Qua 18 quốc gia để săn lùng gà hiếm
Không phải là người trong giới chuyên môn mà xuất phát từ niềm đam mê, anh Trần Nhữ Giáp là một trong những người đầu tiên khởi xướng thú chơi chim, gà quý hiếm từ hơn 10 năm nay. Càng bước vào thú chơi này anh càng mê mải. Thế nên, những năm qua anh đã lặn lội qua 18 quốc gia để sưu tầm, săn lùng các giống chim, gà quý hiếm. Đọc trên báo, trên mạng thấy ở đâu có một loài quý hiếm là anh lại lập tức khăn gói lên đường tìm cách đưa bằng được về Việt Nam.
Anh Giáp chia sẻ, thời gian đầu gặp rất nhiều khó khăn do hạn chế về tài chính, kỹ thuật, kiến thức chuyên môn. Có những giống gà quý mà chỉ đủ tiền để mua vài con về để tìm cách phát triển nhưng do số lượng quá ít nên xác suất thành công khá thấp. Không ít lần tìm được giống quý nhưng do giá trị quá lớn nên đành ngậm ngùi bỏ qua. Thời gian đó, rất may là anh có được sợ giúp đỡ, hỗ trợ từ bạn bè bên nước ngoài, gửi từng quả trứng, một vài còn giống nhỏ để anh phát triển nhân giống.
Nhiều lần nhập được con giống quý hiếm từ nước ngoài về Việt Nam nhưng do khác biệt về khí hậu và thời tiết cũng như thiếu kinh nghiệm nuôi nên chúng đều lăn ra chết. Vậy là hàng chục triệu đồng và công sức đổ sông đổ biển. Tuy nhiên, sau những thất bại, anh lại tiếp tục kiên trì học hỏi từ các nhà khoa học và những người có chuyên môn. Ngoài ra, hàng năm anh vẫn bỏ ra một khoảng kinh phí không nhỏ để ra nước ngoài học hỏi kinh nghiệm tại các vườn nuôi, khu bảo tồn.
Sáu lần xuất ngoại để tìm một con gà “mặt quỷ”
Giống gà Phượng Vũ có xuất xứ từ Malaysia.
Hiện nay, anh Trần Nhữ Giáp đã gây dựng được 2 trang trại chuyên nuôi, nhân giống nhiều loài chim gà quý hiếm. Anh cho biết, chi phí để thuê nhân công, mua thức ăn đã tiêu tốn 200 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, do đã nhân giống thành công được nhiều loại chim gà quý hiếm nên nhiều người tìm đến mua và bước đầu đã có những nguồn thu để bù lại chi phí cho đam mê mà mình theo đuổi.
Trong trang trại của anh hiện giờ có nuôi hơn 15 giống gà quý hiếm của Việt Nam và các nước khác. Những giống gà thuần chủng trong nước như gà Chín cựa, gà Đông Tảo, gà rừng đều đã được nhân giống dễ dàng nên giá thành cũng hạ đi rất nhiều. Chẳng hạn gà Đông Tảo hay gà Chín cựa có giá bán chỉ khoảng 400.000 – 500.000 đồng/kg.
Đặc biệt, hiện tại trang trại của anh Giáp đang nuôi giống gà Lôi lam mào trắng. Đây là một giống gà được giới chơi coi là “vô giá” vì hiện chúng nằm trong nhóm có nguy cơ tuyệt chủng cao, việc bảo tồn, nhân giống cũng đang gặp nhiều khó khăn bởi không tìm được nguồn gene thuần chủng sinh sống tự nhiên.
Gà quý phi.
Ngoài ra, còn có những giống gà lạ được anh Giáp sưu tầm từ khắp nơi trên thế giới như gà khổng lồ Brahma có thể đạt mức cân siêu khủng lên đến 15 kg. Gà Lôi lam lưng lửa có xuất xứ từ Hà Lan cũng thuộc loại cực kỳ quý hiếm được nhập về theo chương trình trao tặng nguồn gene. Giống gà này đang được anh Giáp nỗ lực tìm cách nhân giống nên chưa được bán ra thị trường nhưng ước tính giá trị hiện tại của nó vào khoảng 80 triệu đồng/cặp. Hay loại gà Quý Phi luôn được dân chơi hiếu kỳ tìm mọi cách sưu tầm mua bằng được. Giống gà Quý Phi có bộ lông đẹp và bắt mắt, thường có 6 cựa sắc nhọn được bán ra thị trường xấp xỉ 1 triệu đồng/con. Những con có 8 cựa thuộc loại cực hiếm thì sẽ có giá cao hơn nhiều.
Trong bộ sưu tập của anh Giáp còn có loại Gà đen hay còn gọi là “gà mặt quỷ” có xuất xứ từ Indonesia với nhiều điểm độc đáo khó tìm. Đây là loại gia cầm có giá trị dinh dưỡng cao, thịt chứa nhiều hàm lượng sắt. Khác với gà đen ở các vùng cao Việt Nam, gà mặt quỷ có màu đen toàn diện từ nhận diện bên ngoài như lông, da, mào, mắt, chân đến xương, thịt và các bộ phận nội tạng bên trong. Thậm chí khi cắt tiết thì huyết cũng chuyển từ từ sang màu đen. Anh Giáp cho hay, để đưa được đúng giống “gà mặt quỷ” về Việt Nam thì anh phải mất 6 lần sang Indonesia lùng sục. Những lần đầu sang tìm tòi anh đều mua phải giống gà đã bị lai tạp, không còn thuần chủng. Phải đến lần thứ sáu, khi tình cờ biết được thông tin về một gia đình nông dân Indonesia có bán giống gà đen thuần chủng này anh mới có cơ hội nhìn thấy tận mắt, sờ tận tay. Và cũng mất nhiều ngày thuyết phục gia đình đó mới đồng ý bán để anh có thể đem về những con gà mặt quỷ đầu tiên ở Việt Nam. Hiện tại, trang trại của anh Giáp đã nhân giống thành công loại gà này và được bán ra thị trường với giá khoảng 20-30 triệu đồng/cặp.
Mơ lập khu bảo tồn chim, gà quý hiếm
Gà lôi trắng, một giống quý của Việt Nam
Sau những chuyến bôn ba nước ngoài để sưu tầm các giống quý cũng như học hỏi kinh nghiệm, anh Giáp nhận thấy vấn đề bảo tồn các sinh vật quý hiếm đã được các nước thực hiện rất tốt, vượt khá xa so với đất nước mình. Anh cho rằng, ngoài các vấn đề bảo tồn ở cấp vĩ mô thì ngay như ý thức của người dân về lĩnh vực này cũng là điều đáng quan ngại.
Làm sao để nâng cao trình độ, kỹ thuật chuyên môn cũng như ý thức trong việc bảo tồn các chủng loại giống quý hiếm? Đây là trăn trở lớn nhất của anh và đồng thời cũng là của nhiều nhà nghiên cứu khoa học khác.
Được biết anh Giáp đang xây dựng đề tài thành lập khu bảo tồn chim, gà quý hiếm có quy mô và trình độ kỹ thuật tiên tiến. Sau gần chục năm lăn lộn với thú chơi và sự đam mê, anh Trần Nhữ Giáp đã trau dồi, trang bị cho mình kiến thức, kỹ thuật chuyên môn không kém các chuyên gia hay các nhà khoa học. Anh khẳng định có thể bảo tồn, nhân giống mọi loại chim, gà nếu được cung cấp nguồn gene tốt và thuần chủng.
Anh tâm sự, trang trại của mình đã phát triển được một bầy chim sâm cầm hàng trăm con. Nếu được TP Hà Nội cho phép, anh sẽ gây dựng lại bầy chim sâm cầm tại Hồ Tây. Đàn chim này sẽ chỉ bay đi bay về quanh khu vực hồ và câu hát “… bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời…” trong bài “Nhớ mùa thu Hà Nội” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sẽ không chỉ ở trong ca từ mà trở thành hình ảnh thực sự hiện hữu trong cuộc sống người dân Thủ đô.
Thời kỳ đầu bước chân vào thú chơi sưu tầm các loại chim, gà quý, gia đình anh đã nhiều lần xảy ra mâu thuẫn, rạn vỡ. Vợ thì phản đối vì niềm đam mê đã buộc anh phải tiêu tốn cả thời gian lẫn tiền bạc. Con cái trách móc do không được bố quan tâm đầy đủ. Tuy nhiên, trải qua nhiều sóng gió cuối cùng thì anh đã thuyết phục được vợ và gia đình cùng đồng tâm hiệp lực với anh trong cái nghiệp nuôi và nhân giống chim, gà quý.