Dịch chuyển số để hút vốn vào khởi nghiệp sáng tạo

0:00 / 0:00
0:00

Chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng trên toàn cầu, đem lại rất nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp. Đối với Việt Nam, điều này được kỳ vọng sẽ thu hút hàng tỷ USD vốn đầu tư.

Dịch chuyển số để hút vốn vào khởi nghiệp sáng tạo

Chuyển đổi số đem lại thành công rực rỡ

“Thay vì chỉ là một chú gà trống, chúng tôi muốn trở thành một “đại bàng” đầy kiêu hãnh với lãnh thổ của riêng mình. Nhà nước đang mời gọi nhiều “đại bàng” quốc tế về làm tổ, vậy tại sao chúng tôi không trở thành một “đại bàng” của Việt Nam với sự hỗ trợ từ Nhà nước”, ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập, Phó chủ tịch Ví MoMo chia sẻ tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2020 - Vietnam Venture Summit 2020 (VVS) với chủ đề “Going Digital - Dịch chuyển số” diễn ra giữa tuần này.

Không giấu tham vọng trở thành ví điện tử lớn nhất Việt Nam trong thời gian tới, đại diện Ví Momo cho biết, doanh nghiệp này đặt mục tiêu phải tiếp cận ít nhất 50% dân số, tương ứng với 50 triệu người dùng. Ông Diệp cho hay, Ví Momo đã tiếp cận thêm được 10 triệu khách hàng trong khoảng thời gian Covid-19 bùng phát, tương đương với số khách hàng mà nền tảng này đã có trước đó.

Việc chuyển đổi số là quá trình đang diễn ra nhanh chóng trên toàn cầu, đem lại rất nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp. Theo nghiên cứu của Microsoft, quá trình chuyển đổi giúp cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương mỗi năm tăng 1% GDP và mức tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2021 có thể tăng thêm tới 347 tỷ USD nhờ vào chuyển đổi số. Trên thế giới, các doanh nghiệp tập trung vào chuyển đổi số đều phát triển thành công rực rỡ, ví dụ như Amazon, Tesla, hay Alibaba.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lukasz Roszczyc, Tổng giám đốc Publicis Groupe - đơn vị chuyên tư vấn về thị trường và truyền thông cho các doanh nghiệp nhìn nhận, đã có sự gia tăng đáng kể của thương mại điện tử hướng trực tiếp đến người tiêu dùng. “Các công ty và các thương hiệu đang tìm kiếm những cách thức mới để tiếp cận người dùng và phổ cập thông tin sản phẩm, dịch vụ mới. Thương mại điện tử đã bắt đầu từ trước, nhưng có sự tăng tốc rõ rệt trong năm nay”, ông Lukasz Roszczyc nói.

Đại diện Publicis Groupe cho rằng, hiện nay, hầu hết các công ty đều ứng dụng công nghệ, kỹ thuật số trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, các công ty khác nhau sẽ có các giai đoạn số hóa khác nhau.

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của chuyển đổi số khi nền kinh tế số trở thành xu hướng, ông Diệp cho rằng, thay vì bỏ 1 đồng để đầu tư thời điểm hiện nay, start-up sẽ mất 10 đồng để làm điều tương tự trong tương lai. “Đầu tư đúng đắn đóng vai trò quan trọng trong phát triển doanh nghiệp và cũng thỏa mãn các nhà đầu tư”, ông Diệp nói.

Đưa hàng tỷ USD đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trong điều kiện thế giới có nhiều biến động, khó dự báo dài hạn, sát thực tế, thì từ những công ty lớn đến doanh nghiệp non trẻ phải có khả năng điều chỉnh linh hoạt, ngay lập tức mới có cơ hội phát triển.

“Nền kinh tế trong tương lai có tới 70% sản phẩm, dịch vụ phương thức mới mà chưa hình dung được, hoặc chưa chắc chắn. Quan trọng là cách thích ứng”, Phó thủ tướng chia sẻ.

Khẳng định Chính phủ luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động ở Việt Nam, song ông Vũ Đức Đam đề nghị, các doanh nghiệp, start-up trong nước cũng cần tự tin hơn với kinh nghiệm, cách làm của mình.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ đã xây dựng một chương trình hỗ trợ với tham vọng 800.000 doanh nghiệp Việt Nam có thể áp dụng được chuyển đổi số, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, dù doanh nghiệp lớn, nhỏ hay vừa.

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra sáng kiến hợp tác cụ thể với các quỹ đầu tư trong và ngoài nước nhằm tối ưu hoá các nguồn lực đưa vào đổi mới sáng tạo. Đó là cam kết của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia đồng hành cùng các quỹ đầu tư, cụ thể là những doanh nghiệp khởi nghiệp được các quỹ đầu tư rót vốn sẽ là các doanh nghiệp được Trung tâm tiếp nhận, hỗ trợ và hưởng các ưu đãi theo quy định tại Nghị định 94/2020/NĐ-CP.

“Với việc triển khai sáng kiến này, Trung tâm dự kiến trong giai đoạn tới sẽ hỗ trợ, đưa vào thị trường hàng tỷ USD đầu tư khởi nghiệp sáng tạo”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Cùng với việc triển khai về cơ chế chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tiếp tục chuẩn bị nguồn nhân lực chuyên gia tham gia vào các hoạt động đổi mới sáng tạo. Cho đến nay, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam đã mở rộng mạng lưới thành phần tại các nước Đức, Nhật Bản, Australia và tiếp tục thành lập tại Mỹ, Canada với hàng ngàn thành viên, nhằm quy tụ những người Việt xuất sắc tham gia nghiên cứu, phát triển công nghệ và ứng dụng tại Việt Nam.

Tại Vietnam Venture Summit 2020, có 33 quỹ đầu tư đã cam kết rót 815 triệu USD vào lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2025. Một số quỹ đầu tư tiêu biểu tham gia cam kết có thể kể đến như: VinaCapital Ventures, 500 Startups, AlphaJWC, BeeNext, CyberAgent Capital, Do Ventures, FEBE Ventures, Genesia Ventures, Monk’s Hill Ventures, Insignia Ventures, Patamar Capital, Smilegate, Vietnam Investment Group, Viet Capital Ventures...

Kỳ Thành
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục