ĐHCĐ của DIC cuối tuần trước đã thông qua phương án phát hành quyền mua cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 100:46 với giá bằng mệnh giá để tăng vốn thêm 80 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Ban giám đốc Công ty, năm 2013, nguồn vốn gia tăng cho sản xuất - kinh doanh để tăng doanh thu, tăng lợi nhuận của DIC chủ yếu đến từ gia tăng nguồn vốn vay, đạt 559,5 tỷ đồng, tăng 25,94% so với năm 2012. DIC đã sử dụng nguồn vốn lưu động hiệu quả, vòng quay vốn từ 2,38 vòng năm 2012 lên 4,5 vòng năm 2013. Vòng quay hàng tồn kho từ 8,92 vòng tăng lên 22,25 vòng, số ngày lưu kho trung bình từ 40,91 rút xuống còn 16,18 ngày.
Bà Lê Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc DIC phân tích, doanh thu của DIC qua các năm có sự tăng trưởng. Năm 2012, doanh thu Công ty đạt 1.182 tỷ đồng, năm 2013 là 2.583 tỷ đồng, (tăng 118%).
Năm 2014, dự kiến doanh thu thuần 2.954 tỷ đồng (tăng 15% so với thực hiện 2013), trong đó, doanh thu thuần của công ty mẹ là 2.329 tỷ đồng. Nếu muốn đạt doanh số như trên thì DIC cần vốn đối ứng khoảng 140 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của DIC là hơn 200 tỷ đồng, trong đó hơn 120 tỷ đồng đã đầu tư vào công ty con.
“Trong đợt huy động vốn lần này, mục đích chính là bổ sung nguồn vốn lưu động, giảm vay nợ, và quan trọng là DIC sẽ nắm bắt được cơ hội kinh doanh tốt hơn”, bà Nga nói.
Chủ tịch HĐQT DIC, ông Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: “Dự báo kinh tế năm 2015 sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, giá cổ phiếu DIC không nằm ở mức hiện nay nên có nhà đầu tư bên ngoài sẵn sàng mua cổ phiếu phát hành với giá 10.000 đồng/CP. Nhưng Công ty sẽ ưu tiên cho cổ đông hiện hữu, khi nào cổ đông không mua mới chào bán cho các đối tác khác”. DIC sẽ cân nhắc thời điểm phát hành thuận lợi cho Công ty và cổ đông chứ không nhất thiết là phát hành ngay sau ĐHCĐ hay ngay trong năm 2014.
Năm 2014, DIC lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế 24,7 tỷ đồng, trong đó, lợi nhuận trước thuế công ty mẹ là 13,8 tỷ đồng, cổ tức dự kiến 6%. Năm nay, DIC đặt mục tiêu sử dụng hạn mức tín dụng có chi phí vốn thấp hơn thị trường từ 1 - 2%.
Giải đáp lo ngại của cổ đông về việc nhà đầu tư nước ngoài mua nhà máy xi măng, đại diện DIC cho biết, tầm nhìn 10 năm của DIC là trở thành nhà phân phối clinker quốc tế. DIC không nhất thiết lấy clinker Việt Nam xuất đi mà có thể tìm nguồn từ Hàn Quốc, Đài Loan để xuất sang các thị trường khác.
Hiện tại, DIC đang tiếp tục thực hiện cắt giảm đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết chưa hoạt động hiệu quả, tạm ngưng dự án chậm tiến độ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Tổng vốn đầu tư của DIC vào các công ty thành viên là 124 tỷ đồng.