Dịch COVID-19: Làn sóng dịch tại Pháp và Nga diễn biến đáng lo ngại

0:00 / 0:00
0:00

Làn sóng dịch thứ hai dịch COVID-19 tại Pháp có nguy cơ nghiêm trọng hơn so với đợt đầu tiên bùng phát vào mùa Xuân, trong khi tại Nga, nhiều bệnh viện không còn giường trống để tiếp nhận bệnh nhân.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 lên xe cứu thương tại Saint Petersburg, Nga ngày 5/10/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN). Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 lên xe cứu thương tại Saint Petersburg, Nga ngày 5/10/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Dù đã siết chặt và áp đặt thêm nhiều biện pháp, thậm chí cả lệnh giới nghiêm ban đêm, song tình hình dịch bệnh COVID-19 tại châu Âu vẫn diễn biến phức tạp.

Ngày 5/11, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran đánh giá rằng làn sóng dịch thứ hai dịch COVID-19 tại Pháp có nguy cơ nghiêm trọng hơn so với đợt đầu tiên bùng phát vào mùa Xuân, nếu virus SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan với tốc độ chóng mặt như hiện nay.

Chỉ trong vòng 24 giờ qua, Pháp đã ghi nhận 58.046 ca mắc mới, đưa tổng số bệnh nhân COVID-19 lên hơn 1,6 triệu người kể từ đầu dịch.

Hiện nước này đứng đầu châu Âu về số ca mắc mới COVID-19 theo ngày, với tỷ lệ dương tính trên số người làm xét nghiệm lên tới 20,76%.

Tại Paris, phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Véran cho biết số bệnh nhân COVID-19 phải chăm sóc đặc biệt có thể tăng từ 4.000 người hiện nay lên 7.000 người nếu người dân không tuân thủ các quy định phong tỏa.

Ông nhấn mạnh những ngày và tuần tiếp theo “sẽ rất khó khăn” và các cơ quan chức năng đang nỗ lực tăng cường nhân viên y tế. Các sinh viên y khoa có thể cũng sẽ được huy động tiếp viện một lần nữa.

Trong khi đó, tại Nga, diễn biến dịch vẫn hết sức căng thẳng khi một số bệnh viện tại Moskva đều thông báo không còn giường trống để tiếp nhận bệnh nhân COVID-19.

Bác sỹ Denis Protsenko làm việc tại một bệnh viện ở Kommunarka, Moskva, cho biết toàn bộ 870 giường bệnh trong bệnh viện đã kín chỗ và trong số này có tới 137 bệnh nhân đang phải chăm sóc đặc biệt.

Tại thủ đô Moskva, nơi có số ca nhiễm mới và mắc COVID-19 cao nhất cả nước, nhiều bệnh viện dã chiến đã được lập ở trung tâm triển lãm Sokolniki, cung điện băng Krylatskoye và một số cơ sở lớn khác để tiếp nhận bệnh nhân.

Theo thị trưởng thủ đô, ông Sergei Sobyanin, 50% số giường tại các bệnh viện bổ sung này đã kín bệnh nhân.

Cũng trong ngày 5/11, Thị trưởng Sobyanin tuyên bố chính quyền thành phố vẫn chưa có kế hoạch áp dụng các biện pháp cách ly nghiêm ngặt ngừa COVID-19.

Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Rossya-1, ông nói: “Tình hình dịch bệnh chưa thuyên giảm và cuộc chiến vẫn tiếp diễn. Mặc dù nhiều nước đã áp đặt các biện pháp cứng rắn… Chúng ta chưa triển khai kế hoạch này do tin rằng hệ thống y tế ở giai đoạn hiện nay vẫn hoàn toàn có thể chống đỡ với dịch bệnh.”

Thị trưởng Moskva thừa nhận hình dịch COVID-19 ở thủ đô lại xấu đi, số ca nhiễm COVID-19 và nhập viện đang tăng lên.

Tuy nhiên, ông tin tưởng các biện pháp như cho phép một số nhân viên văn phòng và học sinh chuyển sang phương thức làm việc và học tập từ xa sẽ giúp ổn định tình hình.

Nhằm đối phó với tình hình dịch bệnh, ngày 5/11, Ủy ban châu Âu (EC) đã quyết định tài trợ 128,2 triệu euro cho 23 dự án nghiên cứu về đại dịch COVID-19 và những hệ quả của nó.

Tại Brussels, 23 dự án này là những dự án đã được EC lựa chọn trong đợt phát động nghiên cứu sáng tạo của EU từ đầu năm 2020 nhằm đối phó với COVID-19.

Theo Ủy viên châu Âu về thanh niên và sáng tạo, Mariya Gabriel, các dự án nghiên cứu này cho phép cộng đồng ứng phó tốt hơn với đại dịch COVID-19 hiện nay cũng như các đại dịch khác trong tương lai, đồng thời cho phép EU có thể nâng cao khả năng ứng phó nhanh để ngăn ngừa dịch bệnh, cải thiện khả năng chẩn đoán và chữa bệnh.

Giám đốc văn phòng đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Âu, Hans Kluge, cho biết Lục địa Già hiện đang chứng kiến sự bùng phát dịch với tốc độ cực nhanh, với 1 triệu ca nhiễm mới chỉ trong vài ngày và tỷ lệ tử vong đang ngày một tăng.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục