Hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh doanh năm 2023
Ngày 24/4, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, Ban lãnh đạo Viettel Construction cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế 2023 cả thế giới và Việt Nam vẫn còn hồi phục chậm do chịu tác động kéo dài từ Covid-19, xung đột địa chính trị và lạm phát, Công ty vẫn hoàn thành kế hoạch. Tất cả các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đều đạt tốc độ tăng trưởng cao, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.
Cụ thể, năm 2023, doanh thu của Tổng công ty đạt 11.399 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với năm trước và vượt 10% kế hoạch đề ra; lợi nhuận sau thuế đạt 515,9 tỷ đồng, tăng trưởng 13,3% và vượt 6% mục tiêu.
Bên cạnh đó, Công ty tiếp tục giữ vững ngôi vị số 1 trong lĩnh vực Đầu tư Hạ tầng tại Việt Nam. Năm 2023, Viettel Construction ghi nhận doanh thu lĩnh vực Đầu tư hạ tầng cho thuê đạt 435,4 tỷ đồng, tăng trưởng 39%, đặc biệt là hoàn thành đầu tư xây dựng và đồng bộ hạ tầng 2.150 trạm BTS, nâng lũy kế sở hữu lên 6.436 trạm BTS; lợi nhuận trước thuế đạt 92 tỷ trong năm 2023, tăng trưởng 46%.
Song song với các chỉ tiêu tài chính đạt kế hoạch, đảm bảo ở mức an toàn, chiến lược Go Global cũng ghi nhận những kết quả khả quan với 2 hợp đồng ký kết cùng đối tác tại Hàn Quốc và 1 hợp đồng với Mytel tại Myanmar.
Ông Đỗ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Viettel Construction nhận định, trong năm qua, doanh thu từ các mảng truyền thống là xây lắp và vận hành khai thác là các mảng chủ chốt đem lại tỷ trọng lớn, chiếm đến 53% tổng doanh thu của Công ty.
5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024
Trong năm 2024, CTR đặt mục tiêu doanh thu đạt 12.653 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 532 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng lần lượt 11% và 3% so với năm ngoái; cổ tức dự kiến 10 - 20%.
Về chủ trương và định hướng trong năm 2024, ông Hùng cho hay, mọi hoạt động kinh doanh của Công ty phải dựa trên nền tảng văn hóa "chất lượng" và "lấy khách hàng làm trung tâm", tạo nên lợi thế cạnh tranh với đối thủ; tiếp tục tập trung cải thiện chất lượng dịch vụ, cải tiến công cụ và đầu tư công nghệ mới trong các hoạt động sản xuất kinh doanh để hoàn thiện dịch vụ, tăng năng suất lao động và đảm bảo tốc độ tăng trưởng bền vững.
Bên cạnh đó, CTR bám chặt vào chiến lược 5G, tiếp tục nghiên cứu và đánh giá để đưa ra các đề xuất, tư vấn cho Viettel về phương án triển khai đầu tư, nâng cấp, điều chỉnh thiết kế loại trạm phù hợp với xu hướng thế giới.
Ông Đỗ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công trình Viettel |
Ban lãnh đạo Công ty cũng đã đặt ra 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm: Xây dựng phương án tăng vốn điều lệ; Nâng tỷ trọng doanh thu ngoài Viettel lên 40%; Ký và thực hiện 1 - 2 hợp đồng Go Global; Đồng bộ hạ tầng và cho thuê 4.000 trạm BTS mới để giữ vững thị phần số 1 về Towerco tại Việt Nam; Vận hành tổ chức theo tiêu chuẩn quốc tế.
Chia sẻ về chiến lược đến năm 2025, ông Phạm Đình Trường, Tổng giám đốc Công ty cho biết, trong quá trình thực hiện công ty đã đạt được những kết quả tích cực. Tiêu biểu như doanh thu tăng trưởng 21%/năm, vượt xa kế hoạch 14%/năm; lợi nhuận tăng trưởng 24%/năm, cao hơn mục tiêu 15%; trở thành Towerco số 1 Việt Nam và đưa mảng vận hành khai thác tiếp cận thị trường nước ngoài.
Phần thảo luận, Tổng giám đốc Phạm Đình Trường, đại diện Tổng công ty giải đáp
Tại sao mục tiêu doanh thu năm 2024 đặt thấp hơn so với tiềm năng thực tế của công ty?
Theo nguyên tắc của HĐQT, thận trọng trong quản trị là một trong những yếu tố đầu tiên. Nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước còn nhiều bất ổn, rất khó kiểm soát. Dựa trên tình hình thực tế, hàng tháng Công ty đều cập nhật tình hình kinh doanh để cổ đông có thể theo sát tình hình. Bên cạnh đó, nếu như nhìn sâu hơn về mặt tài chính, năm nay Công ty vẫn chưa tăng được vốn điều lệ. Như vậy, doanh thu và lợi nhuận đều tăng sẽ khiến EPS to hơn, tốt hơn cho cổ đông.
Chia sẻ về kế hoạch 5 năm tiếp theo từ 2026 - 2030?
HĐQT và Ban điều hành đã chuẩn bị tinh thần tiếp tục tăng trưởng. Dự kiến sẽ tăng trưởng tối thiểu 10%, tuy nhiên vẫn phải đo lường thêm các yếu tố khác. Sự tăng trưởng này sẽ đến từ tất cả các lĩnh vực. Song, mảng vận hành giải pháp dự đoán sẽ gặp nhiều khó khăn và sẽ tăng trưởng không cao, khoảng 5%. Mảng xây dựng sẽ tăng trưởng tốt hơn do thị trường trong nước còn nhiều tiềm năng. Theo báo cáo nghiên cứu, tăng trưởng xây dựng trong khu vực chúng ta có thể đạt 7%/ năm.
Lĩnh vực liên quan đến giải pháp dịch vụ kỹ thuật và xây dựng sẽ cùng nhau phát triển để thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh. Khi kinh tế Việt Nam phát triển, thu nhập bình quân của người dân tăng cao sẽ là cơ hội tốt để Công ty tận dụng.
Mảng đầu tư hạ tầng vẫn sẽ tăng trưởng với tốc độ cao bởi vì một trong những yêu cầu trong 5 năm tới sẽ là phủ sóng 5G tại Việt Nam. Trước đó, Viettel đã đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện băng tần 5G do đó quá trình phủ sóng đã bắt đầu được triển khai từ năm nay. Bởi vậy, trong 5 năm tới, hạ tầng cho 5G sẽ phát triển rất nhanh.
Tiến độ thực hiện dự án đường dây 500 kV mạch 3 và triển khai hệ thống cáp quang tuyến đường cao tốc Bắc - Nam?
Hiện tại, Công ty chưa có đủ năng lực về xây dựng hạ tầng điện công nghiệp, do đó CTR đang là nhà thầu phụ, cũng như tổ chức, đảm bảo tiến độ cho hợp đồng xây dựng trị giá 15 tỷ. Công ty đã hoàn thành và xin tiếp mặt bằng cho giai đoạn tiếp theo.
Đối với dự án triển khai hệ thống cáp quang tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đã được Bộ Giao thông và Vận tải chấp thuận cho liên doanh. Hiện tại, dự án đã được Hội đồng quản trị thông qua và bắt đầu tổ chức các bước đấu thầu để chọn đối tác cùng triển khai. Dự kiến, trong năm nay sẽ dành 400 tỷ để đầu tư và đạt doanh thu hơn 30 tỷ.