Theo ông Tuấn, bất động sản công nghiệp là một mảng rất hấp dẫn mà trước đây Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã chứng khoán DIG) chưa quan tâm bởi DIC Corp là doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng, và Bộ đã phân công Tổng công ty IDICO (mã IDC – HNX) tập trung mảng bất động sản khu công nghiệp, còn DIG tập trung vào phát triển các khu đô thị.
Tuy nhiên, kể từ khi DIC Corp thực hiện thành công thoái 49,65% vốn nhà nước vào cuối năm 2017 và đến giai đoạn tái cấu trúc bộ máy cho đến nay, DIC Corp vẫn đang tập trung phát triển 2 dòng sản phẩm chính là bất động sản đô thị - nhà ở và bất động sản du lịch. Tuy nhiên, đánh giá thị trường cho thấy ngành bất động sản công nghiệp được cho là đang rất tiềm năng.
“Tôi cũng đã làm việc với lãnh đạo 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu về vấn đề này và có tín hiệu tích cực, phấn đấu trong 5 năm DIC Corp sẽ có khoảng trên dưới 1.000 ha đất khu công nghiệp thực hiện cho thuê đất, nhà xưởng... Như vậy, thời gian tới DIC Corp sẽ phát triển 3 mảng chính trên bên cạnh các hoạt động: thi công xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, đầu tư tài chính”, ông Tuấn chia sẻ với đại hội.
Nói về định hướng phát triển nguồn vốn 5 năm (2021 - 2025) với kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.124 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng, ông Tuấn cho biết thực tế tổng mức đầu tư các dự án lớn của DIC Corp khoảng 120.000 tỷ đồng với hơn 22 dự án trải dài từ Vĩnh Phúc đến Hậu Giang.
Một số dự án có diện tích lớn đang triển khai như Khu đô thị Nam Vĩnh Yên (414 ha), Điểm du lịch sinh thái và vui chơi giải trí hồ Ba Hang (316 ha), Khu đô thị du lịch Long Tân, Đồng Nai (328 ha), Trung tâm Thành phố mới Nhơn Trạch (565 ha), Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu (90 ha), Khu dân cư thương mại Vị Thanh (83 ha)...
Với giá trị tồn kho, chi phí đầu tư dở dang đến 30/09/2020 của các dự án khoảng 3.506 tỷ đồng, khối lượng các năm tiếp theo còn khá lớn, đồng thời nguồn vốn cần tiếp tục thu xếp còn rất lớn.
Có thể thấy, đây là lợi thế lớn nhất của DIC Corp khi có các quỹ đất lớn và đang còn trong giai đoạn đầu, do vậy dư địa phát triển vẫn còn tiềm năng.
Để có nguồn vốn đối ứng thực hiện các dự án trên, vốn điều lệ của DIC Corp phải đạt trên 10.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2025 mới đảm bảo tỷ lệ đối ứng vốn đầu tư.
Vì theo luật kinh doanh bất động sản, vốn tự có của chủ đầu tư dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha và không thấp hơn 15% đối với các dự án có quy mô sử dụng đất trên 20 ha, vốn đối ứng của Chủ đầu tư khi triển khai phương án đầu tư bất động sản du lịch tối thiểu 30 - 40% tổng mức đầu tư.
Ông Tuấn khẳng định, nhu cầu vốn là có thực, so với nhiệm vụ trong 5 năm đã đề ra, hiện vốn của DIC Corp rất bất cập, do đó để thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ trong 5 năm, Công ty sẽ thực hiện theo các phương thức tăng vốn điều lệ như: phát hành cổ phần cho cổ đông, nhà đầu tư; giữ lại nguồn lợi nhuận bằng cách chia cổ tức bằng cổ phiếu; phát hành cổ phần cho cán bộ, nhân viên; phát hành trái phiếu chuyển đổi...
Trước mắt, trong năm 2021 DIC Corp sẽ thực hiện các đợt tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2019 tỷ lệ 10% trong quý I, chia cổ tức năm 2020 trong khoảng 15 - 18% trong quý II và quý III/2021, và phát hành 75 triệu cổ phiếu riêng lẻ.
Khi cổ đông hỏi về khả năng thành công của phương án phát hành thêm 75 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá chào bán dự kiến không thấp hơn 20.000 đồng/cổ phiếu, ông Nguyễn Thiện Tuấn giải thích đây là con số mà HĐQT đã cân nhắc, tuy nhiên các cổ đông lớn nắm trên 70% vốn đều thống nhất sau khi tờ trình được thông qua sẽ chung tay mua số cổ phiếu chào bán, do vậy không có lý do nào Công ty lại không kiểm soát được, kể cả về giá bán.