Di dời, chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1: Cuộc “đại phẫu” chưa tiền lệ, ngập thách thức - Bài 2

0:00 / 0:00
0:00
Không chỉ là khu công nghiệp đầu tiên, Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (Đồng Nai) còn là nơi đầu tiên phải thực hiện di dời, chuyển công năng vì ô nhiễm. Chưa có tiền lệ, chưa có chính sách đã dẫn tới quá nhiều thách thức cho cuộc “đại phẫu lịch sử” này. Giải được bài toán sẽ tạo nền tảng cho các khu công nghiệp khác, đồng thời giúp cơ quan chức năng nhìn lại “tầm nhìn” khi quy hoạch đô thị, kinh tế.
Một góc KCN Biên Hòa 1 Một góc KCN Biên Hòa 1

Bài 2: Doanh nghiệp chồng chất khó khăn

Việc di dời Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1 được đặt lên bàn các doanh nghiệp từ nhiều năm trước. Nhưng đến nay, lo lắng của doanh nghiệp vẫn… như cũ, thậm chí ngày càng chất chồng hơn do chi phí tăng cao. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động vẫn… trong quá trình xây dựng.

Phí chồng phí” khi di dời

“Khi di dời từ KCN Biên Hòa 1 về KCN Giang Điền, chúng tôi gặp muôn vàn khó khăn, với đủ loại chi phí phát sinh, từ việc di chuyển máy móc đến việc vận hành nhà máy mới, rồi chi phí cho công nhân...”, bà Lê Thị Thu Vân, đại diện Công ty Everpia nói với phóng viên Báo Đầu tư về việc di dời của Công ty.

Là doanh nghiệp hoạt động từ khá sớm tại KCN Biên Hòa 1, Công ty Everpia ban đầu thuê đất 35 năm, tức đến năm 2035, nhưng sau đó, do “đổi chủ”, nên việc thuê đất rút ngắn lại chỉ đến năm 2023. Bà Vân cho biết, cuối tháng 5/2023, doanh nghiệp hoàn tất việc di dời về KCN Giang Điền (huyện Trảng Bom).

Trong quá trình di dời, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tiên là việc máy móc phải dừng hoạt động, rồi tháo rời để di chuyển. “Máy móc để yên thì không sao, nhưng khi tháo ra là hỏng chỗ nọ, xuống cấp chỗ kia”, bà Vân chia sẻ.

Tiếp đến là các chi phí vận chuyển cũng rất tốn kém, với cả hệ thống máy móc đồ sộ của nhà máy, đặc biệt là việc vận chuyển các bồn ga, chi phí lên đến 700 triệu đồng. Đó là chưa kể, khi di chuyển đến địa điểm mới, doanh nghiệp phải mất thêm chi phí kiểm định lại bồn ga, nên “phí chồng phí”. “Do phải tốn rất nhiều chi phí cho việc di dời, nên kinh phí đội lên rất nhiều, cộng thêm với tình hình kinh tế khó khăn, đơn hàng giảm, nên Công ty đang trong tình trạng thua lỗ”, bà Vân cho biết.

Thực tế từ những doanh nghiệp đã di dời cho thấy, chi phí phát sinh là rất lớn, khiến không ít doanh nghiệp chuẩn bị di dời phải đau đầu giải bài toán này.

Ông Phạm Hồng Phú, Tổng giám đốc Casumina tỏ ra khá lo lắng khi Công ty có 2 xưởng sản xuất lốp xe nằm ở KCN Biên Hòa 1 đã hoạt động hơn 20 năm. Trong đó, một xưởng rộng 2 ha nằm trong diện phải di dời giai đoạn II vào cuối năm 2025. “Đến nay, chúng tôi cũng chưa tìm được địa điểm mới để di dời và cũng chưa biết tìm ở đâu, vì đến nay, chưa biết tỉnh Đồng Nai sẽ hỗ trợ ra sao, nên chưa tính toán được phương án cụ thể”, ông Phú lo ngại.

Đối với Casumina, khi di dời hơn 200 lao động đang làm việc tại đây cũng chưa biết bố trí như thế nào, khi hầu hết họ gắn bó lâu năm và đã lớn tuổi, có cuộc sống ổn định ở Biên Hòa và một số khu vực lân cận. “Nếu không mang được lao động đi theo, thì Công ty phải xây dựng bộ máy quản lý mới, tuyển và đào tạo lại nhân lực, vừa mất nhiều thời gian và chi phí”, Tổng giám đốc của Casumina nêu khó khăn.

Bên cạnh chi phí di chuyển, chi phí đầu tư nhà máy mới…, doanh nghiệp còn phải chi trả tiền lương, trợ cấp thôi việc, chi phí đi lại cho người lao động.

Bà Lê Thị Thu Vân cho biết, trong thời gian nhà máy phải di chuyển, doanh nghiệp vẫn phải trả tiền lương hỗ trợ công nhân. Với 400 công nhân, chi phí hỗ trợ lên đến hàng tỷ đồng. Rồi những chi phí phát sinh khác như chi phí xe đưa đón công nhân từ KCN Biên Hòa 1 đến KCN Giang Điền mỗi tháng cũng tốn thêm 200 triệu đồng. “Chưa kể, khi xuống KCN Giang Điền, doanh nghiệp cũng muốn tuyển lao động ở địa phương để giảm bớt tiền di chuyển, nhưng rất khó tuyển”, bà Vân nêu khó khăn.

Tại buổi đối thoại với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai vào cuối tháng 3/2024, đại diện Nhà máy Hóa chất Biên Hòa cho biết, để chủ động cho việc di dời từ năm 2018, doanh nghiệp đã thuê đất tại Nhơn Trạch để đầu tư nhà xưởng mới với công suất cao hơn nhà máy hiện tại. Tuy vậy, khi chuyển nhà máy, hàng trăm lao động đang sinh sống ở TP. Biên Hòa phải chuyển lên làm việc ở huyện Nhơn Trạch cách xa hàng chục ki-lô-mét.

“Hiện nay, nhiều người lao động đã lớn tuổi, có cuộc sống an cư ở TP. Biên Hòa, nên khó đi theo đến nhà máy mới. Do không đưa được lao động từ nơi cũ sang nơi mới, nên Công ty phải xây dựng bộ máy quản lý mới cùng với đội ngũ nhân sự dôi dư sau khi hợp nhất. Doanh nghiệp chưa giải được bài toán khó này”, đại diện Nhà máy Hóa chất Biên Hòa nêu khó khăn.

Một khó khăn khác mà doanh nghiệp phải đối mặt là kinh phí di dời và xây dựng nhà xưởng mới khá lớn. Theo tính toán của ông Phú (Công ty Casumina), để đầu tư một xưởng mới khoảng 10 ha, thì tiền thuê đất lên 400 tỷ đồng và mất khoảng 600 tỷ đồng cho chi phí lắp đặt máy móc, thiết bị, phòng cháy chữa cháy... Đó là chưa kể các chi phí đào tạo lao động khi chuyển đến địa điểm mới.

Nhà máy Hóa chất Biên Hòa cũng gặp tình cảnh tương tự khi phải chi số tiền rất lớn để xây mới lại toàn bộ nhà xưởng với công suất lớn hơn, song nhu cầu thị trường hiện nay không đổi, nên việc đầu tư thêm nhà xưởng trở nên lãng phí. Trong khi đó, doanh nghiệp phải đi vay tiền ngân hàng để đầu tư nhà xưởng ở địa điểm mới.

Chưa hết, giá thuê đất tại nhiều KCN hiện nay ở Đồng Nai lên đến 190 USD/m2 (chưa kể phí quản lý) đang là thách thức với các doanh nghiệp trong tình cảnh khó khăn hiện nay.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, trước đây, khi có chủ trương di dời KCN Biên Hòa 1, Đồng Nai dự kiến chuyển các doanh nghiệp về KCN Giang Điền. Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp muốn di dời về KCN Giang Điền, vì giá thuê đất ở đây cao hơn nhiều so với KCN Biên Hòa 1. Hiện nay, KCN Giang Điền cho thuê với phí sử dụng đất là 11.750 đồng/m2/năm, phí sử dụng mặt bằng công nghiệp là 4,2 triệu đồng/m2 (trả một lần cho suốt thời hạn thuê đất đến năm 2058), phí quản lý là 17.625 đồng/m2/năm. Trong khi tại KCN Biên Hòa 1, phí sử dụng đất là 7.857 đồng/m2/năm; phí sử dụng mặt bằng công nghiệp là 9.100 đồng/m2/năm (tương đương 300.300 đồng/m2 nếu trả một lần cho suốt thời hạn thuê từ năm 2018 đến năm 2051).

Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, hiện có 76 doanh nghiệp (6 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI, 70 doanh nghiệp trong nước) thuê đất hạ tầng đang còn hoạt động tại KCN Biên Hòa 1. Hiện tại, có đến 67 doanh nghiệp còn thời hạn thuê đất đến năm 2051; một số doanh nghiệp còn thời hạn thuê đến năm 2041- 2044.

Không chỉ doanh nghiệp trong nước, mà các doanh nghiệp FDI cũng đang lúng túng vì chưa tìm được tìm được địa điểm mới để di dời.

Ông Nobuyuki Matsumoto, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM cho rằng, việc di dời KCN Biên Hòa 1 tác động rất lớn đến doanh nghiệp. “Tôi hy vọng, vấn đề di dời sẽ được giải quyết một cách thân thiện sau khi có sự thảo luận kỹ lưỡng giữa các bên liên quan”, ông Nobuyuki Matsumoto nói.

Đại diện Công ty TNHH Giặt mài Texma Vina (Đài Loan) và Công ty TNHH Fashion Garment 2 (Ấn Độ) cũng cho biết, họ chưa có kế hoạch di dời vì chưa tìm được địa điểm. Khi tỉnh Đồng Nai làm việc với doanh nghiệp thì họ đều thống nhất với chủ trương di dời, nhưng đề nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ, như giới thiệu vị trí mới phù hợp, hỗ trợ chi phí di dời, chi phí tuyển dụng lao động và phải có lộ trình di dời để doanh nghiệp lên kế hoạch.

Doanh nghiệp chờ chính sách

Theo Quyết định số 324/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Chuyển đổi Khu công nghiệp Biên Hòa 1, ước tính tổng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là hơn 7.500 tỷ đồng và thêm 1.270 tỷ đồng để hỗ trợ đời sống người lao động và ổn định sản xuất. Vậy số tiền này sẽ lấy ở đâu để chi trả cho doanh nghiệp và người lao động?

Theo Đề án đã phê duyệt, tỉnh Đồng Nai sẽ đấu giá quyền sử dụng đất cuốn chiếu theo từng giai đoạn để có vốn hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Khi doanh nghiệp di dời cũng sẽ được hưởng các ưu đãi như giảm tiền sử dụng đất; ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, tín dụng và các cơ chế ưu đãi khác.

Thế nhưng, đây mới là các cơ chế ưu đãi chung, chứ chưa có con số hỗ trợ cụ thể, vì tỉnh Đồng Nai đang trong quá trình bàn thảo chính sách.

“Chúng tôi mong muốn tỉnh Đồng Nai hỗ trợ đền bù thỏa đáng để doanh nghiệp yên tâm di dời”, ông Phạm Hồng Phú kiến nghị.

(Còn tiếp)

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục