Về kế hoạch hoạt động năm 2020, ông Vinh cho biết, VPBank đã đưa ra mục tiêu ban đầu rất tham vọng trên dưới 14.000 tỷ đồng, nhưng dịch bệnh ập đến khiến Ngân hàng có những thay đổi trong chiến lược, áp dụng các kế hoạch để đảm bảo đi qua dịch an toàn.
Theo đó, VPBank đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 425.132 tỷ đồng, tăng 12,7% so với năm 2019; tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá đạt 299.728 tỷ đồng tăng 10,4%; dư nợ cấp tín dụng đạt 304.744 tỷ đồng tăng 12,3%; tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; lợi nhuận trước thuế đạt 10.214 tỷ đồng tăng 1,1%.
“Trên cơ sở kịch bản lạc quan được kiểm soát, Ngân hàng ưu tiên bảo toàn thanh khoản, bảo toàn vốn, bảo toàn lực lượng và kiểm soát hoạt động tín dụng ở những phân khân khúc nhiều rủi ro”, ông Vinh nói.
Tính đến thời điểm hiện tại, ông Vinh cho biết, mặc dù có bị ảnh hưởng ban đầu bởi Covid-19 nhưng VPBank vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực về tăng trưởng tín dụng, doanh thu và lợi nhuận hợp nhất.
Cụ thể, lợi nhuận tính đến cuối quý I/2020 là 2.930 tỷ đồng, đạt 30% kế hoạch cả năm; còn tính đến tháng 4 đạt 4.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 40% kế hoạch cả năm. Dự kiến tháng 5 sẽ đạt 5.100 tỷ đồng, chiếm khoảng 50% cả năm và mục tiêu 6 tháng đạt trên dưới 6.000 tỷ đồng. Theo đó, VPBank có thể đạt được thành tích tốt hơn 10-12% so với các chỉ tiêu đã trình cổ đông.
Ông Bùi Hải Quân, Phó chủ tịch HĐQT VPBank cho biết phương án phân phối lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2019 là 8.260 tỷ đồng, trong đó trừ lợi nhuận giao dịch giữa các đơn vị trên 8,7 tỷ đồng. Tổng trích lập các quỹ là 4.289 tỷ đồng bao gồm quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ 412 triệu đồng cho VPBank, VPBank AMC, VPB FC; quỹ dự phòng tài chính là 825 triệu đồng cho VPBank, VPBank AMC, VPB FC; quỹ đầu tư phát triển là 3.051 tỷ đồng…
Đoàn chủ tịch ĐHCĐ VPBank.
“Năm 2019, Ngân hàng không chia cổ tức và đưa vào vốn chủ sở hữu. Tiếp tục phát huy hiệu quả các chương trình phát hành/bán cổ phiếu lựa chọn dành cho người lao động (ESOP) đã được thực hiện năm 2018, 2019 với mục đích giữ chân nhân tài, ghi nhận đóng góp của các cấp cán bộ/nhân viên có đóng góp lớn đối với Ngân hàng”, ông Quân nói.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc IPO FE Credit, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank cho biết, Ngân hàng đã đàm phán với các nhà đầu tư để bán một phần vốn, quá trình này đang tiến hành và đã có tín hiệu tích cực. Dù có bị gián đoạn trong giai đoạn vừa qua do dịch bệnh nhưng VPBank sẽ tiếp tục với tiến trình đang diễn ra và tin tưởng sẽ đạt được mục tiêu trong thời gian gần đây .
“FE Credit là ứng viên duy nhất hấp dẫn trong ngành đang tăng trưởng mạnh mẽ. Tối đa FE Credit có thể gọi vốn đến 49%, theo đó, quyền lợi của Ngân hàng mẹ tại FE Credit giảm đi nhưng bù lại FE Credit sẽ có được công nghệ, kinh nghiệm... Ngân hàng mẹ cũng sẽ cân nhắc việc dử dung nguồn vốn hiệu quả nhất”, ông Dũng nói.
Một cổ đông trên 80 tuổi thắc mắc về việc VPBank không chia cổ tức và NHNN căn cứ vào đâu mà không cho ngân hàng chia cổ tức: “Ngân hàng kinh doanh tiền mà cổ đông không được chia cổ tức, lại không được mua cổ phiếu”.
Đại diện VPBank, ông Quân chia sẻ mong muốn chính đáng của cổ đông trong việc chia cổ tức bằng tiền tuy nhiên, Ngân hàng không chia cổ tức với mục tiêu để phát triển ngân hàng, hoạt động ngân hàng phải tăng trưởng liên tục, không dừng lại, quy mô lớn cần lượng vốn để đảm bảo sự an toàn trọng hoạt động.
Bên cạnh đó, hệ số an toàn trong các chỉ số phụ thuộc vào lượng vốn chủ sở hữu đầy đủ. Mục tiêu HĐQT hướng đến là xây dựng VPBank là 1 trong 3 ngân hàng lớn nhất thị trường Việt Nam. Đây là những lý do khiến VPBank không chia cổ tức bằng tiền trong năm qua.