“Điểm cộng” tại luật bảo hiểm mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (sửa đổi) đã được thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV ngày 16/6/2022 và có hiệu lực từ 1/1/2023 với nhiều điểm mới.
Hoạt động đầu tư của công ty bảo hiểm được siết chặt hơn. Hoạt động đầu tư của công ty bảo hiểm được siết chặt hơn.

Công khai hoạt động giám sát bảo hiểm hàng năm

Tại buổi họp báo chuyên đề giới thiệu Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (sửa đổi) cuối tuần qua, ông Nguyễn Quang Huyền, Phó cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết Luật kinh doanh bảo hiểm mới bổ sung nhiều quy định, trong đó có nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính trong quản lý, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Theo đó, Bộ Tài chính có quyền yêu cầu các cổ đông, thành viên góp vốn, người quản lý, người kiểm soát, nhân viên của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm giải thích và cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu có liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra.

Luật cũng bổ sung quy định Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan quản lý bảo hiểm nước ngoài trong việc quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với các chi nhánh của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam; thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin quản lý, giám sát cùng với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Giải trình lý do sửa đổi, Bộ Tài chính từng cho biết, đó là nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm trên cơ sở tham khảo nội dung yêu cầu cung cấp thông tin quy định tại các sắc luật liên quan như Luật Chứng khoán.

Chưa có số liệu cập nhật, nhưng trong giai đoạn 2011-2020, Bộ Tài chính đã lập 49 đoàn thanh tra và 121 đoàn kiểm tra doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, trong đó 43 đoàn kiểm tra doanh nghiệp nhân thọ, 52 đoàn kiểm tra doanh nghiệp phi nhân thọ, 26 đoàn kiểm tra doanh nghiệp môi giới bảo hiểm (theo dự thảo Đề án Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030), qua đó đánh giá được tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh bảo hiểm và khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm, đưa ra những lưu ý đối với doanh nghiệp bảo hiểm trong công tác quản trị tài chính, rà soát và hoàn thiện quy trình nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tuân thủ tốt quy định pháp luật. Bên cạnh đó, thông qua công tác thanh tra, kiểm tra đã kịp thời phát hiện những vướng mắc phát sinh trong thực tế, từ đó nhanh chóng đưa ra giải pháp xử lý, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo hiểm.

Trước đó, giai đoạn 2011-2015, Bộ Tài chính đã tiến hành 15 đoàn thanh tra toàn diện, 3 đoàn thanh tra chuyên đề, 48 đoàn kiểm tra toàn diện và 33 đoàn kiểm tra chuyên đề. Qua đây, Bộ Tài chính đã chấn chỉnh công tác quản lý công nợ, hạch toán kế toán, hạch toán điều chỉnh các khoản doanh thu, chi phí của các doanh nghiệp. Cụ thể, tính đến 30/10/2020, hạch toán điều chỉnh doanh thu, chi phí, hạch toán tăng thu nhập khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp với số tiền là 1.212 tỷ đồng; thực hiện kê khai nộp bổ sung số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp tăng thêm với tổng số tiền là 26,5 tỷ đồng (các doanh nghiệp đã thực hiện nộp 100% số tiền phải nộp vào ngân sách nhà nước). Trong giai đoạn từ 2011-2020, số doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính là 26 doanh nghiệp với tổng số tiền phạt nộp vào ngân sách nhà nước là 2,86 tỷ đồng.

Theo dự thảo Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030, sẽ tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm. Đáng chú ý, sẽ tăng cường minh bạch hóa hoạt động quản lý, giám sát của cơ quan quản lý với thị trường bảo hiểm, trong đó thúc đẩy việc công khai các hoạt động quản lý giám sát hàng năm của cơ quan quản lý, tương tự như các nước trên thế giới.

Cấm công ty bảo hiểm đầu tư bất động sản

Ngoài công khai hoạt động giám sát bảo hiểm hàng năm, Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng bổ sung quy định về quản trị tài chính, đó là yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm tự xác định vốn trên cơ sở rủi ro và phải duy trì vốn thực có cao hơn so với vốn trên cơ sở rủi ro theo quy định của Bộ Tài chính; chuẩn hóa cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp bảo hiểm, người quản lý, người giám sát; yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng và thực hiện quản trị rủi ro, kiểm tra, kiểm soát nội bộ; tăng cường công khai, minh bạch thông tin…

Theo Bộ Tài chính, hiện nay, một số doanh nghiệp bảo hiểm trong nước vốn còn mỏng, dẫn đến năng lực cạnh tranh thấp, quản trị doanh nghiệp yếu kém, khả năng kiểm soát rủi ro còn nhiều hạn chế… nên cần phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu của việc đổi mới mô hình quản lý giám sát theo hướng hiện đại, tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế.

Theo kết quả xếp loại căn cứ vào quy định của Bộ Tài chính, chưa có thông số cập nhật nhưng tính đến hết năm 2020, toàn thị trường có 51/52 doanh nghiệp bảo hiểm đáp ứng yêu cầu về vốn điều lệ và biên khả năng thanh toán. Trong đó, có 41 doanh nghiệp bảo hiểm thuộc nhóm I (18 doanh nghiệp nhân thọ và 23 doanh nghiệp phi nhân thọ); 10 doanh nghiệp phi nhân thọ thuộc nhóm II. Có 1 doanh nghiệp phi nhân thọ thuộc nhóm III và không đáp ứng yêu cầu về khả năng thanh toán.

Tuy nhiên, nhìn chung, năng lực tài chính và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011-2020 đã được nâng cao. Cụ thể, tổng doanh thu của thị trường đạt mức tăng trưởng bình quân 19%/năm, trong đó doanh thu hoạt động đầu tư tăng bình quân 16,8%/năm. Tổng tài sản, tổng các quỹ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm sẵn sàng đáp ứng nghĩa vụ chi trả bồi thường cho khách hàng, tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế đều tăng bình quân khoảng 20%/năm và đến hết tháng 8/2022, các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế hơn 645.800 tỷ đồng.

Liên quan đến hoạt động đầu tư, Luật Kinh doanh bảo hiểm mới cho phép doanh nghiệp bảo hiểm chủ động trong lựa chọn tài sản đầu tư, đầu tư một phần vốn ra nước ngoài phù hợp với năng lực tài chính và khả năng quản trị rủi ro. Luật cũng bổ sung quy định về các nguồn vốn đầu tư, nguyên tắc đầu tư và lĩnh vực đầu tư.

Đáng chú ý, bên cạnh kim loại quý, tài sản vô hình..., bất động sản cũng nằm trong nhóm ngành bị cấm đầu tư, trong khi theo quy định cũ, doanh nghiệp bảo hiểm được phép đầu tư kinh doanh bất động sản tối đa 10-20% vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ/phi nhân thọ (tại thời điểm này chưa có Luật Kinh doanh bất động sản).

Nêu lý do dẫn đến sự điều chỉnh trên, ông Nguyễn Quang Huyền cho biết, đó là bởi doanh nghiệp bảo hiểm cần phải tuân thủ nguyên tắc an toàn vốn để đảm bảo cam kết chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng, nên hoạt động đầu tư của khối doanh nghiệp này cần hướng vào những lĩnh vực an toàn.

3 thách thức khi áp dụng luật mới

Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đã có những thay đổi theo hướng minh bạch hóa hoạt động của cơ quan quản lý, doanh nghiệp bảo hiểm, tăng cường bảo vệ người tham gia bảo hiểm... từ đó thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển ổn định, bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh đó là những thách thức. Dự thảo Đề án Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 được Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ mới đây đã chỉ ra 3 thách thức chính khi áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm mới.

Một là, số lượng các doanh nghiệp bảo hiểm ngày càng nhiều, đồng thời việc minh bạch hóa thông tin và yêu cầu cung cấp thông tin đa chiều của doanh nghiệp bảo hiểm sẽ làm gia tăng chi phí cũng như áp lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Hai là, để đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa, doanh nghiệp bảo hiểm phải đầu tư mạnh hơn cho bộ máy quản trị, điều hành, kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản trị rủi ro, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, đào tạo và tuyển dụng nhân sự đáp ứng các yêu cầu về trình độ đối với các chức danh quản lý của doanh nghiệp.

Ba là, cơ quan quản lý bảo hiểm cũng phải cải thiện hệ thống quản lý, đào tạo cán bộ, nhân viên… để đáp ứng ngày một tốt hơn các yêu cầu về mô hình quản lý, giám sát trên cơ sở rủi ro.

Doanh thu ngành bảo hiểm tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 là 15%/năm và đến năm 2025, quy mô thị trường bảo hiểm đạt 3-3,3% GDP; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026-2030 là 10%/năm và đến năm 2030, quy mô đạt 3,3- 3,5% GDP.

Đến năm 2025, có 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ và tỷ lệ này tăng lên 18% vào năm 2030.

Tốc độ tăng trưởng bình quân về tổng tài sản, tổng số tiền đầu tư, tổng dự phòng nghiệp vụ, tổng nguồn vốn chủ sở hữu tăng bình quân 15%/năm giai đoạn 2021-2025 và 10%/năm giai đoạn 2026-2030.

Tốc độ tăng trưởng doanh thu cung cấp sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng đạt bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2023-2030.

Phí bảo hiểm bình quân đạt 3 triệu đồng/người/năm vào năm 2025 và tăng lên 5 triệu đồng/người/năm vào năm 2030.

(Trích dự thảo Đề án Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030)

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục