Địa ốc 7 ngày: Đất Nhơn Trạch lên cơn sốt

(ĐTCK) Bộ trưởng Bộ Xây dựng gặp mặt và làm việc với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, vụ sập sàn chung cư tại Hà Nội và cơn "sốt đất" ở Nhơn Trạch (Đồng Nai) là các thông tin địa ốc đáng chú ý tuần qua.

1. Bộ trưởng xây dựng cảnh báo 3 bất ổn của thị trường địa ốc

Chiều ngày 12/8/2016, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng gặp mặt và làm việc với Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam. Tiếng nói doanh nghiệp đã  được chuyển tải thông qua ý kiến và kiến nghị của đại diện một số doanh nghiệp BĐS tiêu biểu như CEO Group, GP Invest, Tập đoàn FLC, Địa ốc Hoàng Quân…

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà chủ trì Hội Nghị 
Cụ thể, Ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Hoàng Quân “kêu” một số khó khăn trong kinh doanh nhà ở xã hội như Dự án nhà ở xã hội, luật yêu cầu chủ đầu tư phải công bố giá trước khi triển khai dự án. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai xây dựng có nhiều trường hợp bất khả kháng xảy ra như giá thép tăng. Ông Tuấn kiến nghị Bộ Xây dựng có biện pháp để nguồn cung, giá nguyên vật liệu cho dự án nhà ở xã hội ổn định.

 Bà Hương Trần Kiều Dung, CEO FLC Group kiến nghị tiếp tục có chính sách kích cầu thay gói 30.000 tỷ. Trong khi đó, Chủ tịch GP Invest than thở, cùng thời điểm, có tới 3 đoàn thanh tra làm việc với doanh nghiệp. Chẳng hạn như Thanh tra của Cục thuế, Thanh tra Thành phố, Thanh tra quận Hoàng Mai, mặc dù Thủ tướng đã có yêu cầu trong cùng 1 thời điểm chỉ nên có 1 đoàn thanh tra.

Cũng tại Hội Nghị, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đã cảnh báo 3 dấu hiệu bất ổn của thị trường bất động sản. Theo Bộ trưởng, có 3 yếu tố đang diễn ra trên thị trường phải đặc biệt lưu ý. Thứ nhất là lệch pha trong nguồn cung. Nguồn cung căn hộ cao cấp, BĐS nghỉ dưỡng nhiều hơn nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp dẫn tới khả năng cuối năm 2016 và đầu năm 2017, thị trường dư thừa nguồn cung cao cấp nhưng thiếu nhà cho người thu nhập thấp.

Thứ hai, tốc độ tăng dư nợ tín dụng dù vẫn ở giới hạn an toàn (8%). Tuy nhiên, phần lớn tập chung vào sản phẩm cao cấp hoặc tập trung vào 1 số nhà đầu tư. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu không kiểm soát tốt tài chính. Thứ ba, thị trường đã bắt đầu có đầu cơ mặc dù chưa phải phổ biến, dự án tăng từ 3-7%, cục bộ ở một số dự án có sự tăng giá cao hơn rất nhiều.

2. Sốt đất ở Nhơn Trạch, Đồng Nai sau chủ trương xây cầu Cát Lái

Đầu tháng 8, Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý chủ trương cho phép bổ sung quy hoạch 2 cây cầu thay thế bến phà Cát Lái (nối TP.HCM với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) và Bình Khánh (nối huyện Cần Giờ và Nhà Bè).

Thông tin này đã thổi bùng cơn sóng ngầm đầu tư bất động sản Nhơn Trạch (Đồng Nai). Thực tế, cơn sóng này đã  lan truyền trong giới buôn địa ốc trước đó nhiều tháng liền khi UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng cho phép xây cầu Cát Lái 5.700 tỷ đồng, bắc từ TP.HCM qua Nhơn Trạch.

Hoạt động chào mời dự án diễn ra nhộn nhịn tại Nhơn Trạch
 Theo Khảo sát, giá nhà đất ký gửi tại huyện Nhơn Trạch hiện đã tăng lên khoảng 30% so với trước. Không chỉ Nhơn Trạch, mà những địa bàn khác như Long Thành, Biên Hòa, thị trường cũng ấm lên nhờ hàng loạt những thông tin khác về các dự án tầng như: tuyến metro từ TP.HCM xuống ngã tư Vũng Tàu, làm sân bay Long Thành.

Theo Vnexpress, hiện nay hoạt động chào mời dự án diễn ra nhộn nhịn ngay tại các tuyến đường của các xã, thị trấn thuộc Huyện Nhơn Trạch. Đối tượng đầu tư tại Nhơn Trạch hiện nay gồm: dân địa phương mua làm của để dành hoặc dùng để ở và nhà đầu tư từ địa phương khác tới.

Hiện Đồng Nai có hơn 200 dự án bất động sản lớn nhỏ, trong đó có khoảng một chục dự án có vốn vài trăm triệu USD trở lên. Sức hút từ thông tin kết nối hạ tầng giao thông đang đánh thức tiềm năng của một vùng đất vốn "ngủ yên" hàng chục năm dài.

3. Hà Nội: dân hoang mang khi sàn chung cư sập sâu gần nửa mét

Khoảng 22h đêm 12/8, gần 20m2 sàn nhà của khu chung cư N5 Đồng Tàu (Hoàng Mai, Hà Nội) bất ngờ sập xuống trong đêm khiến hàng chục hộ dân hoang mang, sợ hãi. Tại hiện trường, sàn nhà đã bị sụt lún sâu, toàn bộ diện tích gạch hoa xung quanh bị vỡ, để lộ ra những vết nứt lớn.

 
Một số cư dân tòa nhà cho biết, nguyên nhân xảy ra vụ việc có thể là do diện tích khu chung cư trước kia là ao hồ nên khi thi công, đơn vị thi công đổ cát vào không đầm kỹ dẫn tới hiện tượng sụt lún gây rỗng bên dưới.
Trước đó, năm 2014, phía sàn trước cửa thang máy và toàn bộ nền trong nhà gửi xe của tòa nhà cũng bị sập nhưng đã được khắc phục sửa chữa.

Được biết khu tái định cư Đồng Tàu có 10 tòa nhà với gần 700 căn hộ (trong đó 2 tòa nhà mới đi vào hoạt động) trước đây phục vụ cho việc giải phóng mặt bằng dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 2 và 3. Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội được giao quản lý khu vực này.

Riêng tòa N5 có 64 hộ dân được đưa vào sử dụng từ năm 2007. Tuy nhiên, các tòa nhà tại đây liên tục lộ ra những hư hỏng như thang máy liên tục trục trặc, nhà bị thấm nước,…

Chuyển động địa ốc

Ngày 8/8/2016, Liên hiệp Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp Đồng Nai (DonaCoop), Công ty CP Dịch vụ Bất động sản EXIMRS và Ngân hàng Thương mại CP Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) đã chính thức công bố dự án Khu đô thị Long Hưng.

 
Khu Đô thị Long Hưng nằm trong tổng thể dự án Dreamland City do Donacoop làm chủ đầu tư. Dreamland City tọa lạc tại xã Long Hưng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, có quy mô 1.300 ha bao gồm 5 dự án thành phần với tổng số vốn đầu tư ban đầu trên 2 tỷ USD.

Ngày 13/8, tại HVG – Flamingo Office, 127 Lò Đúc (Hà Nội), Flamingo tổ chức lễ bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần thứ 2 cho các chủ biệt thự Flamingo Đại Lải.

Hiện thực hóa những cam kết của công ty Cổ phần Hồng Hạc Đại Lải dành cho khách hàng, đến tháng 9/2016, hơn 100 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đợt mới sẽ được trao cho cộng đồng Flamingo, tương đương 95% các chủ biệt thự đã hoàn thiện thủ tục. Trước đó, hơn 40 biệt thự trong khu resort cũng đã được nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Anh Quốc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục