,8% kế hoạch lợi nhuận là 160 và 104 tỷ đồng. Tính tới thời điểm hiện tại, đơn vị này đã trả cổ tức cho cổ đông 2 lần, với tỷ lệ tổng cộng là 100%.

Bên cạnh HGM, hai mã có mức cổ tức cao trong năm 2011 còn có ABT của CTCP XNK Thủy sản Bến Tre và DSN của CTCP Công viên nước Đầm Sen, với mức cổ tức tương ứng là 60% và 52%. Năm 2012, mặc dù kinh tế vĩ mô có nhiều khó khăn, hai đơn vị này vẫn duy trì được mức cổ tức cao cho cổ đông.

Với kết quả kinh doanh đạt 636,3 tỷ đồng doanh thu và 96,77 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, ABT đã tạm ứng cổ tức năm 2012 cho cổ đông đến 3 lần, với tổng mức cổ tức đạt 60%, vượt 20% so với kế hoạch đã được ĐHCĐ thường niên 2012 thông qua là 50%.

DSN cũng vừa có thông báo thanh toán cổ tức đợt 3/2012 với tỷ lệ 24% bằng tiền mặt, nâng tỷ lệ cổ tức chi trả cho cổ đông trong năm 2012 lên tới 60%.

Top DN trả cổ tức cao

Cổ phiếu

Năm 2011

Năm 2012

(đến ngày 22/2/2013)

HGM

80%

100%

ABT

60%

60%

CNG

60%

30%

GIL

60%

-

CAP

52%

20%

DSN

52%

60%

Bên cạnh những doanh nghiệp vẫn duy trì được mức cổ tức cao như trong năm 2011, một vài đơn vị có mức cổ tức cao trong năm 2011, mặc dù đã tạm ứng cổ tức năm 2012 cho cổ đông so với mặt bằng chung trên thị trường ở mức tương đối cao, nhưng so với mức cổ tức đã trả cho năm 2011 của họ thì dường như đã bị giảm đi nhiều.

Chẳng hạn, cổ phiếu GIL của CTCP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thành, với mức trả cổ tức 60% trong năm 2011, Công ty đã đặt mục tiêu cho năm 2012 trả cổ tức từ 25 - 50%. Tuy nhiên, cuối tháng 2/2013, với kết quả kinh doanh có doanh thu đạt 939,7 tỷ đồng, vượt 4,4% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế đạt 54,63 tỷ đồng, hoàn thành 99,32% kế hoạch năm, nhưng chưa thấy Công ty công bố kế hoạch trả cổ tức năm 2012. Trong năm 2012, GIL đã bán 1,235 triệu cổ phiếu quỹ, tương ứng với 9,27% vốn điều lệ để bổ sung nguồn vốn kinh doanh.

Ngoài ra, cổ phiếu CNG của CTCP CNG Việt Nam và cổ phiếu CAP của CTCP Lâm nông thuỷ sản thực phẩm Yên Bái cũng có mức cổ tức cao trong năm 2011, với tỷ lệ tương ứng là 60% và 52%. Trong năm 2012, hai công ty này cũng đã chia tạm ứng cổ tức cho cổ đông lần lượt là 30% và 20%, phần chia tiếp (nếu có) hiện chưa được công bố.

Thực tế, các DN có truyền thống trả cổ tức cao hiện có thị giá đã khá cao. Nếu xét về con số thì tỷ suất cổ tức/thị giá của nhiều DN không hẳn hấp dẫn. Chẳng hạn, cổ phiếu HGM được trả cổ tức 100%, nhưng hiện có giá là 94.000 đồng/CP (giá ngày 22/2/2013), tỷ suất cổ tức/thị giá là 10,6%; với cổ phiếu CNG, tỷ suất cổ tức trên thị giá chỉ đạt 10,79%, còn với cổ phiếu CAP thì tỷ lệ này cũng chỉ đạt ở mức 5,13%... Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn khó lường, lãi suất tiết kiệm đã lùi dần về mức 8%/năm và có thể giảm nữa, thì việc lựa chọn đầu tư vào những DN có truyền thống trả cổ tức cao vẫn là một sự lựa chọn tốt, vì chắc chắn đây là những DN có trách nhiệm cao trong việc bảo đảm quyền lợi của cổ đông và cổ phiếu có khả năng tăng giá khi thị trường khởi sắc.

Thanh Huyền
Thanh Huyền

Tin cùng chuyên mục