Sputnik đưa tin, trả lời phỏng vấn tạp chí Foreign Policy, nhiều chuyên gia cho rằng nền kinh tế thế giới rơi vào tình trạng khủng hoảng do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ là một thách thức nghiêm trọng đối với cộng đồng quốc tế và sẽ mang đến "những cú sốc chưa từng có".
Carmen Reinhart, giáo sư tài chính quốc tế tại Đại học Harvard nhận định, trước hết, đại dịch sẽ đặt câu hỏi về lợi ích và chi phí của việc toàn cầu hóa, làm tăng thêm nghi ngờ về chuỗi cung ứng toàn cầu và khiến chúng trở nên địa phương hơn.
Mọi người sẽ ngại du lịch nước ngoài, cũng như lo lắng về các mặt hàng thiết yếu và khả năng phục hồi trong nước.
Joseph Stiglitz, giáo sư kinh tế tại Đại học Columbia, người nhận giải thưởng Nobel về kinh tế, nói thêm rằng sau khi đại dịch kết thúc, các quốc gia sẽ cần tạo ra hệ thống tài chính toàn cầu với triển vọng dài hạn và khả thi hơn.
Ông nói: "Các nước sẽ phải tìm một sự cân bằng bền vững hơn giữa lợi ích của toàn cầu hóa và dựa vào sự tự lực cần thiết".
Theo Adam Posen, chủ tịch Viện kinh tế thế giới Peterson, đại dịch sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng trì trệ lâu dài và khoảng cách giữa các nước giàu và phần còn lại của thế giới.
Theo ông, lĩnh vực tài chính và thương mại sẽ phụ thuộc quá mức vào USD, điều này sẽ "làm tăng sự bất mãn, không hài lòng".
Ngoài ra, trong tương lai, "chủ nghĩa dân tộc kinh tế" sẽ dẫn đến thực tế là các quốc gia sẽ ngày càng tự cô lập các nền kinh tế của họ khỏi thế giới bên ngoài.
Về phần mình, Adam Tuz, giáo sư lịch sử và giám đốc Viện châu Âu tại Đại học Columbia, nhấn mạnh rằng những hậu quả chưa từng có và thảm khốc của cuộc suy thoái đã bắt đầu "là không thể đo lường được".
Theo dự báo của giáo sư Tuz, sau đại dịch, "nhiều cửa hàng sẽ không còn mở và công việc làm sẽ bị mất mãi mãi".
Còn Laura Andrea Tyson, giáo sư tại Trường Kinh doanh Haas tại Đại học California, Berkeley, lưu ý rằng đại dịch sẽ kéo theo sự thay đổi kinh tế lớn.
Do đó, các quá trình số hóa và tự động hóa tại nơi làm việc sẽ tăng tốc, nhiều công việc có kỹ năng trung bình sẽ biến mất, thành phần GDP sẽ thay đổi và thúc đẩy sự tăng trưởng của việc làm không quy cách và bấp bênh.
Bà phân tích rằng khi nền kinh tế bắt đầu tăng, nhu cầu sẽ tăng đối với cảnh sát, lính cứu hỏa, bác sĩ, hậu cần và các nhân viên của ngành dịch vụ quan trọng khác.
Bà nói thêm: "Trong những lĩnh vực đó, sẽ xuất hiện vị trí tuyển dụng mới, tiền lương sẽ tăng lên và nhiều lợi ích khác nhau sẽ mở rộng".