1. Sôi động giao dịch trước Tết Nguyên đán
Ghi nhận của trang tin batdongsan.com.vn, tại các khu vực ven TP.HCM như Q.9, Q.Thủ Đức, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh, những dự án căn hộ sắp hoàn thiện, bàn giao nhà vào quý I và quý II-2017 hoặc đất nền đã có sổ hồng ghi nhận sức mua tăng mạnh trước Tết Nguyên đán.
Chào thị trường 100 căn hộ từ tháng 11/2016, dự án Citizen (Trung Sơn, Bình Chánh) hiện chỉ còn khoảng hai căn chưa có chủ. Trong khi đó, gần 40 căn nhà phố của Công ty Htreal mở bán tháng 9/2016 hiện đã kín chỗ. Ngoài ra, 100 căn nhà phố liên kế Melosa Garden chỉ sau ba tuần mở bán đợt cuối đã có hơn 50 căn giao dịch thành công.
Ghi nhận tại một số dự án thuộc khu Nam và Tây Bắc TP.HCM trong các đợt mở bán gần đây, khá nhiều khách hàng sẵn sàng “xuống tiền” một lúc nhiều nền, vừa để đầu tư, vừa làm “của để dành”.
Tâm lý muốn về nhà mới trước Tết âm lịch là một trong các nguyên nhân khiến thanh khoản BĐS tăng dịp cuối năm. Tuy nhiên, sức mua tăng cao thời điểm trước Tết Nguyên đán cũng gây ra những hệ lụy nhất định.
Một số môi giới hoặc sàn BĐS đã có hiện tượng tự động nâng giá bán hoặc liên kết theo kiểu “bán hàng ngoài” để “kiếm lợi” từ khách mua. Trường hợp một nền đất rao bán với nhiều loại giá khác nhau đã và đang diễn ra tại một số khu vực “nóng” giao dịch bất động sản.
2. Hạ tầng, câu chuyện nóng cuối năm
Áp lực lên hạ tầng giao thông đang tăng lên khi thu nhập bình quân đầu người bước vào ngưỡng 3.000-10.000 USD/người/năm, theo quy luật phát triển đây là giai đoạn có tỷ lệ gia tăng nhanh chóng về tỷ lệ sở hữu ôtô cá nhân.
Cùng với sự tăng lên của các phương tiện giao thông và khả năng hạn chế trong việc mở rộng hệ thống đường sá tại khu vực trung tâm, nguy cơ tắc nghẽn giao thông đang trở nên ngày càng hiện hữu.
Cũng trong tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã triệu tập cuộc họp với lãnh đạo TP Hà Nội và các bộ ngành bàn giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn. Thủ tướng yêu cầu Hà Nội quản lý tốt quy hoạch đô thị, “chưa xây dựng nhà cao tầng khi phương án giao thông chưa có lối ra”.
“Trước mắt trong 5 năm tới, phải cơ bản hạn chế, chống ùn tắc bằng các biện pháp hết sức cụ thể và tập trung”, Thủ tướng nói và đồng tình với việc Hà Nội xã hội hóa mạnh mẽ nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên huy động nguồn lực trong nước để không làm tăng nợ công.
3. Cư dân Home City Trung Kính “bức xúc” với Chủ đầu tư
Theo phản ánh của cư dân Chung cư Home City Trung Kính (Hà Nội), các sai phạm của chủ đầu tư gồm chưa được cấp điện cấp nước sau 10 ngày giao nhà; tự ý ra văn bản áp đặt phí đặt cọc thu phí sửa chữa, lắp đặt nội thất, phí rác thải khi chưa có sự đồng ý, nhất trí của cư dân.
Ngoài ra, chỉ định đơn vị quản lý tòa nhà nhưng không thông báo cho cư dân biết, trong khi đơn vị quản lý mới thành lập, chưa có kinh nghiệm quản lý, vận hành tòa nhà; năng lực không tương xứng với mức phí dịch vụ thu của cư dân….
Về lối đi, trong Hợp đồng mua bán căn hộ và tất cả các văn bản liên quan đến Dự án Home City, chủ đầu tư đều lấy địa chỉ là 177 Trung Kính, Tổ 51, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội làm địa chỉ chính thức. Tuy nhiên, kể từ khi bàn giao nhà cho cư dân, chủ đầu tư đã cho bảo vệ chặn lối đi này, yêu cầu tất cả cư dân phải đi lối ra đường Nguyễn Chánh...
Chuyển động địa ốc
Ngày 17/1, CTCP Intimex Việt Nam, một thành viên của Tập đoàn BRG chính thức động thổ khởi động dự án khách sạn 6 sao Four Seasons Hà Nội bên Hồ Hoàn Kiếm, trung tâm của Thủ đô Hà Nội. Đây là khách sạn đầu tiên tại Hà Nội mang thương hiệu Four Seasons - tập đoàn khách sạn hàng đầu thế giới có 47,5% vốn đầu tư của tỷ phú Mỹ Bill Gates.
Sáng 17/1, tại Hà Nội, lễ ký kết hợp đồng về thiết kế, cung cấp và lắp đặt hệ thống metro đầu tiên tại Hà Nội đã được diễn ra giữa Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) với liên danh các nhà thầu Pháp do Alstom đứng đầu cùng Colas Rail và Thales.
Tổng giá trị hợp đồng tương đương 7.667 tỷ đồng. Alstom cam kết dự án sẽ được thực hiện với tổng thời gian lắp đặt là 47 tháng. Theo thiết kế, tuyến metro này sẽ chuyên chở 8.600 hành khách mỗi giờ theo mỗi chiều.