Trong khi đó, cơ quan công quyền vẫn làm việc với các thành viên sáng lập của Công ty TNHH Kỳ Hợp. Bà Nga cho rằng, hành động gây khó này không khác gì việc nói với thành viên Công ty TNHH Kỳ Hợp là… đừng thuê luật sư nữa!
Tuần trước, ông Ngô Trọng Thanh, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn Mancom lại gặp một câu chuyện khá… hài hước. Chủ một DN chuyên sản xuất thiết bị điện, với doanh số hàng năm khoảng 40 triệu USD đã tìm đến Mancom tư vấn phát triển thị trường. Ông Thanh tiết lộ, mọi chuyện rất cởi mở nhưng tới cuối buổi nói chuyện, vị giám đốc băn khoăn nói: nếu Mancom chuyên nghiệp và… giỏi như vậy, sao không tự sản xuất ra một sản phẩm nào đó mà lại đi tư vấn cho DN khác?
Những cản trở từ nhận thức của các cấp chính quyền và từ chính DN đang khiến các dịch vụ hỗ trợ DN như dịch vụ pháp lý, tư vấn, đào tạo, kế toán… phát triển khó khăn. Từ thực tế kinh nghiệm của một chuyên gia tư vấn marketing, ông Thanh cho rằng, nhiều chủ DN hiện vẫn mang tâm lý "tiểu nông" vào trong công việc, đó là tự mình ôm đồm mọi việc như một người nông dân tự cấp, tự túc. Khi DN còn ở quy mô nhỏ hoặc quá nhỏ, dường như người chủ vẫn có thể bao quát được mọi vấn đề. Tới khi DN phát triển với quy mô lớn hơn, nhiều điều vượt quá tầm kiểm soát, nhưng DN chỉ tìm đến các dịch vụ hỗ trợ DN khi tình hình thực tế khiến họ phải phát tín hiệu kêu cứu.
Trong khi đó, tại các nước có nền kinh tế phát triển, dịch vụ hỗ trợ DN trở thành một thứ không thể thiếu và đem lại nhiều giá trị gia tăng cho DN. Theo nghiên cứu của Chương trình Phát triển kinh tế tư nhân (MPDF) và Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Đức (GTZ), các dịch vụ hỗ trợ DN ở nước ta hiện nay mới chỉ chiếm khoảng 1% GDP, trong khi tại Singapore tỷ lệ này là 15%. Mức tăng trưởng bình quân hàng năm của loại dịch vụ này ở nước ta khoảng 1 - 2%, trong khi tại Singapore là khoảng hơn 10%.
Nguyên nhân chính một phần xuất phát từ nhận thức của xã hội và các doanh nhân về lợi ích của những dịch vụ này. Quá trình khảo sát từ MPDF và GTZ cho thấy, nhiều DN nói rằng, họ không có khả năng mua những dịch vụ này theo giá thị trường. Một số DN khác lại chưa nhận thức được lợi ích tiềm năng mà những dịch vụ này đem lại, đặc biệt là các dịch vụ vô hình và không đem lại lợi ích ngay lập tức như các dịch vụ tư vấn quản lý, tư vấn chiến lược…
"Việc chi một khoản tiền lớn cho dịch vụ là tâm lý bình thường trong một xã hội đang phát triển", ông Thanh chia sẻ với ĐTCK. Trong khi đó, dịch vụ là một thứ không thể cảm nhận được bằng các giác quan, mà chỉ có thể được đánh giá sau khi sử dụng. Để an toàn, nhiều DN đã thử nghiệm bằng các dịch vụ giá rẻ, đồng nghĩa với việc cắt giảm các chi phí. Tới khi mục tiêu không đạt được, DN mất niềm tin và trở nên không cởi mở với các dịch vụ tương tự.
Tuy vậy, con đường trở thành công ty cung cấp nhân sự số 1 Việt Nam của Navigos Group trong mấy năm trở lại đây đem lại niềm lạc quan mạnh mẽ cho loại dịch vụ này trong một nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh như Việt Nam . Gia nhập thị trường cung cấp nhân sự nước ta chưa lâu, khi thị trường đã có khá nhiều công ty cung cấp nhân sự và trung tâm giới thiệu việc làm, nhưng với các dịch vụ gia tăng như khảo sát tiền lương, báo cáo về thị trường lao động qua thông số nhân lực trực tuyến… Navigos Group đã phát triển mạnh mẽ. Nhiều DN đã chấp nhận chi hàng ngàn USD để mua kết quả từ cuộc khảo sát lương hàng năm của Navigos Group, phục vụ cho chiến lược nhân sự của mình.
Với ông Thanh, ký hợp đồng tư vấn với công ty sản xuất thiết bị điện có doanh số 40 triệu USD/năm và ngày càng nhiều DN tìm đến Mancom để tư vấn về các chiến lược marketing cho thấy, mặc dù còn chậm nhưng nhận thức của xã hội và nhiều chủ DN đang thay đổi. Đó là cơ hội lớn thúc đẩy các dịch vụ hỗ trợ DN phát triển trong tương lai.