Điểm khó của vốn ngoại

(ĐTCK) Toàn thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có 2,167 triệu tài khoản nhà đầu tư, trong đó có 24.738 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài.
Điểm khó của vốn ngoại

Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Phú Hưng, ông Chen Chia Ken chia sẻ, ông không bất ngờ khi thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục giảm mạnh đầu năm 2019 bởi trước đó, chứng khoán Việt Nam đã tăng mạnh trong một thời gian dài.

Tuy nhiên, điểm ông mong muốn là thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được nâng hạng và dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài được quản lý cởi mở hơn hiện tại để tăng sức hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Ông Ken cho biết, dù nhiều nhà đầu tư tại Ðài Loan rất quan tâm, nhưng dòng đầu tư sang thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất hạn chế do họ có những tiêu chí chọn lựa rót vốn mà thị trường Việt Nam chưa đạt được.

Ông Chen chia sẻ, thị trường chứng khoán Việt Nam mới hoạt động gần 20 năm, trong khi thị trường chứng khoán Ðài Loan đã hoạt động 60 năm nên không thể có sự so sánh tương đương. Khi thị trường chứng khoán Ðài Loan 20 tuổi, hình ảnh của thị trường này cũng không khác Việt Nam, tức là phát triển theo chiều rộng.

Tuy nhiên, ông Chen tin rằng, nếu thị trường chứng khoán Việt Nam tập trung phát triển theo chiều sâu và đạt được các chuẩn mực cao hơn trong đánh giá tín nhiệm quốc tế (chẳng hạn tại Ðài Loan, 100% doanh nghiệp thực hiện báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế) thì chắc chắn sẽ thu hút nhiều dòng vốn, trong đó có vốn Ðài Loan.

Tại Ðài Loan, lãi suất ngân hàng duy trì ở mức 1%/năm khiến đầu tư tài chính trở thành kênh được nhiều người có tiền ưa chuộng. Nhà đầu tư tại đây chỉ cần mở 1 tài khoản tại 1 công ty chứng khoán là có thể đầu tư liên thông nhiều thị trường.

Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư quốc tế cũng rất dễ dàng đầu tư trên thị trường chứng khoán Ðài Loan. Dòng tiền liên thông tạo nên tính hiệu quả cho toàn thị trường.

Ðến cuối năm 2018, nhà đầu tư Ðài Loan đăng ký gần 2.600 dự án đầu tư trực tiếp với số vốn trên 31 tỷ USD vào Việt Nam. Hàn Quốc có gần 7.500 dự án với trên 62 tỷ USD. Nhật Bản có 4.000 dự án với 57 tỷ USD…

Khối các tổ chức tài chính trung gian nhìn thấy cơ hội ở các doanh nhân nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam khi họ có nguồn tiền nhàn rỗi lớn. Tuy nhiên, việc thu hút các nhà đầu tư này vào thị trường chứng khoán hiện còn hạn chế, một phần vì tính lỏng của dòng tiền ngoại đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam còn thấp, do chính sách quản lý ngoại hối chặt chẽ hiện hành.

Toàn thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có 2,167 triệu tài khoản nhà đầu tư, trong đó có 24.738 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài. Vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài năm 2018 vẫn vào ròng 2,8 tỷ USD và giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt trên 32,8 tỷ USD.

Tuy nhiên, không gian thu hút nhà đầu tư ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất rộng lớn nếu nhìn từ hai phía: dòng tiền của nhà đầu tư tài chính bên ngoài Việt Nam và dòng tiền nhàn rỗi của chính các doanh nhân nước ngoài có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Không phải vô cớ khối công ty chứng khoán đến từ Ðài Loan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản... xuất hiện ngày một rõ nét trên thị trường chứng khoán Việt. Nếu như trước đây, khối công ty này ở diện “nằm vùng” thì hiện nay, họ đang dần thể hiện sức mạnh về tài chính, về năng lực, đồng thời tương tác sâu hơn với nhà quản lý, với thị trường để tìm cơ hội kết nối vốn. Sức mạnh dòng tiền đầu tư nằm bên ngoài thị trường, việc của các tổ chức tài chính trung gian là nhìn ra và thúc đẩy dòng tiền nhập cuộc. 

Năm 2019, nhà quản lý đặt ra nhiều mục tiêu, trong đó có việc hợp nhất sở giao dịch chứng khoán, thêm sản phẩm mới, nâng hạng thị trường... Khác với khối công ty chứng khoán nội, lãnh đạo công ty chứng khoán ngoại không mấy sốt ruột khi VN-Index còn giảm, nhưng sẽ sốt ruột nếu như những yếu tố cốt lõi đánh giá sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam không tiến bộ đáng kể nếu để 1 năm nữa qua đi...

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục