Dịch vụ du lịch trực tuyến lên ngôi

Sự phổ biến của internet cùng với lượng người dùng smartphone ngày càng tăng là đòn bẩy để các ứng dụng chạy trên nền tảng này ra đời. Các website đặt phòng khách sạn trực tuyến rầm rộ xuất hiện đáp ứng "xu thế online" của người tiêu dùng. Và trong "cuộc chơi" mới này, ưu thế vẫn nghiêng về các doanh nghiệp nước ngoài.
Dịch vụ du lịch trực tuyến lên ngôi

Hiện nay, trong cơ cấu doanh thu của các khu nghỉ, khách sạn, kênh OTA (Online Travel Agent - đại lý bán vé đặt phòng khách sạn qua internet) chiếm tỷ lệ cao hơn mức ước tính 35 - 40%. Và, trong vài năm gần đây, thị trường du lịch Việt Nam đã hội tụ đủ điều kiện để các OTA phát triển.

Quý I/2012, trao đổi với phóng viên về mảng đặt phòng trực tuyến, đại diện khách sạn Majestic - cơ sở lưu trú với lượng khách quốc tế luôn chiếm trên 90% - cho biết, từ năm 2010, Majestic đã ký kết với nhiều OTA nên đã nâng cấp website để khách dễ dàng đặt phòng.

Sự đầu tư này, theo đại diện Majestic, trước hết là do xu hướng du lịch đã có nhiều thay đổi, với lượng khách cá nhân tăng đáng kể, khách đi theo dạng đặt phòng trước với các công ty tour (TA - Travel Agent) trước một tuần hay vài tháng đã giảm mạnh. Bên cạnh đó, việc chọn các ứng dụng đặt phòng trực tuyến giúp người dùng giảm thiểu về chi phí (thường giá đặt phòng qua mạng trực tuyến thấp hơn các kênh khác từ 15 - 18%) và nghiễm nhiên trở thành lựa chọn ưu tiên của du khách.

Trong vài năm gần đây, thị trường du lịch Việt Nam đã hội tụ đủ điều kiện để các OTA phát triển.   

Năm 2011, kết quả kinh doanh của khách sạn Majestic cho thấy khách đặt phòng trực tuyến (qua website khách sạn lẫn qua các OTA) chiếm 35%/tổng lượng khách lưu trú. Nếu xét về mặt doanh thu, kênh này chiếm 20% tổng doanh thu của khách sạn và 35% tổng doanh thu phòng, tăng đáng kể so với những năm trước đó.

Hiện tại, các OTA ngoại vẫn khai thác khá hiệu quả thị trường du lịch trực tuyến ở Việt Nam, điển hình như "gã khổng lồ" Expedia và các trang đặt phòng trực thuộc Tập đoàn Priceline (agoda.com, booking.com).Thị trường còn có sự tham gia của Tripadvisor, Airbnb…

Trong khi phía "sân nhà” vẫn có một vài doanh nghiệp tham gia khai thác ứng dụng đặt phòng trực tuyến như ivivu.com (thuộc Thiên Minh Group), gotadi.com (liên kết giữa HG Travel và nguyên TGĐ Jestar Pacific Lương Hoài Nam) hay chudu24.com (Công ty CP Dịch vụ Chu Du Hai Bốn).

Theo ý kiến của một đơn vị chuyên khai thác mô hình chia sẻ kỳ nghỉ tại Việt Nam, hiện nay, trong cơ cấu doanh thu của các khu nghỉ, khách sạn, kênh OTA chiếm tỷ lệ cao hơn mức ước tính, từ 35 - 40%.

Liên quan đến vấn đề này, bà Minh Trang - Tổng quản lý Léman Cap Resort & Spa (thành phố Vũng Tàu) cho biết, tùy vào đặc thù của từng khu nghỉ mà tỷ trọng giữa kênh OTA và TA có sự khác nhau.

Chẳng hạn, với Léman Cap Resort & Spa, khách gia đình và khách lẻ chiếm phần lớn nên tỷ lệ khách do các OTA đưa đến chiếm đến 60%, chủ yếu là thông qua các kênh đặt phòng trực tuyến của nước ngoài, như agoda hay booking.com, một phần do các trang này có hạ tầng kỹ thuật khá tốt, từ thanh toán, kiểm tra tình trạng phòng, so sánh giá cho đến việc xem xét bình luận của người sử dụng dịch vụ trước đó. Đây được xem là lợi thế cạnh tranh của các kênh đặt phòng trực tuyến ngoại so với kênh trong nước.

Cũng theo đại diện Léman Cap Resort & Spa, khách du lịch cá nhân hoặc gia đình là đối tượng khai thác của các OTA, còn khách MICE hoặc khách đoàn lại chọn kênh TA.

Và trong những năm gần đây, thị trường du lịch Việt Nam được nhìn nhận đã tương đối hội đủ các điều kiện để các OTA "bành trướng thế lực". Như trường hợp của Priceline, sau khi mua lại Công ty Agoda (agoda.com) vào tháng 11/2007 đã nhanh chóng "phong tỏa" thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Cụ thể, vào năm 2010, Agoda đã đưa phiên bản tiếng Việt vào hệ thống, đến năm 2012, số đối tác tại Việt Nam liên kết với Agoda đã lên đến 1.904 khách sạn và hiện con số này là khoảng 10.259 khách sạn tại khắp các tỉnh - thành.

Không chỉ tạo mạng lưới rộng khắp, dưới áp lực cạnh tranh khốc liệt như hiện nay (giữa các OTA, giữa OTA với các kênh khác), các OTA cũng tạo mọi điều kiện để khách du lịch được hưởng chính sách về giá, theo đó, thay vì phải đăng ký thành viên như trước, hiện nay, khách hàng chỉ cần truy cập vào facebook là có thể được giảm giá trực tiếp khi đặt phòng qua Agoda.

Xu hướng đặt phòng qua internet nói chung đã có sự tăng trưởng qua từng năm và đóng góp đáng kể vào doanh thu của các cơ sở lưu trú.

Khảo sát ngành dịch vụ khách sạn 2016 của Grant Thorton Việt Nam cho thấy, so với năm 2014, tỷ trọng doanh thu từ hình thức đặt phòng trực tiếp (direct booking) cũng như từ các công ty lữ hành, công ty điều hành tour đều giảm khoảng 5%.

Một phần của biên độ giảm này được chuyển sang cho kênh đặt phòng trực tuyến. Riêng doanh thu từ đặt phòng trực tuyến chiếm 21,9% (còn lại là thông qua các kênh khác). Sự dịch chuyển doanh thu sang kênh đặt phòng trực tuyến có thể trở nên rõ rệt hơn trong những năm tới, điều tra của Grant Thorton Việt Nam cho biết.

Nghiên cứu của Google và Temasek về nền kinh tế internet Đông Nam Á cũng cho thấy, du lịch trực tuyến (online travel) đứng thứ 3 về tốc độ tăng trưởng và đóng góp doanh thu. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CARG) từ 2015 - 2025 đạt 15%/năm, tỷ lệ này với thương mại điện tử là 32% và với quảng cáo trực tuyến là 18%.

Cũng theo nghiên cứu này, thị trường du lịch trực tuyến của Việt Nam (cả đặt phòng khách sạn và vé máy bay) đạt 2,2 tỷ USD vào năm 2015 (cao hơn Philippines với 1,1 tỷ USD) và dự báo sẽ cán mức 9 tỷ USD vào năm 2025. Điều này cho thấy, dư địa để kênh OTA phát triển là khá lớn.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Dũng - Giám đốc Quỹ Đầu tư CyberAgent Ventures (Nhật Bản) tại Việt Nam và Thái Lan nhìn nhận, tại Việt Nam, website đặt phòng khách sạn như Agoda, Mytour, Chudu24, Yesgo... cũng là những mảng rất tiềm năng và là mục tiêu để các quỹ đầu tư tài chính xem xét bỏ vốn.

Tuy nhiên, ở góc độ của đơn vị khai thác khu nghỉ, khách sạn, sự lớn mạnh của kênh OTA liệu có phải là điều mong muốn? Đại diện một khu nghỉ dưỡng cao cấp ở Nha Trang cho biết, bên cạnh mức chiết khấu cố định mà đối tác OTA được hưởng theo thỏa thuận giữa 2 bên thì những quảng bá riêng lẻ, mang tính thời vụ mà các OTA triển khai (quảng cáo, đặt banner trên website) cho khu nghỉ cũng nâng chi phí bán hàng của doanh nghiệp.

Do vậy, dù doanh số từ kênh OTA đem lại cao nhưng doanh thu thực lại không thể ổn định như kênh TA. Đó cũng là lý do mà không ít doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cho thuê phòng khách sạn, khu nghỉ đang cố gắng giảm thiểu sự phụ thuộc vào OTA, ngược lại duy trì và phát triển kênh TA.

Theo DNSG

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục