ĐHĐCĐ TPBank (TPB): Cổ đông đặt vấn đề về khả năng kiểm soát, quản lý giá trị cổ phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank tiết lộ: “Hoạt động chuyển đổi số đã giúp Ngân hàng có thêm lượng lớn khách hàng mới. Cách đây 10 năm, ngân hàng mới chỉ có 50.000 khách hàng, nhưng hiện nay TPBank đã có tới 5 triệu khách hàng”.
ĐHĐCĐ TPBank (TPB): Cổ đông đặt vấn đề về khả năng kiểm soát, quản lý giá trị cổ phiếu

Tại ĐHCĐ 2022, các cổ đông TPBank có sự e ngại, Cách mạng công nghệ 4.0 mang lại lợi ích cho toàn nền kinh tế, liệu TPBank có mất dần lợi thế là một ngân hàng công nghệ. Ông Đỗ Anh Tú, Phó chủ tịch HĐQT TPBank cho rằng, khi các ngân hàng đều ứng dụng công nghệ trong hoạt động sẽ mang lại lợi ích cho khách hàng. Tuy nhiên, mọi vấn đề đều có tác động hai mặt, nhưng người nào đi trước có lợi thế của người đi trước trong cạnh tranh.

“Tại TPBank, công nghệ đang đi trước các ngân hàng khác về công nghệ”, ông Đỗ Anh Tú nói.

Trước vấn đề cổ đông đặt ra về khả năng kiểm soát, quản lý giá trị cổ phiếu tại TPBank, ông Phú cho biết, Ngân hàng không kiểm soát giá trị cổ phiếu mà mã cổ phiếu TPB của TPBank do thị trường đánh giá. Thời gian qua, khi thị trường chứng khoán giảm do những biến động thì cổ phiếu của TPBank là một trong những cổ phiếu giá trị giảm ít. Điều này chứng tỏ cổ đông, thị trường rất tin tưởng, tín nhiệm vào Ngân hàng với chất lượng tài sản tốt, kinh doanh hiệu quả.

Ban lãnh đạo TPBank cũng cho biết, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu của Ngân hàng đi theo đúng định hướng của NHNN trong những năm gần đây là không chia cổ tức bằng tiền mặt. Với nền tảng vốn tốt, sức mạnh thanh khoản, mức sinh lời tốt, liên tục mở rộng cơ sở khách hàng bền vững, mã TBP tiếp tục được các công ty chứng khoán uy tín khuyến nghị ở mức giá mục tiêu cao, trên 44.693 đồng/cổ phiếu trong năm 2022.

Ông Phú nhấn mạnh: “Cổ phiếu TPB trên thị trường thu hút được sự chú ý trong cộng động nhà đầu tư. Ngân hàng sẽ đẩy mạnh quan hệ với nhà đầu tư tốt hơn, quản trị tốt hơn để khẳng định vị thế, sức mạnh, để cổ phiếu TPB có giá trị tốt, bền vững, an toàn, minh bạch và gia tăng lợi ích cho các cổ đông”.

Cũng theo ông Phú, tăng trưởng tín dụng năm nay TPBank dự kiến là 18% giảm so với năm ngoái là 23% thì margin hụt khoảng 200 tỷ đồng. Đây là con số không phải quá lớn nhưng Ngân hàng cũng phải tính đến câu chuyện tiết giảm chi phí. Bên cạnh đó, Nợ xấu, nhưng các khoản nợ được cấu trúc vẫn đang được trích lập hàng năm.

Tại ĐHCĐ đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với các mục tiêu đều tăng trưởng so với năm 2021. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế tăng 36% so với năm 2021 và đạt 8.200 tỷ đồng. Tổng tài sản tăng 20% so với thời điểm cuối năm 2021 đạt 350.000 tỷ đồng. Tổng giá trị huy động là 292.579 tỷ, tương đương với mức tăng trưởng 12% so với năm trước, trong đó tiền gửi khách hàng tăng trưởng 15% và đạt mức 201.212 tỷ đồng. Mục tiêu duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp dưới 1,5%.

“Mục tiêu lợi nhuận 8.200 tỷ đồng là mức tăng trưởng lớn trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn của Ngân hàng. Ngân hàng sẽ tận dụng mọi cơ hội để đây là con số tối thiểu đạt được trong năm nay”, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank.

Tại ĐHCĐ, TPBank đã thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu thưởng cho cổ đông và chương trình cho người lao động (ESOP) với tổng tỷ lệ 34% để tăng vốn điều lệ. Bằng kế hoạch phát hành hơn 532 triệu cổ phiếu, vốn điều lệ sau khi tăng sẽ đạt trên 21.142 tỷ đồng, chạm gần mức 1 tỷ USD quy đổi.

Được biết, kết thúc quý I/2022, tổng tài sản của TPBank hiện trên 300 nghìn tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ. Tổng thu nhập hoạt động trên 3.600 tỷ đồng, tăng gần 30% so với cuối quý 1/2021. Trong đó, thu nhập lãi thuần từ dịch vụ chiếm hơn 14% tổng doanh thu, đạt trên 510 tỷ đồng. Tổng huy động tăng trưởng gần 40%, đạt trên 270 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế quý 1 đạt 1.623 tỷ đồng.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục