Dịch vụ thanh toán: Những bước tiến vượt bậc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một loạt giải pháp đồng bộ được Ngân hàng Nhà nước triển khai đã giúp tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi, mở rộng cung ứng nhiều dịch vụ thanh toán an toàn, thuận tiện, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Khảo sát của PwC đối với 27 nước đã ghi nhận Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018. Khảo sát của PwC đối với 27 nước đã ghi nhận Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018.

Giai đoạn 2016-2020 tiếp tục đánh dấu bước tiến vượt bậc trong phát triển thanh toán không dùng tiền mặt cả về chất và lượng với sự xuất hiện nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, tiện ích dựa trên ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo; các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng ấn tượng; công tác đảm bảo an ninh, an toàn đối với các hệ thống, dịch vụ thanh toán được chú trọng và tăng cường; các rủi ro, nguy cơ mất an toàn cơ bản được nhìn nhận, kiểm soát và xử lý kịp thời.

4 kết quả nổi bật…

Thứ nhất, hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là thanh toán điện tử, được đầu tư mới và nâng cấp lớn, đáp ứng kịp thời nhu cầu gia tăng mạnh mẽ từ cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.

Tính đến cuối tháng 8/2020, có 75 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Số tài khoản cá nhân đạt 95,6 triệu tài khoản, tăng 45,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Tổng lượng thẻ lưu hành đạt 109 triệu thẻ, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2016. Mạng lưới ATM, POS phủ rộng đến tất cả địa bàn tỉnh, thành phố trên cả nước với 19.541 cây ATM và 274.539 máy POS, tăng lần lượt 14,6% và 11,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước.

Ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước.

Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả và thông suốt, được bổ sung một số cấu phần dịch vụ mới, tiếp tục phát huy vai trò là hệ thống thanh toán xương sống của quốc gia, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán liên ngân hàng trong toàn quốc.

Trong 8 tháng đầu năm 2020, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống đạt 94,2 triệu món, giá trị đạt gần 67,5 triệu tỷ đồng, tăng 85,6% về số lượng và 138,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Thứ hai, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt có sự phát triển mạnh mẽ, nhất là thanh toán qua điện thoại di động và internet.

Tính đến tháng 8/2020, thanh toán qua POS đạt hơn 218 triệu món với 382.860 tỷ đồng, tăng tương ứng 176,5% và 139,5% so với cùng kỳ năm 2016; thanh toán qua ATM đạt 660 triệu món với hơn 1,818 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 38,7% và 53,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Số lượng và giá trị thanh toán qua kênh internet đạt 282,4 triệu giao dịch với 17,4 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 262,5% và 353,1% so với cùng kỳ năm 2016. Đặc biệt, số lượng và giá trị thanh toán qua kênh điện thoại di động đạt 682,3 triệu giao dịch với gần 7,2 triệu tỷ đồng, tăng trưởng vượt bậc 981% và 794% so với cùng kỳ năm 2016.

Thứ ba, xu hướng người dân chuyển dịch mạnh sang sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán ứng dụng công nghệ mới, an toàn, tiện lợi.

Với việc công nghệ kỹ thuật số được ứng dụng sâu rộng cùng sự phổ biến điện thoại thông minh, các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, thuận tiện, giàu tiện ích...

Điều này giúpthanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử ngày càng gần gũi, phổ cập và hữu ích trong các sinh hoạt, cuộc sống của người dân.

Thứ tư, thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực Chính phủ, thanh toán dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được triển khai rộng rãi.

Tính đến nay, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã hoàn thành kết nối thanh toán điện tử liên ngân hàng tại 63 kho bạc nhà nước cấp tỉnh trong cả nước, đáp ứng nhu cầu giao dịch thu, chi ngân sách liên quan tới người dân và doanh nghiệp một cách thuận tiện, nhanh chóng, kịp thời; có hơn 50 ngân hàng đã hoàn thành kết nối với hệ thống nộp thuế điện tử của Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế trên 63 tỉnh, thành phố và tất cả các quận, huyện trên cả nước; 95% số thu hải quan được thực hiện qua ngân hàng; 27 ngân hàng và 10 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp thu tiền điện cho các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam...

... Nhờ hàng loạt giải pháp đồng bộ

Đầu tiên phải kể tới việc triển khai hiệu quả đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (Quyết định 2545/QĐ-TTg ngày 31/12/2016) và đề án Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công như thu thuế, điện, nước sinh hoạt, học phí, viện phí, chi trả các chương trình an sinh xã hội (Quyết định 241/QĐ-TTg ngày 23/2/2018). Đồng thời, ban hành Bộ tiêu chuẩn cơ sở thẻ chip nội địa, Bộ đặc tả kỹ thuật mã QR nhằm đảm bảo an toàn, tiện ích, kết nối liên thông với chi phí hợp lý.

Bên cạnh đó, chỉ đạo, khuyến khích các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức trung gian thanh toán ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ đột phá, giải pháp kỹ thuật mới trong phát triển, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán.

Song song với đó, nâng cấp và bổ sung cấu phần dịch vụ mới cho Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, chỉ đạo xây dựng và đưa vào vận hành sớm hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ (ACH) cho phép xử lý giao dịch thanh toán tức thời 24/7/365, đáp ứng tốt nhu cầu, đòi hỏi ngày càng tăng của người tiêu dùng trong kỷ nguyên số và các hoạt động sôi động của nền kinh tế số đang định hình.

Ngân hàng Nhà nước cũng đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền về thanh toán không dùng tiền mặt, giáo dục tài chính gắn với nhiều chương trình, hoạt động về nâng cao kiến thức, kỹ năng giao dịch tài chính, hướng nhiều hơn đến khía cạnh bảo vệ người tiêu dùng trong xây dựng văn bản và triển khai thực hiện.

Cùng với công tác chỉ đạo phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước cũng đặc biệt chú trọng tới việc đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán thông qua nhiều biện pháp như:

Một là, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về đảm bảo an ninh an toàn thông tin, hoạt động thông suốt trong vận hành hệ thống và cung ứng dịch vụ thanh toán tuân theo các chuẩn mực, thông lệ quốc tế…

Hai là, ban hành các văn bản chỉ đạo, cảnh báo, chấn chỉnh các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán tuân thủ nghiêm túc quy định pháp luật và thực hiện các biện pháp tăng cường an ninh, bảo mật trong hoạt động thanh toán và dịch vụ trung gian thanh toán.

Ba là, triển khai áp dụng các giải pháp tăng cường an ninh, an toàn đối với hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho thanh toán.

Bốn là, triển khai các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn, xử lý triệt để các hành vi lợi dụng hình thức thanh toán qua ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán để thực hiện các hoạt động bất hợp pháp như thanh toán xuyên biên giới trái phép, tiền ảo, tài sản ảo, giả mạo thẻ, trộm cắp thông tin bí mật khách hàng…

Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo các hệ thống thanh toán hoạt động an toàn, hiệu quả đối với hoạt động nghiệp vụ và hệ thống công nghệ của các tổ chức cung cứng dịch vụ thanh toán.

Sáu là, đẩy mạnh truyền thông, cảnh báo kịp thời phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã tích cực triển khai các giải pháp thí điểm các mô hình, công nghệ mới như phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép thí điểm các tổ chức trung gian thanh toán và ngân hàng Việt Nam hợp tác thanh toán với các tổ chức quốc tế; hay mô hình dịch vụ tương tự mô hình ngân hàng thương mại giao đại lý cung ứng các dịch vụ thanh toán.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quyết định về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ Mobile Money (tờ trình số 42/TTr-NHNN ngày 24/4/2020); tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định về cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát cho hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng trình Chính phủ; xây dựng Báo cáo cơ chế thí điểm quản lý hoạt động cho vay ngang hàng (P2P lending) tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, để phù hợp với xu hướng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ kỹ thuật số và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã sửa đổi, bổ sung các thông tư hiện hành, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ như sửa đổi, bổ sung Thông tư 23/2014/TT-NHNN về mở và sử dụng tài khoản thanh toán, trong đó quy định cho phép mở tài khoản thanh toán trực tuyến, từ xa bằng phương thức điện tử (eKYC), Thông tư 39/2014/TT-NHNN về dịch vụ trung gian thanh toán.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai xây dựng, ban hành mới một số cơ chế, quy định quản lý phù hợp với sự xuất hiện của các mô hình hợp tác, cung ứng sản phẩm, dịch vụ, giải pháp thanh toán mới thông qua triển khai các hành động chính sách cụ thể trong Quyết định số 1238/QĐ-NHNN ngày 8/7/2020 về kế hoạch hành động ngành ngân hàng thực hiện Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục