“Địa ngục” Foxconn

Bất cứ ai phàn nàn sẽ bị dọa: “Nếu không thích thì biến”. Ở Trung Quốc, luôn luôn có người sẵn sàng thế chỗ.

Trần ngó nghiêng chiếc máy tính bảng iPad đầy tò mò. Dù thường xuyên phải làm việc quá giờ tại một nhà máy chuyên sản xuất iPad ở miền Nam Trung Quốc nhưng chưa bao giờ, cô được nhìn thấy sản phẩm hoàn thiện cuối cùng.

“Đẹp quá, tôi muốn có một cái”, Trần thốt lên, ngón tay vuốt ve màn hình bóng loáng của iPad với vẻ vừa hào hứng, vừa như là kính cẩn.

Mạo hiểm tiết lộ

Cô sinh viên 18 tuổi này xuất thân từ một ngôi làng ven thành phố Chongqing và hiện là một trong số hơn 1 triệu công nhân đang làm việc tại chuỗi nhà máy của Foxconn. Họ là một phần quan trọng giúp Apple xây dựng được đế chế toàn cầu như hiện nay.

Phóng viên của CNN tình cờ gặp cô trên đường. Trông Trần có ngoại hình đặc trưng của một công nhân nhà máy tại Trung Quốc: trẻ, khỏe mạnh, mặc trang phục nhái hàng hiệu rẻ tiền. Phải mất nhiều giờ thuyết phục, Trần mới chịu đồng ý kể lại những gì mà cô mắt thấy tai nghe, trực tiếp trải nghiệm tại Foxconn. Nếu bị bắt gặp, cô không chỉ mất việc mà còn có thể bị buộc tội hình sự, Trần nói. Vì thế, bạn có thể yên tâm rằng, ngay cả họ Trần này cũng chỉ là một danh xưng tưởng tượng để bảo vệ cô gái mà thôi.

Chưa bao giờ, mối quan hệ giữa Apple và Foxconn lại thu hút nhiều sự chú ý như hiện nay. Và cả chỉ trích nữa, tất nhiên. Giới truyền thông đua nhau phanh phui điều kiện làm việc kinh khủng đằng sau bốn bức tường bí mật của Foxconn, và Apple cũng không thể tránh khỏi liên đới.

Hàng loạt vụ tự tử đã xảy ra cũng vì các công nhân không thể chịu đựng nổi hoàn cảnh sống ở nơi mà họ gọi là “địa ngục” này. Một làn sóng công nhân mới tiếp tục đe dọa sẽ tự tử, nếu như tình hình không sớm cải thiện.

Thiết quân luật

Giờ làm việc dài tới mức bất tận và không thể lường trước, một nền văn hóa thiết quân luật, không được phép nói chuyện riêng bên trong nhà máy, lương thấp... đó chỉ là vài trong số rất nhiều những lời cáo buộc mà các tổ chức công đoàn đã nêu ra. Sự thiết quân luật thể hiện ở việc: họ phải chịu giám sát, phục tùng tuyệt đối và không bao giờ được phép thách thức cấp trên.

Là một sinh viên nghèo, không có kinh nghiệm làm việc trước đó, việc tìm việc làm thêm tại một thị trường như Trung Quốc quả thực khốc liệt. Vì thế, ngay khi nhận được lời rủ làm việc một tháng nhân dịp Tết âm lịch với những lời hứa như nhiều quyền lợi, không phải làm việc quá giờ, Trần đã chộp ngay lấy cơ hội. Nhưng chẳng bao lâu, cô vỡ mộng khi nhận thấy, chỉ có những nhân viên kỳ cựu mới được hưởng các quyền lợi đó.

Foxconn và Apple luôn đưa ra lý lẽ để bảo vệ mình. Foxconn tuyên bố điều kiện làm việc như vậy đã là khá hơn hầu hết các nơi khác ở Trung Quốc. Họ thậm chí còn có bể bơi, trung tâm y tế và hội đồng luật sư.

Về phần mình, hôm Chủ nhật vừa qua, Apple đã ra thông cáo khẳng định, họ “quan tâm tới từng công nhân trong chuỗi cung ứng toàn cầu” và cam kết tất cả các đối tác của mình đều cung cấp “điều kiện làm việc an toàn, đối đãi nhân viên với sự tôn trọng và áp dụng quy trình sản xuất thân thiện với môi trường”.

Tất cả các đối tác đều phải đáp ứng được những yêu cầu nói trên, nếu như họ muốn làm ăn với Apple.

Mặc dù vậy, khi nghe đọc về thông cáo đó, Trần tỏ ra rất hờ hững. “Apple có thể quan tâm, nhưng tôi không thấy bất cứ điều gì có ý nghĩa”.

"Nữ như nam, nam như con vật"

Các công nhân ở Foxconn làm việc quần quật suốt ngày nhưng chỉ được ăn rất ít, thức ăn lèo tèo, nhận lương thấp và cảm giác bị đối xử như “con vật”. Bất cứ ai phàn nàn sẽ bị dọa: “Nếu không thích thì biến”. Ở Trung Quốc, luôn luôn có người sẵn sàng thế chỗ của bạn.

“Ở Foxconn, chúng tôi có một câu châm ngôn là phụ nữ làm việc như đàn ông, còn đàn ông thì làm như cái máy. Hoặc nói cho chính xác hơn, phụ nữ làm việc như đàn ông, còn đàn ông thì làm việc như con vật”.

 Làm việc, làm việc, làm việc. Đó là cuộc sống của chúng tôi. Thường xuyên làm tới 60 giờ mỗi tuần, thậm chí hơn để được nhận những đồng thưởng quá giờ quý giá. Trần nhận được khoảng 200 USD mỗi tháng.

 “Con vật” là từ mà Trần nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Foxconn giống như một sở thú, hay một chiếc lồng khổng lồ, thích làm mọi thứ để đảm bảo rằng có thể kiểm soát được các công nhân của họ. Công nhân ăn và ngủ bên trong các phòng tập thể, đến và về trên những chiếc xe đưa đón của nhà máy, có cả nhân viên bảo vệ trang bị vũ khí áp tải.

Khi các hãng truyền hình phương tây tới quay phim, họ luôn bị theo dõi một cách bí mật. Trong trường hợp của CNN, đó là một chiếc xe màu trắng bám theo họ như hình với bóng.

Sau những vụ tự tử gây rùm beng hồi cuối năm 2010, Foxconn đã phải trấn an dư luận bằng cách cam kết tăng lương cho công nhân, giảm giờ làm và khiến mọi công nhân cảm thấy “vui vẻ, mãn nguyện”.

Song từ cách mà Trần nói chuyện, có thể thấy, cô cũng như những người còn lại, chẳng hề cảm thấy vui vẻ chút nào. Họ đã chịu đựng quá đủ.


VNN

Tin cùng chuyên mục