1. Câu chuyện thứ nhất liên quan đến báo cáo về vốn FDI trong 6 tháng đầu năm. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư), nửa đầu năm nay, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 4,8 tỷ USD, chiếm 70,2% tổng số vốn.
Bất động sản là lĩnh vực đứng thứ ba về thu hút vốn FDI, với 16 dự án đăng ký mới. Tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 692,3 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2013, số vốn ngoại cấp mới và tăng thêm của lĩnh vực kinh doanh bất động sản tăng hơn 270 triệu USD. (Gần 700 triệu đôla vốn ngoại đổ vào bất động sản, VNExpress, 26/6 ).
TP. HCM là địa phương thu hút nguồn vốn này cao nhất. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM, vốn FDI vào bất động sản chiếm tỷ lệ cao nhất, với 386 triệu USD trong tổng số 1,08 tỷ USD, tức chiếm gần 40% tổng vốn FDI cam kết vào Thành phố. (TP. HCM: Vốn FDI đổ mạnh vào bất động sản, Lao động 26/6/2014.)
Các chuyên gia trong ngành đánh giá thị trường bất động sản trong nước đang ở giai đoạn vừa "chạm đáy" và có những dấu hiệu phục hồi, nên các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, đặc biệt là ở các đô thị lớn như TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng... nhằm đón đầu một chu kỳ tăng trưởng mới sau một thời gian dài trầm lắng. Ngoài các yếu tố hỗ trợ về nguồn vốn, việc sửa đổi Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 1/7 sắp tới đây với các thay đổi hỗ trợ thủ tục hành chính cũng có thể sẽ là một tác động làm tăng hấp dẫn dòng vốn ngoại vào thị trường bất động sản Việt Nam.
Thị trường bất động sản nhiều lần chứng kiến sự thắng thua liên quan tới số tiền chủ đầu tư sở hữu. Các chủ đầu tư trong nước ngoài “sự hiểu biết” thị trường thì vốn chủ yếu là đi vay, đọ với chủ đầu tư ngoại (cũng có khi là vốn vay) thì vẫn chưa cùng đẳng cấp!
2. Câu chuyện thứ hai không mới, nhưng một lần nữa lại gây nóng trong cuộc đối thoại với doanh nghiệp do Bộ Tài nguyên Môi trường và VCCI tổ chức giữa tuần này, đó là vấn đề thủ tục “chạy” dự án quá phức tạp, mất thời gian. (Doanh nghiệp bất động sản lại kêu bạc mặt vì thủ tục dự án, VNExpress, 26/6)
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam xin thêm thời gian vì “3 phút không thể nói hết những bức xúc của doanh nghiệp”. Vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc GP Invest nhận định, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai phức tạp như "thiên la địa võng" vẫn tiếp tục gây khó cho nhà đầu tư.
Ông Hiệp dẫn chứng, khi làm một dự án, doanh nghiệp phải xin định hướng của UBND Thành phố. Thành phố không trực tiếp trả lời mà tham vấn qua 6 mối như Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên môi trường... Sau khi có được ý kiến chấp thuận đầu tư, doanh nghiệp lại phải chờ xin giấy phép quy hoạch thông qua 6 mối "y chang như trước".
Một cuộc khảo sát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và USAID tiến hành gần đây cho thấy, khoảng 55% số doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến đất đai trong năm 2013.
“Sự hiểu biết” thị trường của nhà đầu tư trong nước nhiều khi là… chưa đủ. “Hiểu” chưa chắc đã đi cùng với “biết” để thủ tục trôi chảy.
3. Câu chuyện thứ ba gây nóng trong tuần là “phản pháo” của ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, chuyên gia được biết đến với những phát ngôn thẳng thắn, không ngại động chạm, trước số liệu tồn kho bất động của Bộ Xây dựng (Bizlive, 27/6).
Ông Đực thì nổi tiếng rồi! Ông cũng là người sở hữu số phát ngôn “gây sốc” trên thị trường địa ốc vào hàng kỷ lục. Nhưng lần này, “đối tượng” mà ông chọn là cơ quan chủ quản và cũng chưa thấy ai phản biện. Có thể lần này ông… đúng chăng (?!)
Theo ông Đực, con số công bố của Bộ Xây dựng về tổng giá trị tồn kho bất động sản trên cả nước trong 5 tháng đầu năm nay đã giảm 45.029 tỷ đồng so với quý I/2013 là 125.450 tỷ đồng, tức giảm hơn 35% “là con số không chính xác” và “tồn kho theo số liệu và tồn kho thực tế chênh lệch nhau rất nhiều”.
Ông Đực còn chỉ ra, những khu biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang không thể bán được vì giá cao, xa trung tâm hoặc hạ tầng kỹ thuật chưa tốt. Mặt khác, Những dự án này phải chấp nhận “chết” vì người bán rất đông mà người mua không có. Căn hộ diện tích lớn cũng trong tình trạng tương tự, vì cao giá và diện tích lớn nên thị trường không chấp nhận. Một số có thể hồi sinh bằng cách bán “rẻ như bèo” hoặc chia nhỏ căn hộ, nhưng hiện nay TP. HCM lại không chấp thuận phương án chia nhỏ này.
Cứ nhìn nhiều dự án biệt thự vùng ven được bà con nông dân Hà Nội tận dụng làm sân phơi thóc lúa, rơm rạ hay người dân Đồng Nai, TP. HCM nuôi chim yến, nhốt gà thì thấy nhận định của ông Đực không phải không có lý.
4. Câu chuyện thứ tư liên quan đến việc “mua nhà ưu đãi”, (Mua nhà suất ưu đãi thành ngược đãi, VnExpress, 27/6)
Chi 2 tỷ đồng cho suất mua ưu đãi với giá…tương đương trên thị trường (21,36 triệu đồng/m2) tại Dự án PetroVietnam Landmark (quận 2, TP. HCM) từ 2010, nhưng đến nay, khách hàng vẫn chưa được nhận nhà mà giá thị trường đã rớt thảm tới 30 - 40%.
Hàng chục khách hàng mua căn hộ tại đây vào tháng 10/2011 khi chủ đầu tư- CTCP Địa ốc Dầu khí tuyên bố bán tháo vì áp lực trả nợ. Theo quy định của chủ đầu tư, khách hàng mua nhà bán tháo đợt này phải thanh toán 100% giá trị căn hộ. Vì thế, dù dự án chưa bàn giao, Công ty Đông Hàn đã dốc hầu bao đóng 7,4 tỷ đồng để gom 3 căn hộ, rồi sớm thất vọng vì đến nay dự án vẫn ì ạch.
Trung tuần tháng 4/2014, tại phiên tòa xét xử khiếu kiện của khách hàng, đại diện chủ đầu tư Dự án PetroVietnam Landmark tuy khẳng định sẽ nỗ lực hoàn thiện dự án nhưng không thể xác định thời gian bàn giao nhà cụ thể.
Theo Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành Nguyễn Văn Đực: “Nguyên tắc bất di bất dịch là đã bán đổ bán tháo hay ưu đãi thì đều có xác suất rủi ro cao".
Trời, chuyện ứng xử như này của chủ đầu tư quá là… bình thường, nhiều trường hợp còn thảm hơn rất nhiều. Nỗi khổ luôn thuộc về người mua nhà, và cái hay là trong lĩnh vực bất động sản, câu chuyện hình sự hóa các vấn đề kinh tế hình như cũng… không nhiều!
5. Câu chuyện thứ năm liên quan đến một phân khúc khác của bất động sản, đó là câu chuyện các doanh nghiệp tư nhân đầu tư bến xe đang chết dở vì không có khách do chính quyền không thực hiện phân luồng phân tuyến giao thông như quy hoạch ban đầu (Chính quyền 'lật kèo': Bến xe cực hiện đại vắng hơn chùa Bà Đanh?, Tiền Phong, 28/6).
Ngày 27/6, tại Đà Nẵng, lần đầu tiên, Bộ GTVT tổ chức một diễn đàn cho hơn 150 chủ các bến xe tư nhân, bến xe xã hội hóa trên cả nước. Đây cũng là hội nghị lớn nhất về bến xe khách từ trước đến nay.
Được lãnh đạo Bộ trưởng Giao thông Vận tải “cho nói”, nhiều ông chủ bến tư nhân đồng loạt tố khổ. Ông Nguyễn Hữu Luân, đại diện Công ty Phương Trang Đà Lạt, kể: Doanh nghiệp ông đầu tư 50 tỷ đồng xây dựng bến xe được ví như “nhà ga hàng không mặt đất” tại Đà Lạt, nhưng đến nay bến vắng hoe, thu không đủ bù chi. Trong khi đó, tại đây vẫn còn nhiều bến xe dù. Điều vô lý là, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng lại chấp thuận cho một doanh nghiệp khác lập một bến xe (không nằm trong quy hoạch) gần đó.
Đại diện Tập đoàn Đức Long Gia Lai, nhà đầu tư bến xe phía Nam TP. Đà Nẵng cũng bộc bạch về thảm cảnh một bến xe có cơ sở vật chất đáng mơ ước, nhưng chỉ có 2 chuyến xe/ngày. Sự khốn khổ của phía Đức Long là, sau khi hoàn thành bến xe mới, chính quyền Đà Nẵng không điều chuyển các tuyến xe chạy về đây, vẫn duy trì cho xe chạy về bến xe Trung tâm Thành phố.
Vấn đề luồng tuyến xe khách là yếu tố sống còn đối với các bến xe tư nhân. Các bến xe nhà nước (hoặc đã cổ phần hóa) được xây dựng trước đây thường có vị trí trung tâm, gần khu dân cư, nhu cầu xe khách đi/đến nhiều. Còn các bến tư nhân mới đầu tư thường ở vị trí xa trung tâm, đương nhiên ít xe khách tìm đến.
Các địa phương chưa có bến xe tư nhân qua các vụ việc này cũng nên nhớ giúp câu nói của doanh nghiệp tại Hội nghị: “Chúng tôi đầu tư là theo quy hoạch và sự mời gọi đầu tư”. Đừng để hết kỳ, câu chuyện lại khác.
Bến xe do Đức Long Gia Lai đầu tư tại Đà Nẵng với chi phí hơn 100 tỷ đồng và... không được điều tuyến.
Trong tuần, thị trường bất động sản Hà Nội chứng kiến nhiều đợt mở bán. Tại Hà Nội, Siêu thị dự án Bất động sản STDA mở bán độc quyền tòa nhà D thuộc Dự án chung cư cao cấp Mulberry Lane. Dự án Mulberry Lane bao gồm 5 tòa nhà A,B,C,D,E, với 1.478 căn hộ cao cấp, nằm trong quần thể Khu đô thị Mỗ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội, được chủ đầu tư CapitaLand kết hợp với Công ty Đầu tư và Phát triển hạ tầng Hoàng Thành xây dựng theo mô hình dự án xanh. Giá bán căn hộ khoảng 29,5 triệu đồng/m2.
Nằm ở vị trí trung tâm trong 5 tòa nhà của dự án, tòa D đã được hoàn thiện nội thất cao cấp như sàn gỗ, tủ bếp, thiết bị bếp, bồn tắm, điều hòa ... và các thiết bị đi kèm khác, sẵn sàng đi vào sử dụng từ tháng 1/2014. Hiện có tới 50% số căn hộ đã được bàn giao cho khách hàng và chuyển tới sinh sống tại đây.
Trong đợt mở bán này, 50 khách hàng đầu tiên sẽ được miễn phí quản lý 5 năm, miễn phí gửi xe 3 năm (một ôtô, hai xe máy cho mỗi căn hộ).
Cách đó hơn chục km, nằm trên đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, chủ dự án Khu phức hợp Indochina Plaza Hanoi (IPH) công bố mở bán 16 căn hộ cuối, gồm 12 căn hộ và 4 penhouse. Theo chủ đầu tư IPH, khách hàng có thể ở ngay hoặc cho thuê căn hộ tại đây. Nguồn khách có nhu cầu thuê tại IPH là những doanh nhân nước ngoài, chuyên gia Nhật Bản và phương Tây có yêu cầu cao về không gian sống. Hầu hết khách thuê căn hộ IPH với hợp đồng dài hạn và đánh giá cao về thiết kế kiến trúc, nội thất, cơ sở tiện ích chất lượng cao của khu phức hợp từng dành được nhiều giải thưởng quốc tế này.
Ngày 28/6, Công ty Gamuda Land Việt Nam mở bán các căn biệt thự song lập và nhà liền kề thuộc giai đoạn một của Dự án Khu đô thị Gamuda Gardens vào sáng ngày 28/6. Khách hàng tham dự chương trình thanh toán 20% nhận nhà ngay, 80% còn lại sẽ trả trong vòng 42 tháng với 0% lãi suất. Khách hàng còn nhận được nhiều ưu đãi khác gồm miễn 2 năm phí quản lý, miễn 2 năm phí sử dụng Câu lạc bộ Gamuda Gardens, phiếu sử dụng nhà hàng và khu thể thao tại Câu lạc bộ Gamuda Gardens trị giá 1.000 USD, tặng 2.000 USD khi khách hàng chuyển vào ở trong vòng 12 tháng sau khi ký hợp đồng.
Trong ngày 28/6, Gamuda Land Việt Nam khai trương tuyến đường kết nối cổng phía Tây của dự án với đường Tam Trinh, giúp rút ngắn thời gian đi vào trung tâm thành phố cho cư dân và khách tham quan.
Khu biệt thự của Gamuda Land vừa mở bán tại phía Nam Hà Nội
Cũng trong ngày 28/6, Sàn giao dịch bất động sản Hoàng Vương chính thức mở bán 500 căn hộ thuộc toà nhà B4 và B5 dự án Green Stars (234 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm) do CTCP Ngôi Sao An Bình làm chủ đầu tư.
Green Stars là hợp phần căn hộ cao tầng của Dự án Khu đô thị Thành phố giao lưu rộng 95 héc-ta, trong đó có hồ nước rộng 15 héc-ta và xung quanh là quảng trường, công viên và đường tản bộ. Theo thiết kế, Green Stars gồm 7 tòa nhà cao từ 21 - 27 tầng và 2 tầng hầm. Dự án được xây dựng trên khu đất rộng 34.646 m2 với mật độ xây dựng rất thấp, chỉ 29,61%. Hiện tại, dự án đã xây dựng đến tầng 3 và dự kiến sẽ bàn giao nhà vào cuối năm 2015.