Điểm danh các “chúa chổm” tập đoàn, tổng công ty nhà nước

Nợ vay ngày một tăng, trong khi nợ khó đòi ngày một dày thêm là điểm đen trong bức tranh tài chính của các tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước.
Năm 2014, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) nợ ngân hàng và các tổ chức tín dụng hơn 32.000 tỷ đồng. Năm 2014, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) nợ ngân hàng và các tổ chức tín dụng hơn 32.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Chính phủ, 119 doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có tổng tài sản hơn 2,791 triệu tỷ đồng, tăng 7% so với thực hiện năm 2013. Trong đó, các công ty mẹ (công ty mẹ tập đoàn kinh tế, công ty mẹ tổng công ty nhà nước, công ty mẹ - công ty con) có tổng tài sản hơn 1,877 triệu tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện năm 2013.

Nợ vay tăng thêm 52.000 tỷ đồng

Tình hình nợ nần của các tập đoàn, tổng công ty năm 2014 không hề được cải thiện, mà lại tăng thêm 8% so với năm 2013. Nếu như năm 2013, số nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty là hơn 1,515 triệu tỷ đồng (tăng 9% so với năm 2012), thì số nợ phải trả năm 2014 của các tập đoàn, tổng công ty hơn là 1,567 triệu tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2014 là 1,41 lần.

Số nợ vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng của các tập đoàn, tổng công ty là hơn 553.000 tỷ đồng, tăng 1% so với thực hiện năm 2013. Các “chúa chổm” được điểm danh gồm: Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) nợ gần 175.000 tỷ đồng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nợ hơn 108.000 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) nợ hơn 46.000 tỷ đồng, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) nợ hơn 32.000 tỷ đồng, Tổng công ty Xi măng Việt Nam nợ hơn 15.700 tỷ đồng...

    Theo Báo cáo hợp nhất, các tập đoàn, tổng công ty hiện có tổng nợ phải thu hơn 293.000 tỷ đồng, tăng 11% so với thực hiện năm 2013. Trong đó, nợ phải thu khó đòi hơn 13.500 tỷ đồng, tăng 18,6% so với thực hiện năm 2013.

Năm 2014, 19 tập đoàn, tổng công ty có số lỗ lũy kế hơn 24.000 tỷ đồng, trong đó, Vinalines lỗ hơn 20.600 tỷ đồng, Tổng công ty Lương thực miền Nam hơn 1.100 tỷ đồng, Tổng công ty 15 (Bộ Quốc phòng) lỗ 569 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Haprosimex – Hà Nội lỗ 500 tỷ đồng, Tổng công ty Sông Đà lỗ 413 tỷ đồng, Tổng công ty Xăng dầu quân đội lỗ 334 tỷ đồng, Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC lỗ 196 tỷ đồng, HUD lỗ 188 tỷ đồng, Tổng công ty Cơ khí xây dựng lỗ 186 tỷ đồng…

Báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty cho biết, nợ nước ngoài của khối này vào khoảng 381.500 tỷ đồng. Trong đó, vay lại vốn ODA của Chính phủ gần 118.000 tỷ đồng, vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh là 124.000 tỷ đồng. Riêng nợ nước ngoài của các công ty mẹ là hơn 253.000 tỷ đồng, trong đó, Vinalines nợ hơn 27.000 tỷ đồng, PVN nợ hơn 20.000 tỷ đồng, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc – VEC nợ hơn 18.500 tỷ đồng),  Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – ACV hơn 12.100 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, tình hình huy động vốn và khả năng thanh toán của một số đơn vị đã có dấu hiệu cải thiện thông qua quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, như Tổng công ty Xăng dầu Quân đội, Vinalines.

Nợ khó đòi cũng tăng

Theo Báo cáo hợp nhất, các tập đoàn, tổng công ty hiện có tổng nợ phải thu hơn 293.000 tỷ đồng, tăng 11% so với thực hiện năm 2013. Trong đó, nợ phải thu khó đòi hơn 13.500 tỷ đồng, tăng 18,6% so với thực hiện năm 2013.

Năm 2013, số nợ phải thu của các tập đoàn, tổng công ty là gần 299.000 tỷ đồng, tương đương hơn 11% tổng tài sản và tăng gần 2% so với năm 2012. Trong số này, nợ khó đòi khoảng 10.330 tỷ đồng, tăng gần 16% so với năm 2012.

Như vậy, có thể thấy rõ, khoản nợ phải thu của các tập đoàn, tổng công ty giảm khoảng 6.000 tỷ đồng, nhưng khoản nợ khó đòi lại tăng hơn 3.000 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, các khoản nợ phải thu khó đòi và tỷ lệ nợ phải thu/tổng tài sản năm 2014 tăng hơn năm 2013, tập trung chủ yếu ở ngành xây dựng, nông nghiệp. Điều này cho thấy, sự phục hồi của thị trường bất động sảnchưa rõ nét, khả năng tiêu thụ bất động sản còn chậm. Đối với sản phẩm nông nghiệp là khả năng cạnh tranh thấp, sản xuất mang tính thời vụ, dẫn tới thời gian thanh toán khi tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp phải kéo dài, làm tăng nợ phải thu và tăng rủi ro nợ khó đòi.

Bên cạnh đó, lượng hàng tồn kho của các tập đoàn, tổng công ty đang khá lớn, với hơn 216.000 tỷ đồng, chiếm 8% tổng tài sản. Trong đó, nhiều doanh nghiệp có giá trị hàng tồn kho rất lớn như Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) với hơn 29.500 tỷ đồng,, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hơn 16.600 tỷ đồng, Vinacomin hơn 16.300 tỷ đồng, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam hơn 10.600 tỷ đồng, Tập đoàn HUD hơn 8.000 tỷ đồng…

Cũng theo Bộ tài chính, năm 2014, 19 tập đoàn, tổng công ty có số lỗ lũy kế hơn 24.000 tỷ đồng, trong đó, Vinalines lỗ hơn 20.600 tỷ đồng, Tổng công ty Lương thực miền Nam hơn 1.100 tỷ đồng, Tổng công ty 15 (Bộ Quốc phòng) lỗ 569 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Haprosimex – Hà Nội lỗ 500 tỷ đồng, Tổng công ty Sông Đà lỗ 413 tỷ đồng, Tổng công ty Xăng dầu quân đội lỗ 334 tỷ đồng, Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC lỗ 196 tỷ đồng, HUD lỗ 188 tỷ đồng, Tổng công ty Cơ khí xây dựng lỗ 186 tỷ đồng…

Hữu Tuấn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục