Tất nhiên, câu chuyện về những dấu hiệu, thậm chí cả phân tích vĩ mô, phân tích kỹ thuật… trật lất tại TTCK Việt Nam đã không còn mới mẻ. Nhưng với diễn biến phiên ngày 17/7, ta có thể cảm nhận một cách tương đối rõ ràng rằng, những NĐT phiên trước còn rất lạc quan trước triển vọng về con sóng lớn đã có 18 phiên VN-Index tăng điểm gần như liên tiếp thì giờ đây biểu lộ niềm vui một cách kém nồng nhiệt hơn. Sang phiên ngày 18/7, tâm lý bi quan đã bắt đầu xuất hiện.
Nền kinh tế thế giới vẫn chưa có nhiều tín hiệu tích cực, giá dầu tuy giảm nhưng đó chỉ là một niềm vui mong manh, bởi tất cả chúng ta đều hiểu, dầu thô là một nguyên liệu thiết yếu, có trữ lượng hạn chế, càng khai thác càng hết và càng hết thì lại càng đắt… Một tuần mới của TTCK Việt Nam lại mở ra với nhiều kỳ vọng, sự hồi hộp xen lẫn lo âu đối với mốc thử lửa 500 điểm của VN-Index đang cận kề. Liệu VN-Index có vượt qua được phiên đảo chiều cuối tuần qua để tiếp tục đi lên?
Thực tế, những phiên cuối tuần qua, hầu hết NĐT đều có xu hướng "refesh" danh mục cổ phiếu, loại bỏ những cổ phiếu được cho là kém triển vọng hơn. Do đó, trong khi nhiều cổ phiếu giảm giá, đặc biệt là phiên cuối tuần, thì không ít cổ phiếu lớn, kết quả kinh doanh quý II được dự đoán là khả quan, vẫn tăng giá. Phiên thứ Hai đầu tuần này, nếu các blue-chip tiếp tục vai trò dẫn dắt thị trường, nhất là khi có thêm tin tốt, thì rất có thể sẽ truyền "cảm hứng" mạnh mẽ cho toàn bộ thị trường. Đó có thể là căn nguyên cho những biến đổi bất ngờ mà tất cả chúng ta đều khó có thể đoán trước được. Nhưng ngược lại, tâm lý hiện thực hóa lợi nhuận hoặc tái cơ cấu danh mục quá mạnh, đặc biệt là phiên giao dịch cuối tuần trước gây cho NĐT nhiều bất an thì họ sẽ nhanh chóng hiện thực hóa những âu lo đó bằng những lệnh bán ra, đồng thời hạn chế mua vào. Điều này có thể khiến thị trường quay đầu đi xuống không chỉ trong một vài phiên.
Gần đây, sau khi VN-Index thoát khỏi mức đáy 366 điểm (ngày 20/6), hiếm người còn đả động tới cụm từ "giai đoạn suy thoái" để nói hoặc phỏng đoán về TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, với gần 20 phiên tăng điểm vừa qua, cũng chưa thấy ai gọi đây là "giai đoạn tăng trưởng", bởi điều kiện kinh tế vĩ mô còn khá nhiều bộn bề. Do đó, chúng ta có thể tạm gọi đây là một "thời kỳ quá độ" của TTCK.
Sau những phiên nhiều màu xanh vừa qua, thời điểm này thị trường đang là điểm hội tụ của nhiều kịch tính. Các NĐT đều đã có sẵn một chiến lược riêng và tất cả chúng ta hãy chờ đợi thị trường sắp xếp điểm gặp nhau giữa cung và cầu để chứng kiến những điều ngạc nhiên vốn là bất tận của TTCK!