Điểm đen Facebook khiến giới đầu tư ồ ạt bán tháo trên phố Wall

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall suy yếu trong phiên ngày thứ Năm (3/2), sau khi kết quả kinh doanh đáng thất vọng của Meta (Facebook) đã đánh gục tâm lý giới đầu tư.
Điểm đen Facebook khiến giới đầu tư ồ ạt bán tháo trên phố Wall

Cổ phiếu Meta bị bán tháo và giảm tới 26,4%, tương ứng hơn 250 tỷ USD vốn hóa thị trường bị thổi bay, sau khi báo cáo lợi nhuận quý IV/2021 giảm so với kỳ vọng.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2021, Meta sụt giảm 8% lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn 10,3 tỷ USD mặc dù doanh thu tăng 20%.

Ngoài ra, Facebook cũng gặp khó về các quy định pháp lý. Gã khổng lồ này cho biết đang bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bao gồm những thay đổi về quyền riêng tư với iOS của Apple và những thách thức kinh tế vĩ mô.

Các cổ phiếu mạng xã hội khác cũng đi xuống theo Meta với Snap giảm tới 23,6%, Twitter mất 5,5%.

Nhóm cổ phiếu công nghệ khác chịu tác động mạnh với Spotify lao dốc 16,7% sau khi kết quả kinh doanh quý mới nhất cho thấy tốc độ tăng trưởng thuê bao trả phí chậm lại. Cổ phiếu Pinterest và Amazon lần lượt giảm 10,3% và 7,8%.

Các gã khổng lồ khác cũng quay đầu giảm như Apple mất 1,7%, Microsoft giảm 3,9%, Alphabet (Google) rơi 3,3%.

Tâm lý ảm đạm đã khiến chỉ số Nasdaq Composite phiên này giảm 3,7%, phiên tồi tệ nhất kể từ tháng 9/2020. Chỉ số S&P 500 ghi nhận phiên giảm mạnh nhất trong gần 1 năm, mất 2,4%. Chỉ số Dow Jones mất 1,4%.

Kết thúc phiên 3/2, chỉ số Dow Jones giảm 518,17 điểm (-1,45%), xuống 35.111,16 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 111,94 điểm (-2,44%), xuống 4.477,44 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 538,73 điểm (-3,74%), xuống 13.878,82 điểm.

Chứng khoán châu Âu sụt giảm, sau các tín hiệu cho thấy Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có khả năng sẽ tăng lãi suất trong năm nay, trong khi kết quả yếu kém từ Meta (Facebook) đã tạo thêm áp lực lên cổ phiếu công nghệ toàn cầu.

Chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu đóng cửa giảm 1,8%, với nhóm cổ phiếu công nghệ hoạt động kém nhất, mất 3,5%.

Lĩnh vực này đã bị áp lực bởi lợi suất trái phiếu tăng đột biến, sau khi người đứng đầu ECB - bà Christine Lagarde quyết định không lặp lại bình luận trước đây của mình rằng việc tăng lãi suất vào năm 2022 là khó có thể xảy ra.

Những lo lắng về việc thắt chặt chính sách trong năm nay đã chứng kiến ​​cổ phiếu công nghệ châu Âu giảm mạnh 12% trong tháng 1, tháng tồi tệ nhất kể từ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Gây thêm áp lực lên cổ phiếu công nghệ toàn cầu, cổ phiếu Meta đã mất gần 1/4 giá trị sau khi công bố kết quả kinh doanh yếu kém.

Kết thúc phiên 3/2: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 0,7% xuống 7.528,84 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt giảm 1,6% xuống 15.368,47 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 1,5% xuống 7.005,63 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm sau bốn phiên liên tiếp tăng, bị đè nặng bởi chỉ số tương lai Nasdaq suy yếu, trong khi các nhà đầu tư bán cổ phiếu công nghệ trong bối cảnh lo lắng về hoạt động kinh doanh trò chơi của Tập đoàn Sony và lợi nhuận quý IV của Panasonic giảm.

Chứng khoán Hàn Quốc có phiên tăng mạnh nhất trong hơn hai tháng, khi các nhà đầu tư phản ứng tích cực dữ liệu cho thấy hoạt động nhà máy của nước này tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong sáu tháng.

Kết thúc phiên 3/2: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 1,06% xuống 27.241,31 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc tăng 1,67% lên 2.707,86 điểm.

Giá vàng thế giới phiên ngày thứ Năm giảm nhẹ, dù có thời điểm đã để tuột mốc 1.800 USD/ounce, do lãi suất trái phiếu Mỹ bất ngờ tăng từ 1,76% lên 1,8%. Nhưng đồng euro và bảng Anh mạnh lên so với đồng USD và điều này giúp giá vàng hồi phục trở lại.

Kết thúc phiên 3/2, giá vàng giao ngay giảm 1,8 USD xuống 1.804,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 3 tăng 6 USD lên 1.809,2 USD/ounce.

Giá dầu thô WTI của Mỹ đã vọt lên giá 90,27 USD/thùng. Đánh dấu lần đầu tiên đạt mức trên 90 USD/thùng kể từ tháng 10/2014.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh do Nga dẫn đầu, được gọi là OPEC+ đã nhất trí tiếp tục duy trì mức tăng sản lượng dầu hàng tháng lên 400.000 thùng/ngày bất chấp áp lực từ những người tiêu dùng hàng đầu nhằm tăng sản lượng nhanh hơn.

Điều này khiến cho các nhà dự báo cho rằng, giá dầu sẽ còn đà tăng trong những ngày tới khi nguồn cung tiếp tục thắt chặt.

Kết thúc phiên 3/2, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 2,01 USD (+2,23%), lên 90,27 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,64 USD (+1,80%), lên 91,11 USD/thùng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục