1. Hiểu đúng về hơn 100 dự án đang “thế chấp” ngân hàng
Vụ ngân hàng BIDV thông báo siết nợ chung cư The Harmona (Q.Tân Bình, TP.HCM) từng gây xôn xao dư luận
Sở Tài nguyên - Môi trường TP. HCM vừa công bố danh sách 77 dự án bất động sản trên địa bàn đang thế chấp quyền sử dụng đất tại các ngân hàng. Tại Hà Nội, một danh sách tương tự với hơn 30 dự án cũng vừa được công khai. Sự kiện này ngay lập tức làm thị trường bất động sản nóng lên trong tuần qua.
Có thể nói, việc danh sách này được công bố ở thời điểm những sự cố liên quan đến các dự án "thế chấp" ngân hàng liên tiếp xuất hiện gần đây như vụ ngân hàng BIDV thông báo siết nợ chung cư The Harmona, lùm xùm tại chung cư Bảy Hiền Tower, rồi tới nghi án của chung cư Dophin Plaza (Hà Nội)… đã gây ra tâm lý hoang mang nhất định cho người dân.
Về phía các chủ đầu tư, quan điểm của nhóm này là việc bêu tên các dự án “cầm cố” ngân hàng gây hiểu lầm cho cư dân và người mua nhà bởi việc doanh nghiệp địa ốc phải vay tiền ngân hàng để thực hiện dự án là điều bình thường và hợp pháp. Đặc biệt, việc dự án muốn được bảo lãnh của ngân hàng để đủ điều kiện bán thì chủ đầu tư phải cầm cố dự án đó cho ngân hàng.
Ngoài ra, đại diện một số chủ đầu tư lớn cho rằng, “nếu đánh đồng những dự án lớn và uy tín với những dự án nhỏ và đã cầm cố ngân hàng, bán hết dự án nhưng vẫn không chi trả tiền cho ngân hàng theo kiểu vơ đũa cả nắm là không được và vô tình tạo ra tiếng xấu cho doanh nghiệp”.
Về phía cơ quan chức năng, lãnh đạo Văn phòng đăng ký đất đai TP HCM (thuộc Sở Tài nguyên Môi trường) thừa nhận sau khi công bố danh sách 77 dự án đang thế chấp tại ngân hàng, một số doanh nghiệp đã có phản hồi nhanh chóng. Đa số ý kiến cho rằng danh sách công bố các dự án còn quá ít so với thực tế, không có sự phân loại tình trạng và mục đích thế chấp.
Đại diện Văn phòng cho biết việc công bố thông tin này nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiếu thông tin của người tham giai giao dịch bất động sản, tuy nhiên, thừa nhận do mới công bố lần đầu nên chưa có điều kiện khảo sát ý kiến của người dân và doanh nghiệp. Trong thời gian tới, tổ công tác sẽ tiến tới cập nhật thêm thông tin dự án đang tiến hành giải chấp và một số nội dung liên quan để người dân nắm rõ.
2. Thêm cơ hội vay mua nhà ở xã hội
Theo thông tin mới nhất, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành thông tư chính thức cho phép giải ngân gói 30.000 tỷ đồng đến hết ngày 31/12/2016 đối với các hợp đồng tín dụng của cá nhân ký trước ngày 31/3/2016 và được ngân hàng báo cáo Ngân hàng Nhà nước tại báo cáo định kỳ số liệu đến ngày 10/5/2016.
Trong khi đó, theo Tiền Phong, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cũng vừa ban hành văn bản Hướng dẫn nghiệp vụ cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở. Văn bản có hiệu lực từ 15/8.
Theo NHCS, lãi suất cho vay do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho từng thời kỳ. Đến hết ngày 31/12/2016, lãi suất cho vay của chương trình là 4,8%/năm theo Quyết định số 1013/QĐ-TTg ngày 06/06/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Thời hạn cho vay tối thiểu là 15 năm và tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên. Về hạn mức cho vay, tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê mua nhà ở xã hội. Trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở: Mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án tính toán giá thành và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.
3. M&A bất động sản tiếp tục sôi động nhờ nhà đầu tư ngoại
Đại diện Jones Lang Lasalle (JLL Vietnam) vừa cho biết, quý II/2016, thị trường mua bán sáp nhập (M&A) bất động sản tiếp tục diễn ra sôi động với giá trị giao dịch duy trì ở mức cao và hoạt động đầu tư diễn ra đa dạng.
Cụ thể, theo JLL, phía nhận chuyển nhượng trong các giao dịch được ghi nhận trong quý phần lớn là các nhà đầu tư nước ngoài, đến từ nhiều quốc gia và quan tâm đến nhiều loại hình bất động sản khác nhau của thị trường. Xét về địa bàn đầu tư thì Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục là thị trường sôi động nhất.
Các giao dịch đáng chú ý được ghi nhận trong quý II/2016 bao gồm khu đất G Homes tại Quận 2, TP. HCM (được quy hoạch phát triển bất động sản nhà ở), khu đất Trần Hưng Đạo tại Quận 1, TP. HCM (được quy hoạch phát triển bất động sản thương mại), tòa nhà Kumho Asiana Plaza tại Quận 1, TP. HCM (tòa nhà phức hợp, bao gồm văn phòng, khối đế bán lẻ, khách sạn và căn hộ dịch vụ, đang hoạt động)...
Tại Trà Vinh, ngày 28/7, Khu Nhà phố thương mại Vincom Shophouse Trà Vinh do tập đoàn Vingroup đầu tư xây dựng chính thức ra mắt thị trường.
Vincom Shophouse Trà Vinh nằm trong tổ hợp TTTM - Shophouse Vincom rộng hơn 9.100m2, tọa lạc ngay trung tâm thành phố Trà Vinh. Dự án được thiết kế hiện đại và quy hoạch thành hai khu Phú Gia 1 và Phú Gia 2.
Tại TP.Hồ Chí Minh, ngày 31/7, LDG Group mở bán đất nền nhà phố thương mại Đồng Nai. Cụ thể, LDG Group sẽ triển khai ra thị trường khoảng 200 sản phẩm đất nền nhà phố nằm ngay mặt tiền đường vành đai rộng 47m nối từ TP.HCM - khu công nghệ cao Giang Điền (Đồng Nai) ngang qua dự án The Viva City tới sân bay Long Thành.
Với diện tích hơn 117ha, dự án The Viva city nằm ngay cửa ngõ đi vào TP HCM và TP Biên Hòa - đầu mối của nhiều tuyến giao thông huyết mạch. Bên cạnh lợi thế về vị trí, dự án The Viva city còn gây chú ý bởi cơ sở hạ tầng hoàn thiện và nhiều tiện ích hiện đại như trung tâm thương mại, khu vui chơi - giải trí - thể thao, trường học quốc tế, bệnh viện, công viên cây xanh...
Tại Hà Nội, ngày 30/7, Tân Hoàng Minh ra mắt tòa B dự án D'. Le Roi Soleil Quảng An, Hồ Tây, Hà Nội. Mỗi căn có giá bán từ 5 tỷ đồng. Tuy nhiên với chính sách thanh toán linh hoạt, chỉ từ 750 triệu đồng đến 2 tỷ đồng, khách hàng có thể sở hữu một căn hộ hạng sang ven Hồ Tây.
D’. Le Roi Soleil Quảng An xây dựng trên khu đất gần 10.000 m2 tại số 2 Đặng Thai Mai, phường Quảng An, quận Tây Hồ với hai tòa tháp căn hộ cao 25 tầng, một tòa tháp dịch vụ 8 tầng và 5 tầng hầm đáp ứng nhu cầu đỗ xe của toàn bộ cư dân và khách hàng.