Kiến nghị sớm có chức năng thanh toán trên Cổng một cửa quốc gia

(ĐTCK) Thói quen thanh toán điện tử đã được phổ cập khá tốt, đặc biệt qua đợt dịch Covid-19 vừa qua, nhưng nâng cấp hạ tầng thanh toán vẫn là câu chuyện.
Kiến nghị sớm có chức năng thanh toán trên Cổng một cửa quốc gia

Thanh toán điện tử hay thanh toán trực tuyến là hình thức giao dịch không sử dụng tiền mặt và hoạt động thanh toán được thực hiện trên môi trường Internet. Một số hình thức thanh toán điện tử chủ yếu bao gồm Internet Banking, Mobile Banking, ví điện tử hay tiền di động.

Tuy nhiên hiện tại, Cổng thông tin một cửa quốc gia chưa có tính năng cho phép doanh nghiệp thanh toán trực tiếp lệ phí trên Cổng. Doanh nghiệp sẽ nhận thông báo lệ phí thủ tục hành chính từ bộ, ngành giải quyết thủ tục và sau đó thực hiện thanh toán bằng một số cách thức như chuyển khoản ngân hàng hoặc nộp tiền mặt.

Điện tử hóa việc thanh toán thuế và lệ phí hiện được các cơ quan hải quan đang triển khai được nhìn nhận là hành động phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp hiện nay. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp sử dụng thanh toán điện tử rất phổ biến trong các giao dịch kinh doanh thông thường.

Dịch vụ đã online, thanh toán vẫn… đường vòng

Theo Báo cáo kết quả khảo sát “Đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp và thời gian thực hiện thủ tục hành chính qua Cơ chế Một cửa quốc gia” do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức, 86% doanh nghiệp đã dùng thanh toán điện tử trong giao dịch kinh doanh trong 12 tháng qua.

Trong đó, khoảng 21% doanh nghiệp luôn sử dụng hình thức này và 1/3 doanh nghiệp thường xuyên sử dụng trong 12 tháng qua.

Tỷ lệ doanh nghiệp không thanh toán điện tử trong vòng 1 năm trở lại đây không lớn, chỉ khoảng 14%.

Tại Hội thảo công bố Báo cáo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI cho biết, doanh nghiệp tham gia khảo sát đã sẵn sàng thực hiện các giao dịch hành chính với cơ quan nhà nước qua phương thức thanh toán điện tử.

Theo kết quả khảo sát, 86,5%  doanh nghiệp cho biết họ “chắc chắn sẽ tham gia ngay” hoặc “có thể sẽ tham gia ngay” nếu Cổng thông tin một cửa quốc gia triển khai thanh toán điện tử.

“Mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp với thanh toán điện tử không có khác biệt đáng kể giữa các nhóm quy mô. Khoảng 81% doanh nghiệp quy mô vốn dưới 3 tỷ đồng có tiềm năng thực hiện thanh toán điện tử ngay khi hình thức này triển khai, giá trị này chỉ thấp hơn khoảng 1% so với tỷ lệ tương ứng của nhóm doanh nghiệp có quy mô trên 300 tỷ đồng”, ông Tuấn cho biết.

Khảo sát cũng cho biết, chỉ khoảng 13,5% doanh nghiệp tham gia khảo sát chưa sẵn sàng cho sự thay đổi hình thức thanh toán. Theo đó, “chưa hiểu rõ về thanh toán điện tử” là lý do phổ biến nhất 36%, tiếp đến là “lo ngại về an toàn” 26%, “thủ tục thanh toán điện tử phức tạp” 3% và “không muốn thay đổi” chiếm 11%.

“Những khó khăn này chủ yếu do sự thiếu thông tin gây nên. Chính vì vậy, việc triển khai thanh toán điện tử sẽ cần gắn với quá trình phổ biến thông tin, nhất là các hướng dẫn cách thức dùng thanh toán điện tử trên Cổng thông tin một cửa quốc gia”, ông Tuấn nhận định.

Điểm đáng chú ý, khảo sát cũng thử tìm hiểu thời điểm mà các doanh nghiệp muốn thanh toán điện tử được triển khai.

Số đông doanh nghiệp lựa chọn năm 2020 là thời gian phù hợp với 71,4% ý kiến, 19% doanh nghiệp nghĩ năm 2021 là thời điểm thích hợp và chỉ có 9,6% doanh nghiệp lựa chọn thời điểm sau năm 2021. Thời điểm mong muốn triển khai thanh toán điện tử khá thống nhất giữa các nhóm doanh nghiệp phân theo quy mô.

Nếu từng bước thực hiện thanh toán điện tử trên cơ chế một cửa quốc gia thì việc triển khai này có thẻ bắt đầu từ các thủ tục hành chính của cơ quan hải quan.

Tỷ lệ doanh nghiệp mong muốn cơ quan hải quan dùng thanh toán điện tử là 85%, cao hơn đáng kể so với các cơ quan khác trong điều tra là cảng vụ 60%, doanh nghiệp kinh doanh cảng 54% hay cơ quan y tế 52%.

“Một trong những tính năng mới mà doanh nghiệp chờ đợi Cổng thông tin một cửa quốc gia sẽ tích hợp là thanh toán điện tử. Trong bối cảnh ứng dụng công nghệ tài chính đang phát triển nhanh chóng ở Việt Nam, việc triển khai thanh toán điện tử trên cơ chế một cửa quốc gia sẽ giúp quá trình làm thủ tục hành chính nhanh chóng hơn, dễ dàng theo dõi hơn và an toàn hơn cho doanh nghiệp khi không phải mang theo tiền mặt”, ông Tuấn nói.

Theo đó, kiến nghị của Báo cáo trong thời gian sắp tới, Tổng Cục Hải quan cần nghiên cứu đề xuất với Ủy ban 1899 và Bộ Tài chính để sớm triển khai đưa chức năng thanh toán điện tử được vận hành trên Cổng.

Việc tích hợp thanh toán điện tử lên Cổng cần thực hiện song song với việc hoàn thiện các quy định về quản lý, giảm sát hệ thống thanh toán điện tử mới, các dịch vụ trung gian thanh toán cũng như ban hành quy định về trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ, những người sử dụng và bên thứ ba.

Quá trình triển khai thanh toán điện tử, cũng theo ông Tuấn, cũng cần có sự phối hợp của các cơ quan nhà nước với nhau, cũng như có sự tham gia của khu vực tư nhân trong cung cấp các dịch vụ thanh toán.

Hợp tác công tư trong việc thiết kế và cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử sẽ có vai trò quan trọng trong suốt quá trình triển khai.

“Đối với một tỷ lệ nhỏ doanh nghiệp chưa từng sử dụng thanh toán điện tử, Tổng cục Hải quan có thể đẩy mạnh hoạt động truyền thông và phối hợp với cơ quan báo chí để phổ biến thông tin, hướng dẫn cách sử dụng thanh toán điện tử và củng cố niềm tin của doanh nghiệp về lợi ích khi thanh toán điện tử trong thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu”, ông Tuấn nói.

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho biết, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, song hoạt động thanh toán, đặc biệt là thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ với nhiều sản phẩm, tiện ích ngân hàng mới, hiện đại được áp dụng, số lượng và giá trị thanh toán tăng trưởng mạnh. Minh họa bằng số liệu, ông Dũng cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2020, tổng giá trị giao dịch hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH) tăng 18,30% so với cùng kỳ năm 2019.

Giao dịch qua Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tăng 73,36% về số lượng và tăng 129,47% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, trong thời gian thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, các yêu cầu thanh toán của người dân và xã hội vẫn được đáp ứng đầy đủ, các dịch vụ ngân hàng trực tuyến và ATM hoạt động liên tục, thông suốt; đặc biệt giá trị giao dịch trung bình qua hệ thống TTĐTLNH trong 20 ngày đầu tháng 4/2020 tăng 8,85% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, thanh toán qua thẻ, internet và điện thoại di động trong 4 tháng đầu năm 2020 đều đạt sự tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị; thanh toán qua kênh Internet tăng 3,2% về số lượng và 45,7% giá trị; thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 198,8% về số lượng và 21,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

“Thanh toán dịch vụ công tiếp tục được mở rộng triển khai rộng rãi. NHNN đã có chỉ đạo kịp thời các ngân hàng, trung gian thanh toán trong việc phối hợp triển khai thanh toán điện tử trên Cổng dịch vụ quốc gia”, ông Dũng cho biết.

Phó thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, trong thời gian tới, phát huy những kết quả đạt được, NHNN sẽ tiếp tục tập trung thực hiện một số giải pháp nhằm thúc đẩy TTKDTM, cụ thể như:

Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển TTKDTM, trong đó trước mắt tập trung vào hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định 101 về TTKDTM, về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, ban hành Thông tư hướng dẫn việc mở tài khoản thanh toán với định danh, xác thực khách hành bằng phương thức điện tử (eKYC),..

Triển khai có hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/1/2020; tiếp tục đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ; đồng thời, tập trung  nghiên cứu, xây dựng và triển khai có hiệu quả Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo 2021-2025 trên cơ sở kết quả tổng kết đánh giá kết quả triển khai Quyết định 2545/QĐ-TTg và Quyết định 241/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia, hạ tầng Hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ theo hướng cung ứng dịch vụ thanh toán online, xử lý tức thời, dịch vụ 24/7 cho mọi đối tượng và người dân.

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thanh toán thẻ, thúc đẩy việc chuyển đổi thẻ chip, tạo thuận lợi cho việc kết nối với các ngành lĩnh vực khác để cung ứng đa dạng các sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích, thanh toán phi tiếp xúc và góp phần nâng cao tính an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán thẻ.

Giám sát các hệ thống thanh toán đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả; tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử; giám sát hoạt động các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đảm bảo hoạt động đúng quy định.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục