Dịch vụ massage có thể không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, nhưng bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, cần phải sửa đổi lại lần nữa, vì có một số mặt hàng đang phải chịu thuế TTĐB hiện đã không còn phù hợp và ngược lại, một số mặt hàng mới cần áp thuế TTĐB.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam

Nhiều quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB phải đến năm 2017, 2018 và 2019 mới có hiệu lực, vì sao bà đã nghĩ tới chuyện sửa lại Luật thuế TTĐB?

Trong lần sửa đổi Luật Thuế TTĐB vừa qua, đối tượng hàng hóa, dịch vụ chịu thuế không được sửa đổi, mà chỉ sửa đổi về thuế suất và giá tính thuế. Tức là các loại hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB vẫn được giữ nguyên như khi xây dựng luật thuế này vào năm 1998 nên không còn phù hợp.

Năm 1998 khi xây dựng Luật Thuế TTĐB, máy điều hòa nhiệt độ đúng là mặt hàng xa xỉ với đại đa số người dân, chỉ gia đình có thu nhập cao mới có thể sử dụng máy điều hòa nhiệt độ. Và ngày đó, Nhà nước cũng không khuyến khích gia đình, cá nhân sử dụng máy điều hòa nhiệt độ, do tình hình cung ứng điện không đáp ứng được nhu cầu cho sản xuất và đời sống của người dân, vì vậy đánh thuế TTĐB đối với mặt hàng điều hoà nhiệt độ là đúng.

Nhưng gần 20 năm đã trôi qua, nhờ sự phát triển kinh tế, thu nhập và đời sống của người dân đã được nâng lên rất nhiều, hiện nay ở đô thị, tuyệt đại đa số người dân đã sử dụng máy điều hòa, gia đình có 2-3 máy điều hòa đã trở lên phổ biến. Còn ở nông thôn, tỷ lệ người dân sử dụng máy điều hòa nhiệt độ cũng ngày càng tăng. Máy điều hòa đã trở thành hàng hóa bình thường, vì vậy, theo tôi, cần phải loại mặt hàng này ra khỏi đối tượng chịu thuế TTĐB. Bởi mục tiêu của thuế TTĐB không chỉ góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước, điều tiết thu nhập, mà còn góp phần định hướng tiêu dùng, hạn chế tiêu dùng, loại hàng hóa, dịch vụ nào không cần hạn chế tiêu dùng thì không nên đánh thuế.

Vàng mã, hàng mã là mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng, vậy vì sao, bà vẫn muốn loại mặt hàng này ra khỏi đối tượng chịu thuế TTĐB?

Đúng là có tình trạng không ít người dân đốt vàng mã, hàng mã quá nhiều, đặc biệt vào những dịp lễ, tết, cúng giỗ hay đi đền chùa… rất lãng phí và góp phần gây ô nhiễm môi trường, nên Luật Thuế TTĐB đánh thuế suất 70% đối với mặt hàng này là đúng.

Nhưng vấn đề là, thuế TTĐB đánh ở nơi sản xuất, trong khi mặt hàng cõi âm này được sản xuất trong dân chúng, trong hộ gia đình, trong các làng nghề nên không thể thu được thuế TTĐB. Chúng ta đặt ra thuế mà không thu được thì đặt ra làm gì, nên cũng cần phải xem lại có tiếp tục để vàng mã, hàng mã thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB hay không.

Nhưng cũng cần bổ sung một số hàng hóa, dịch vụ vào đối tượng chịu thuế TTĐB, thưa bà?

Hiện tại dịch vụ massage phải chịu thuế TTĐB 30%, theo tôi là không hợp lý và tôi cũng không biết dựa vào đâu lại coi massage là dịch vụ cần hạn chế sử dụng, bởi massage - vật lý trị liệu cũng là một loại hình chăm sóc sức khỏe người dân.

Hiện tại có không ít cơ sở massage - vật lý trị liệu rất nổi tiếng, góp phần không nhỏ trong việc chăm sóc sức khỏe người dân, nhất là người già, người bị mắc một số bệnh nào đó. Ở nhiều nơi, cơ sở massage do người mù thực hiện chỉ với mục đích có việc làm, có thu nhập chính đáng và thu nhập của họ cũng thuộc loại thấp trong xã hội, vậy mà phải nộp thuế TTĐB theo tôi là không hợp lý, vì vậy cũng nghiên cứu bỏ dịch vụ này ra khỏi đối tượng chịu thuế.

Ngược lại, dịch vụ spa, làm đẹp đang nở rộ khắp nơi và chỉ có những người có điều kiện kinh tế khá giả mới sử dụng dịch vụ này, nhưng lại không chịu thuế TTĐB, vì thế tôi kiến nghị bổ sung dịch vụ này vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Kể từ khi có thuế TTĐB đến nay, mặt hàng rượu, bia, thuốc lá liên tục bị nâng thuế. Bà có quan điểm gì về vấn đề này?

Trước năm 2012, rượu từ 20 độ trở lên phải chịu thuế TTĐB là 45%, sau đó nâng lên 50%; từ ngày 1/1/2016 lên 55% và tiếp tục nâng lên 60% và 65% vào năm 2017 và 2018. Rượu, bia sử dụng ở mức độ vừa phải cũng có những lợi ích nhất định, nhưng tình trạng lạm dụng rượu, bia xảy ra khắp nơi, từ miền ngược đến miền xuôi, từ nông thôn đến thành thị, đặc biệt trong những dịp lễ tết, lễ hội, đình đám trong dân chúng. Vì thế, tăng thuế TTĐB để hạn chế tình trạng lạm dụng rượu bia là chủ trương đúng, vì như tôi nói, một trong những chức năng của thuế TTĐB là định hướng tiêu dùng.

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, khi tăng thuế đối với rượu, bia thì doanh nghiệp làm ăn chân chính, chấp hành các chính sách của Nhà nước sẽ càng khó cạnh tranh, vì cơ quan thuế không thể thu được thuế với mặt hàng rượu “quốc lủi”. Ai cũng biết, tình trạng người dân nấu “rượu đế” rất phổ biến, làng xã nào cũng có và các loại rượu này vô cùng độc hại, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng cũng như an ninh, trật tự xã hội. Nếu đánh thuế vào mặt hàng rượu, bia không hợp lý sẽ đẩy doanh nghiệp làm ăn chân chính vào chỗ phá sản, giải thể, khuyến khích người dân nấu “rượu lậu”, sản xuất rượu giả các nhãn hiệu nổi tiếng, kể cả các thương hiệu rượu nổi tiếng nước ngoài.

Mặt hàng thuốc lá cũng tương tự, trước đây chịu thuế suất 65%, từ năm 2016 lên 70% và sẽ lên 75% vào năm 2019, nếu không quản lý chặt chẽ sẽ gia tăng tình trạng buôn lậu thuốc lá ở các tỉnh miền Trung và biên giới phía Tây Nam.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục