Xuất khẩu sản phẩm hàng hóa thuộc ngành nông nghiệp có sự bứt phá ngay từ đầu năm, đơn hàng khởi sắc, nên đi qua 7 tháng từ đầu năm 2024, đã đóng góp tới 13 tỷ USD doanh thu xuất khẩu.
Mức tăng trưởng về trị giá của 4 nhóm hàng kể trên đạt từ 22 - 30,91% so với cùng kỳ năm trước.
Dẫn đầu về doanh số là rau quả, với xấp xỉ 3,83 tỷ USD, tăng 24,3%; tiếp đến là cà phê 3,54 tỷ USD, tăng 30,9%; gạo 3,27 tỷ USD, tăng 25,1% và hạt điều 2,37 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ.
Ngoại trừ giá xuất khẩu trung bình của hạt điều giảm 3,3%, các mặt hàng còn lại đều tăng khá. Theo đó, giá xuất bán trung bình của gạo Việt trong 7 tháng qua đạt 632,2 USD/tấn, tăng 18,2% so với cùng kỳ.
Ấn tượng hơn cả là giá bình quân xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt mức 3.683 USD/tấn, tăng 52,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Với rau quả, tốc độ xuất khẩu tăng trưởng 2 con số trong 7 tháng đầu năm nay cho thấy chất lượng rau quả Việt Nam ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu.
Đối với hạt điều, xuất khẩu sang các thị trường truyền thống và tiềm năng đều trưởng khả quan so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu hạt điều sang 9/10 thị trường truyền thống ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số.
Bộ Công thương dự tính, từ nay đến cuối năm, 4 nhóm hàng kể trên đều rộng cửa tăng xuất khẩu. Với rau quả, bên cạnh việc khai thác tốt thị trường truyền thống Trung Quốc, ngành hàng này có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng lớn như Hàn Quốc, Trung Quốc.
Bởi theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sau 3 tháng lấy ý kiến rộng rãi của các bên liên quan, Cục Kiểm dịch Động thực vật Hàn Quốc (APQA) đã chính thức công bố trên website của APQA quy định nhập khẩu đối với quả bưởi tươi từ Việt Nam sang Hàn Quốc.
Theo đó, từ tháng 8/2024, các doanh nghiệp Việt Nam đã có thể xuất khẩu trái bưởi tươi sang thị trường Hàn Quốc. Như vậy, sau thanh long và xoài, bưởi là quả tươi thứ ba của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Hàn Quốc.
Cú hích đáng kể nữa là việc ký kết thành công Nghị định thư cho dừa tươi và sầu riêng đông lạnh sang thị trường tỷ dân Trung Quốc.
Do sầu riêng đông lạnh là sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao hơn so với sầu riêng tươi, dự kiến, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 400-500 triệu USD ngay trong năm 2024 là năm đầu tiên sau khi ký kết nghị định thư.
Riêng với cà phê, dự báo, xuất khẩu trong ngắn hạn sẽ giảm dần do nguồn cung cạn kiệt, nhưng về dài hạn, xuất khẩu cà phê sẽ phục hồi khi vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2024/2025 bắt đầu và nhu cầu tiêu thụ tăng cao trong mùa lễ hội cuối năm.
Dự báo, tận dụng tốt thời cơ xuất khẩu trong những tháng còn lại, 4 nhóm hàng này có thể mang về từ 22 - 23,5 tỷ USD.