Điểm lại 8 ngày xét xử cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) 49/50 bị cáo thành khẩn nhận tội, chỉ có một bị cáo liên tục thay đổi lời khai; số bị hại bất ngờ giảm hơn 5.400 người; Toà triệu tập hơn 30.000 bị hại nhưng chỉ có vài chục người có mặt; nhiều bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho ông Quyết... Đó là những diễn biến chính của phiên toà xử cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và đồng phạm trong 8 ngày qua.

Phiên tòa diễn ra nhanh chóng trong 8 ngày làm việc

Phiên tòa sơ thẩm xét xử cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và 49 đồng phạm về tội "Thao túng thị trường chứng khoán" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" bắt đầu từ sáng ngày 22/7, dự kiến có thể kéo dài 20 ngày. Tuy nhiên, phiên tòa đã diễn ra nhanh chóng khi ông Trịnh Văn Quyết với vai trò lớn nhất của vụ án cùng hầu hết các bị cáo đã chấp nhận toàn bộ quy kết tại Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Trên cơ sở đó, các luật sư bào chữa cho các bị cáo cũng chủ yếu tập trung vào phần đưa ra các tình tiết giảm nhẹ.

Bên cạnh đó là cách điều hành phiên tòa theo phương pháp hỏi "cuốn chiếu", hỏi dứt điểm từng bị cáo. Các luật sư bào chữa cũng được Hội đồng xét xử đề nghị đi thẳng vào trọng tâm, hạn chế dẫn giải các điều luật.

Nhờ vậy, ngày 29/7, sau 8 ngày làm việc liên tục, phiên tòa đã cơ bản hoàn thành các nội dung chính để chuyển sang thời gian nghị án, dự kiến kéo dài 7 ngày. Dự kiến, ngày 5/8/2024, bản án sẽ được tuyên.

Ông Trịnh Văn Quyết bị đề nghị mức án 24 - 26 năm tù

Vào chiều ngày 26/7, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao công bố bản luận tội và đề nghị mức án cho các bị cáo. Theo đó, ông Trịnh Văn Quyết bị đề nghị mức 24-26 năm tù giam cho cả hai tội danh "Thao túng thị trường chứng khoán" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Ngoài ra, trong 7 bị cáo khác bị cáo buộc cùng lúc hai tội danh này, hai em gái ông Quyết là: Trịnh Thị Minh Huế (Cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC) bị đề nghị mức 17-19 năm; Trịnh Thị Thúy Nga (Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS) 10-12 năm.

Bị cáo Hương Trần Kiều Dung (Phó chủ tịch thường trực HĐQT Tập đoàn FLC) bị đề nghị mức 11-13 năm.

Đối với tội Thao túng thị trường chứng khoán, có 13 bị cáo là lãnh đạo và cựu lãnh đạo, nhân viên các công ty: Công ty cổ phần Chứng khoán BOS, Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt, Công ty FLC Homes và Tập đoàn FLC (trong đó có cháu họ, em rể ông Quyết). Người có mức án đề nghị cao nhất là 3 - 5 năm năm tù, thấp nhất là 18 - 24 tháng tù.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao công bố bản luận tội chiều 26/7

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao công bố bản luận tội chiều 26/7

Đối với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Trong số 22 bị cáo bị cáo buộc phạm tội này, người bị đề nghị mức án cao nhất là Hoàng Thị Thu Hà (Kế toán Công ty TNHH MTV FLC Land, em họ ông Quyết): 10-11 năm.

Nhóm lãnh đạo và nhân viên công ty kiểm toán bị đề nghị như sau: Nguyễn Ngọc Tỉnh (Chủ tịch Hội đồng thành viên, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán và kế toán Hà Nội - CPA Hà Nội): 7-8 năm tù; Lê Văn Tuấn (Kiểm toán viên CPA Hà Nội): 7-8 năm tù; Trần Thị Hạnh (Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán TTP): 6-7 năm tù.

Trong vụ án này, có 4 bị cáo liên quan đến tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" là cựu lãnh đạo và nhân viên sàn HOSE. Trong đó, ông Trần Đắc Sinh (nguyên Chủ tịch HĐQT HOSE) bị đề nghị 8-9 năm tù; ông Lê Hải Trà (nguyên ủy viên HĐQT, Phó tổng giám đốc HOSE) bị đề nghị 6-7 năm tù.

Ba bị cáo còn lại liên quan đến tội "Công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" là Lê Công Điền (Vụ trưởng Giám sát công ty đại chúng thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) bị đề nghị 36-42 tháng tù; Dương Văn Thanh (Tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam) 24-30 tháng tù; Phạm Trung Minh (nguyên Trưởng phòng Đăng ký chứng khoán thuộc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam) 18-24 tháng tù.

Số bị hại bất ngờ giảm hơn 5.400 người

Trước khi diễn ra phiên xử, TAND TP Hà Nội đã triệu tập 30.403 bị hại tham gia quá trình tố tụng và đã cho dựng rạp với hàng nghìn chỗ ngồi phục vụ bị hại đến dự, con số này dựa trên ghi nhận tại Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân.

Tuy nhiên, trong ngày đầu xét xử chỉ có khoảng 30 người tới, những ngày sau đó cũng rất ít bị hại có mặt. Điều này trái ngược với vụ án tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh khi hàng nghìn người tham dự, nhiều người đến từ 4h sáng.

Toà án cho dựng rạp với sức chứa hàng nghìn người nhưng thực tế rất ít bị hại có mặt

Toà án cho dựng rạp với sức chứa hàng nghìn người nhưng thực tế rất ít bị hại có mặt

Viện Kiểm sát cho biết, có 133 bị hại còn giữ cổ phiếu F0 (tức là mua trực tiếp từ Trịnh Văn Quyết và 15 cổ đông ban đầu). Trong số đó, có 95 người yêu cầu bồi thường thiệt hại do đang sở hữu hơn 381.000 cổ phiếu với giá trị mua gần 1,4 tỷ đồng.

Được biết, gia đình ông Trịnh Văn Quyết đã gặp gỡ và bồi thường hơn 2 tỷ đồng cho nhóm bị hại này.

Việc xác định số lượng bị hại, căn cứ xác định ai là bị hại là một trong những vấn đề được tranh luận nhiều nhất tại phiên tòa. Ban đầu, Viện Kiểm sát xác định có 30.403 bị hại.

"Các nhà đầu tư ban đầu đã bỏ tiền thật (với 30.403 tài khoản chứng khoán) để mua hơn 391 triệu cổ phiếu ROS khống và bị thiệt hại hơn 3.620 tỷ đồng", đại diện Viện Kiểm sát lý giải căn cứ để xác định bị hại của vụ án.

Tuy nhiên, theo phản hồi của một số bị hại và đề nghị của các luật sư, sáng 29/7, sau khi rà soát lại danh sách bị hại, đại diện Viện Kiểm sát xác định có khoảng 25.000 bị hại, giảm 5.403 bị hại so với con số công bố trước đó. Lý do là một số người bị trùng tên, một người lập nhiều tài khoản.

Nhóm 4 luật sư bào chữa cho ông Quyết ghi nhận động thái này của Viện Kiểm sát, song vẫn chưa đồng tình về tiêu chí xác định bị hại của vụ án.

Hơn 100 luật sư tham gia bào chữa tại phiên toà

Hơn 100 luật sư tham gia bào chữa tại phiên toà

Theo Luật sư Vũ Đặng Hải Yến (một trong 4 luật sư bào chữa cho Trịnh Văn Quyết), trong danh sách 133 bị hại ở bút lục 549142 thì tiêu chí xác định bị hại như sau: phải đáp ứng các điều kiện là mua cổ phiếu ROS từ F0 (từ tài khoản của Trịnh Văn Quyết và 15 cổ đông ban đầu) và chưa bán hoặc đã bán ít hơn số đã mua. Luật sư hoàn toàn đồng ý với tiêu chí này.

Số nhà đầu tư còn lại, theo bà Yến, nếu không còn dư cổ phiếu F0 ROS trong tài khoản thì sẽ không đáp ứng được các tiêu chí tiếp theo của danh sách bị hại. Trên thực tế, chỉ khoảng gần 40% bị hại trong danh sách trên làm việc trực tiếp với cơ quan tố tụng, nhiều người trong số đó cũng không có yêu cầu đòi bồi thường, nhiều người đã bán cổ phiếu và có lãi.

Vì thế, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại tiêu chí mà Viện kiểm sát đang dùng để xác định bị hại. Đây sẽ là cơ sở để xác định tính chất mức độ nguy hiểm của vụ án và là cơ sở để quyết định con số bồi thường (thi hành án) cho nhà đầu tư.

Sau cùng, bà Yến đề nghị HĐXX xem xét bị hại chỉ gồm 133 nhà đầu tư còn sở hữu cổ phiếu ban đầu. Xem xét số tiền chiếm đoạt là 2,2 tỷ đồng tương ứng với giá trị của số cổ phần ROS còn dư của 133 bị hại.

Đề nghị HĐXX ghi nhận Trịnh Văn Quyết đã khắc phục toàn bộ số tiền chiếm đoạt của các bị hại là 2,2 tỷ đồng. Còn số tiền 3.600 tỷ đồng được coi là số tiền hưởng lợi không ngay tình và bị cáo Trịnh Văn Quyết đã cam kết nộp vào ngân sách.

Ông Quyết muốn dùng khối tài sản 5.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án

Tại phiên toà, ông Trịnh Văn Quyết nhiều lần bày tỏ mong muốn được gỡ phong tỏa khối tài sản ước tính khoảng 5.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án. Trong đó, tài sản có giá trị nhất là 30% cổ phần tại Tập đoàn FLC.

Ông Quyết cho biết, đối với tội "Thao túng thị trường chứng khoán", số tiền bồi thường khoảng 700 tỷ đồng, bị cáo đã bán hãng hàng không Bamboo Airway với giá 700 tỷ đồng để khắc phục. Số tiền hơn 200 tỷ đồng thu được đã được gia đình nộp khắc phục, còn 500 tỷ đồng đối tác đang nợ, khi nào đối tác thanh toán nốt cũng sẽ được nộp ngay vào tài khoản tạm giữ của cơ quan chức năng.

Đối với tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" mà cáo trạng xác định các nhà đầu tư bị chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng, ông Quyết cho biết sẵn sàng dùng toàn bộ tài sản cá nhân đã tích luỹ trong hơn 20 năm lập nghiệp của mình để khắc phục hậu quả. Số tài sản này ước tính có giá trị gần 5.000 tỷ đồng, hiện đang bị phong toả.

Ông Trịnh Văn Quyết bày tỏ hối hận và cam kết khắc phục hậu quả

Ông Trịnh Văn Quyết bày tỏ hối hận và cam kết khắc phục hậu quả

"Nếu được Hội đồng xét xử gỡ bỏ phong toả tổng số tài sản cá nhân khoảng 5.000 tỷ đồng cùng với 500 tỷ đồng bán hãng hàng không Bamboo Airways (đối tác chưa thanh toán) thì bị cáo có thể khắc phục hoàn toàn hậu quả", cựu Chủ tịch FLC nhấn mạnh.

Về vấn đề này, Hội đồng xét xử cho biết sẽ xem xét, đánh giá.

Khi được nói lời sau cùng vào sáng 29/7, ông Trịnh Văn Quyết trình bày những thành tựu được xã hội ghi nhận trong suốt sự nghiệp kinh doanh hơn 20 năm của mình, đồng thời thừa nhận để thực hiện đồng thời nhiều ước mơ và hoài bão lớn, ông đã làm một số việc vượt quá giới hạn pháp luật cho phép dẫn đến hậu quả như ngày hôm nay.

Cựu Chủ tịch FLC bày tỏ hối hận và xin lỗi vì đã khiến nhiều người thân, người bạn và đồng nghiệp vì tin tưởng mình mà rơi vào vòng lao lý. Ông cũng thay mặt các bị cáo xin lỗi nhà đầu tư.

"Vụ án là bài học quá lớn sẽ ám ảnh suốt cuộc đời tôi và những bị cáo khác", ông Quyết nói và xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ cho tất cả các bị cáo để họ sớm được trở về đoàn tụ với gia đình.

Về phần mình, bị cáo Quyết không xin giảm nhẹ cho bản thân mà chỉ mong Hội đồng xét xử phán xét công tâm, khách quan, nhân văn, thấu tình đạt lý cho ông và các bị cáo có cơ hội làm lại cuộc đời.

Một bị cáo thay đổi lời khai, "xin nhận lại" 20 triệu đồng khắc phục hậu quả

Trong số 50 bị cáo thì 49 bị cáo thành khẩn nhận tội, chỉ duy nhất ông Lê Văn Tuấn, Kiểm toán viên Công ty TNHH Kiểm toán và kế toán Hà Nội (CPA Hà Nội) là người bác bỏ cáo buộc theo cáo trạng.

Tại toà, ông Tuấn cho rằng, tại CPA Hà Nội, bản thân chỉ có vai trò tìm kiếm khách hàng cho công ty kiểm toán. Bị cáo không được tham gia vào các cuộc họp, không ký tên vào các báo cáo kiểm toán toàn phần giúp Công ty Faros hoàn thiện hồ sơ niêm yết.

Cựu Kiểm toán viên Lê Văn Tuấn (áo vàng) bất ngờ không nhận tội đầu phiên toà và đòi "xin lại" 20 triệu đồng vợ đã khắc phục, nhưng ngày 27/7 lại quyết định nhận tội.
Cựu Kiểm toán viên Lê Văn Tuấn (áo vàng) bất ngờ không nhận tội đầu phiên toà và đòi "xin lại" 20 triệu đồng vợ đã khắc phục, nhưng ngày 27/7 lại quyết định nhận tội.

Do đó, bị cáo này cho rằng mình không có tội và "xin nhận lại" 20 triệu đồng khắc phục hậu quả mà vợ bị cáo đã nộp.

Cáo trạng cho biết, trong suốt giai đoạn điều tra, kết luận điều tra vụ án, bị can Lê Văn Tuấn thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Tuy nhiên, trong giai đoạn truy tố, bị can thay đổi lời khai, không thừa nhận hành vi phạm tội, nhưng không cung cấp được bằng chứng chứng minh cho lời khai của mình.

Đến phiên tranh luận ngày 27/7, ông Tuấn lại bất ngờ thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Do đó, luật sư của bị cáo này đã được HĐXX tạo điều kiện bào chữa ở phiên đối đáp vào sáng 29/7.

Bị hại làm đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho ông Trịnh Văn Quyết

Một điểm đáng chú ý tại phiên toà này là một số bị hại tham gia tố tụng đã bày tỏ quan điểm xin giảm nhẹ hình phạt cho cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC với mong muốn ông Quyết nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh giúp cổ phiếu của hệ sinh thái FLC được giao dịch trở lại và mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư.

Có bị hại nêu quan điểm, ông Quyết gây ra vi phạm thì sẽ là người phù hợp nhất để khắc phục sai phạm.

Bên cạnh đó, Hội đồng xét xử nhận định, bị cáo Quyết được nhiều bị hại làm đơn xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt. Đây được tính là một tình tiết giảm nhẹ cho ông Quyết.

Hoàng Yến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục