Dịch COVID-19: Quảng Ninh xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh thống nhất kịch bản quý 4 và cả năm 2021 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt trên 10%; thu ngân sách nội địa phấn đấu mức cao nhất.
Các phương tiện dừng để thực hiện khai báo tại chốt kiểm soát cầu Bạch Đằng (Quảng Ninh). (Ảnh: TTXVN phát). Các phương tiện dừng để thực hiện khai báo tại chốt kiểm soát cầu Bạch Đằng (Quảng Ninh). (Ảnh: TTXVN phát).

Tỉnh Quảng Ninh nhận định, trong những tháng cuối năm 2021, dịch COVID-19 dự báo vẫn diễn biến phức tạp, tiếp tục tác động và ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch và thu ngân sách trên địa bàn.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng 3 phương án kịch bản tăng trưởng của quý 4 và cả năm 2021; trong đó có dự báo những thuận lợi, khó khăn, tốc độ tăng trưởng của từng ngành, lĩnh vực.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh thống nhất, kịch bản quý 4 và cả năm 2021 sẽ phấn đấu ở mức cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu theo Nghị quyết 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Theo đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt trên 10%; thu ngân sách nội địa phấn đấu mức cao nhất, tương xứng với mục tiêu tăng trưởng.

Để thực hiện điều này, cùng với tinh thần vượt khó của ngành than, không chỉ giữ vững sức sản xuất mà còn phấn đấu tăng 2,8 triệu tấn than sạch so với đầu năm. Từ đó, đóng góp thêm 1% vào tốc độ tăng trưởng GRDP và tăng thu ngân sách cho tỉnh, các ngành khác cũng phải nỗ lực hơn rất nhiều.

Về các giải pháp thực hiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất kiên quyết, kiên trì giữ vững “vùng xanh an toàn;” tiếp tục duy trì các biện pháp, giải pháp đã thực hiện hiệu quả; đồng thời, có những giải pháp linh hoạt phù hợp với tình hình.

Quảng Ninh phấn đấu hoàn thành mục tiêu tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 100% người dân đủ điều kiện tiêm trong năm 2021; thực hiện “5K+vaccine+công nghệ.”

Tỉnh tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ, đặc biệt là ở cấp phòng ban và cơ sở; giữ vững vị trí nhóm đầu về các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI, cải cách hành chính - PAR Index, hài lòng về sự phục vụ hành chính - SIPAS và chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công - PAPI.

Tỉnh cũng tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với đất đai, tài nguyên thiên nhiên, hoàn thành quy hoạch tỉnh; quy hoạch thành phố Hạ Long, quy hoạch khu kinh tế ven biển Quảng Yên và các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết có liên quan đến các dự án.

Quảng Ninh cũng thực hiện lộ trình tinh giản bộ máy, giảm biên chế gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả; trong đó, xây dựng đề án giảm số đơn vị sự nghiệp công lập, viên chức sự nghiệp công lập hưởng lương từ ngân sách theo yêu cầu chung của trung ương.

Ngoài ra, tỉnh giải quyết các vướng mắc, khó khăn, nút thắt về thủ tục pháp lý, quy hoạch, chuyển đổi đất lúa, đất rừng, giải phóng mặt bằng. Từ đó, đáp ứng nhu cầu lao động, đặc biệt là sự phối hợp giữa cơ quan, địa phương để đảm bảo nâng tỷ lệ giải ngân tất cả các nguồn vốn để tạo động lực cho tăng trưởng.

Quảng Ninh cũng yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp Sông Khoai, Nam Tiên Phong, Bắc Tiền Phong, Việt Hưng; động viên các nhà đầu tư thứ cấp đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án sản xuất như: Dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam tại khu công nghiệp Sông Khoai...

Dù tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng xấu rất lớn đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội, song thực hiện “mục tiêu kép,” kinh tế Quảng Ninh tiếp tục đạt kết quả tích cực với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tính cho cả 9 tháng năm 2021 đạt 8,2%.

Theo đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 36,2% cùng kỳ, vượt 14,7% so với kịch bản, là động lực tăng trưởng chính cho khu vực công nghiệp. Điều này bù đắp cho sự sụt giảm của khu vực dịch vụ, du lịch do bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 và của ngành than, ngành điện không đạt kịch bản tăng trưởng.

Tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh đạt 34.377 tỷ đồng, bằng 67% dự toán. Cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện và phát huy hiệu quả vị trí dẫn đầu các tỉnh, thành phố về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục