Thoạt tiên, tòa nhà số 7 Lê Duẩn, TP.HCM (vốn là nơi đặt Trung tâm Điện toán của Phủ Thủ tướng thời chế độ cũ) được chọn làm trụ sở của sàn chứng khoán đầu tiên của Việt Nam.
Lý do chọn có lẽ là các lãnh đạo hình dung thị trường chứng khoán sẽ bao gồm sàn giao dịch và hệ thống máy tính (Trung tâm điện toán Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa nằm cạnh Phủ Thủ tướng đường Thống Nhất, Sài Gòn, được trang bị mạnh ngang với Trung tâm Điện toán tiếp vận của quân đội, giàn máy IBM 360/50 thứ nhì ở Việt Nam do Cơ quan Viện trợ của Chính phủ Hoa Kỳ (USAID) trao lại.
Toàn vùng Đông Nam Á không máy điện toán nào hùng hậu hơn hai giàn máy ở Việt Nam).
Chúng tôi đi cùng một số lãnh đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước qua đó đã thấy họ dỡ bỏ bàn ghế trong hội trường để chuẩn bị bàn giao lại. Có người bên đó nói, chứng khoán chọn chỗ này làm chi, chật mà lại không nằm ở khu tài chính.
Tưởng nói chơi, cuối cùng hóa thật. Kết quả cuối cùng trụ sở của Sở được đổi sang 45 - 47 Bến Chương Dương. So với số 7 Lê Duẩn thì chỗ này quả là “một trời một vực”. Khu nhà ở số 7 Lê Duẩn dù nằm ở khu phố sang trọng, nhưng lại hơi nhỏ và cách xa phố tài chính.
Còn tòa nhà hội trường Diên Hồng tọa lạc trong khu đất rộng 6.500 m2, trước mặt là đường Bến Chương Dương, bên trái là Nam Kỳ Khởi Nghĩa, sau lưng là Nguyễn Công Trứ, mà tôi vẫn gọi đùa là Nguyễn Cộng Trừ cho đúng bản chất xanh xanh đỏ đỏ của thị trường chứng khoán.
Hội trường Diên Hồng có lịch sử lâu đời, được xây vào năm 1924, chỉ sau công trình Bưu điện Thành phố, Nhà thờ Đức Bà, Ngân hàng Quốc gia. Hội trường Diên Hồng được xây theo phong cách Art Deco, bên trong có đại sảnh rộng thênh thang và các văn phòng thoáng đãng.
Thời Pháp thuộc, đây là trụ sở của Phòng Thương mại (giống như Phòng Thương mại và Công nghiệp hiện nay) được đặt ở đây. Vào những năm 1944 - 1945, Quân đội Thiên Hoàng Nhật biến nơi đây thành tổng hành dinh.
Sang thời Việt Nam Cộng hòa thì tòa nhà được đặt tên là hội trường Diên Hồng vào năm 1955 và làm trụ sở Nha Tổng giám đốc Kế hoạch, cũng là nơi hội họp của Nghiệp đoàn Thương gia và Kỹ nghệ gia. Từ năm 1967 đến năm 1975, đây là nơi đặt trụ sở của Thượng nghị viện và là nơi họp hành của thượng viện. Tổng thống khi nhậm chức cũng tuyên thệ ở đây.
Tòa nhà mang dáng con sư tử với mặt trước có 2 u cao lên, mặt sau đuôi sư tử là mái che dẫn sang tòa nhà B phía sau. Sở dĩ tòa nhà hình con sư tử tượng trưng cho tính hùng anh, trung thực và oai nghiêm vì người Tây chuộng và trọng buôn bán tới nỗi trước còn có trường phái kinh tế trọng thương nổi tiếng một thời.
Mặt tiền tòa nhà hướng ra rạch Bến Nghé, trước mặt là công viên Cầu Mống rộng rãi với tượng An Dương Vương nỏ thần nổi tiếng.
Chếch về bên trái là cầu Móng bằng sắt nổi tiếng ngày nay được sửa chữa bảo tồn. Vua Thục Phán với tư thế nhắm bắn đang giương nỏ thần góc 45 độ hướng chếch về phía quận 8, lưng ngài còn đeo kiếm và vai đeo ống tên.
Tượng nay cũng đã bị di dời khi thi công hầm Thủ Thiêm, dĩ nhiên thảm cỏ trước mặt cũng không còn.
Khi qua nhận bàn giao thì tòa nhà này có nhiều đơn vị trú đóng như Sở Thương mại Thành phố, Ban Quản lý khu Nam và rất nhiều đơn vị khác.
Trụ sở Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM từng là biểu tượng cho quyền lực của doanh nhân, quyền lực chính trị…
Việc bàn giao diễn ra nhanh chóng vì quyết tâm của Chính phủ, thiện chí của Thành phố và uy tín của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Khi đó, họ giữ gìn cẩn thận lắm, tấm đá ghi ngày khởi sự thi công và ngày hoàn thành của tòa nhà họ vẫn giữ để bàn giao.
Trong trang sử hào hùng của mình, Hội trường Diên Hồng có khoảng 4 năm làm nhiệm vụ giữ xe máy - chỗ giữ xe có lẽ hoành tráng nhất Việt Nam. Tòa nhà khi ấy không người ở nên chim yến về làm tổ rất nhiều.
Sau lưng Hội trường Diên Hồng còn có tòa nhà 4 tầng dành cho thư ký, nghị viên ở xa nghỉ lại khi họp hành trước 1975. Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM cũng hoạt động trong ngôi nhà 4 tầng này đến năm 2006, khi sửa xong tòa nhà chính Diên Hồng mới dọn qua và mới được làm việc trong phòng có máy lạnh.
Ngôi nhà B 4 tầng nay đã được thay thế bằng nhà mới 12 tầng. Một cuốn sổ lệnh mỏng để cho tòa nhà chính tựa vô theo thế trước có rạch sau có núi.
Cạnh nhà B hồi đó còn có biệt thự kiểu Pháp 2 tầng cổng quay ra Nguyễn Công Trứ nay bị phá đi sớm để xây trạm điện.
Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi đó là Bộ trưởng Bộ Tài chính rất quan tâm đến ngành chứng khoán nói chung và HOSE nói riêng.
Ông là người ủng hộ và thúc đẩy dự án xây mới nhà B. Tòa nhà Kho bạc TP.HCM ở Nguyễn Huệ cải tạo lại cũng theo ý tưởng của ông.
Khi nghe chuyện còn vướng bốt điện EEC trong khuôn viên HOSE, ông lập tức lấy điện thoại gọi cho Giám đốc Sở Điện lực Thành phố nhờ chỉ đạo di dời trạm điện ngay trong thời gian sớm nhất.
Năm 2006, tòa nhà sửa chữa xong mang tên Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM rồi đổi tên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đã chứng kiến những đợt xếp hàng đấu giá cổ phần hóa đông đúc như xếp hàng mua gạo thời bao cấp rồi tiếp đón Tổng thống Mỹ Bush…
Như vậy, trong lịch sử gần 100 năm của tòa nhà Diên Hồng, lần lượt từ trung tâm quyền lực của doanh nhân, chính trị tới ngày nay là biểu tượng về thị trường chứng khoán càng thấy với tòa nhà như thế, ngành chứng khoán được đặt ở vị trí địa lợi trong công cuộc phát triển. Nhớ lại thời ấy, mới thấy tầm của những người đã có quyết định sáng suốt trong việc xin lập Sở Giao dịch chứng khoán tại tòa nhà này.
Tác giả trước đây là Trưởng Ban kiểm soát Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và hiện là Phó Trưởng văn phòng đại diện UBCKNN tại TP.HCM.