ĐHĐCĐ Tập đoàn PAN (PAN): Tập đoàn sẽ sớm tăng sở hữu tại Bibica trong thời gian tới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chiều ngày 23/4, CTCP Tập đoàn PAN (PAN) đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2021.
ĐHĐCĐ Tập đoàn PAN (PAN): Tập đoàn sẽ sớm tăng sở hữu tại Bibica trong thời gian tới

Báo cáo tình hình kinh doanh trong năm 2020, PAN ghi nhận doanh thu thuần đạt 8.329,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 333,2 tỷ đồng, lần lượt bằng 106,6% và 73,7% so với thực hiện trong năm 2019. Như vậy, năm 2020, doanh nghiệp đã vượt tới 9,3% kế hoạch lợi nhuận năm.

Doanh nghiệp chia sẻ, trong năm 2020 Tập đoàn gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 bùng phát, cao điểm vào 6 tháng đầu năm, cộng thêm tác động lớn từ hạn mặn kỷ lục tại Đồng bằng Sông Cửu Long và lũ lụt Miền Trung. Tuy nhiên, kết thúc năm tài chính doanh nghiệp vẫn vượt kế hoạch đặt ra đầu năm.

Doanh thu năm 2020 của doanh nghiệp đạt 8.329,3 tỷ đồng, trong đó mảng nông nghiệp đóng góp 1.652 tỷ đồng, chiếm 19,8% tổng doanh thu; mảng thực phẩm đóng góp 6.677 tỷ đồng, chiếm 80,2% tổng doanh thu. Xét về cơ cấu xuất khẩu, trong năm doanh thu xuất khẩu đạt 4.415 tỷ đồng, chiếm 53% tổng doanh thu.

Định hướng chiến lược của Tập đoàn trong giai đoạn 2020 - 2025 là tập trung phát triển năng lực sản xuất lõi tại từng mảng kinh doanh, trên nền tảng sẵn có; đồng thời tận dụng cơ hội, nếu có, trên thị trường để thực M&A các công ty tốt, phù hợp với ngành nghề kinh doanh và chiến lược phát triển. Do đó, trong năm 2020 không phát sinh các hoạt động M&A lớn, phần lớn các khoản đầu tư mới trong năm là đầu tư mua để tăng sở hữu tại VFC – nông nghiệp và Fimex VN - Thuỷ Sản.

Cụ thể, PAN đã tăng sở hữu tại CTCP Khử Trùng Việt Nam (VFC) lên 47,97% vốn điều lệ; đầu tư tăng vốn tại CTCP Thực phẩm Sao Ta (Fimex VN) thông qua hình thức bán cổ phiếu ưu đãi cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 5:1 với giá 25.000 đồng/cổ phiếu, tăng khoản đầu tư vào Fimex lên khoảng 160 tỷ đồng.

Dựa trên kết quả kinh doanh năm 2020, doanh nghiệp trình cổ đông kế hoạch cổ tức 5%, tương ứng 500 đồng/cổ phiếu; trích quỹ phúc lợi cho người lao động 5% lợi nhuận sau thuế công ty mẹ, tương ứng 2,23 tỷ đồng; kinh phí hoạt động, thù lao HĐQT, Ban kiểm soát là 2 tỷ đồng.

Bước sang năm 2021, PAN đặt kế hoạch doanh thu thuần là 10.025 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 419 tỷ đồng, lần lượt tăng 20,4% và 25,7% so với thực hiện trong năm 2020. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn tiếp tục duy trì chính sách cổ tức tối thiểu là 5% trong năm 2021 như thực hiện trong năm 2020.

Năm 2021, PAN dự kiến mảng giống cây trồng, lương thực (Vinaseed) và thực phẩm, tiêu dùng (Bibica, Lafooco) sẽ có sự phục hồi tốt trong khi đó mảng xuất khẩu thuỷ sản (Fimex VN, Aquatex Bentre) có tăng trưởng so với năm 2020 nhưng vẫn chịu 1 phần ảnh hưởng từ các chi phí logistics, xuất nhập khẩu tăng cao trong giai đoạn nửa đầu năm 2021.

Định hướng phát triển năm 2021, tập trung cho mảng tôm xuất khẩu, duy trì tăng trưởng 20-30% tại mảng giống cây trồng, tập trung vào chế phẩm sinh học cho dược phẩm và thực phẩm; đầu tư nhiều vào hoạt động R&D. Kế hoạch tiếp tục kế hoạch M&A Bibica và VFC và các thương vụ đầu tư tiềm năng.

Một nội dung đáng chú mà doanh nghiệp trình cổ đông là loại bỏ ngành, nghề kinh doanh vệ sinh chung nhà cửa và bổ sung kinh doanh trong các lĩnh vực như sản xuất cà phê; sản xuất thực phẩm khác chưa được phân vào đầu; sản xuất món ăn, thức ăn chế biến sẵn; sản xuất ca cao, socola và bánh kẹo; sản xuất các loại bánh từ bột; và chế biến, bảo quản thuỷ sản và các sản phẩm từ thuỷ sản.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, trong toàn bộ thị trường không tăng trưởng, PAN vẫn tiếp tục tăng trưởng. Trong năm 2021, PA sẽ tiếp tục thích ghi với hoạt động kinh doanh bình thường mới. Đại dịch Covid-19 dẫn tới giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, giá vận chuyển tăng cao, ví dụ giá vận tải tăng gấp 6 lần. Năm 2020 doanh thu tăng mà lợi nhuận không tăng do tốc độ tăng của chi phí tương đối lớn. Ông Hưng cho biết thêm, trong lĩnh vực nông nghiệp không thể tăng trưởng nhanh được như các lĩnh vực khác và phải từ từ để kiểm soát bài bản hoạt động kinh doanh.

Thảo luận tại Đại hội:

Tập đoàn PAN sẽ sớm tăng sở hữu tại Bibica?

Chiến lược của tập đoàn là kiểm soát công ty sau đó định hướng phát triển của công ty. Tập đoàn sẽ nâng sở hữu tối đa nhất của thể. Hiện tại PAN đã có thoả thuận để Lotte thoái vốn trước và PAN sẽ chào mua công khai trong thời gian tới tại Bibica.

Hiện tại PAN chào mua hai lần đối với VFC nhưng chưa thành công do các cổ đông hiện tại chưa muốn bán nhưng PAN sẽ tiếp tục tăng sở hữu khi có điều kiện thuận lợi.

PAN có lo ngại bị thâu tóm?

Đối với lĩnh vực giống cây trồng là lĩnh vực giới hạn room đối với nhà đầu tư ngoại ở mức 49%. Ngoài ra, nhóm cổ đông hiện hữu không có ý định thoái PAN nên không lo PAN bị đối thâu tóm do hai yếu tố vừa có ngành nghề hạn chế và nhóm cổ đông hiện hữu không có ý định thoái.

PAN có kế hoạch tăng vốn trong thời gian tới?

Trong năm 2021, PAN có kế hoạch tăng vốn tại công các ty thành viên nhưng chưa có kế hoạch tăng vốn tại tập đoàn.

Công ty có kế hoạch gì với cổ phiếu quỹ đang nắm giữ?

Khi nào thị trường thuận lợi công ty có thể bán ra để lấy vốn kinh doanh. Với giá hiện tại, ban lãnh đạo vẫn chưa có kế hoạch bán cổ phiếu quỹ.

Hoạt động R&D năm 2021 như thế nào?

Các tập đoàn lớn trên thế giới đều đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển sản phẩm. PAN hiện nay đã có 14 trung tâm nghiên cứu và 70 nhà nghiên cứu khoa học, giáo sư. Gần đây nhất PAN đã hợp tác với trường đại học, giáo sư bên Anh để phát triển các loại thuốc để chữa cúm. Xét về dài hạn, PAN sẽ chú trọng hoạt động R&D như các cuộc thi ý tưởng khoa học để tận dụng áp dụng vào sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong năm 2021 tiếp tục tận dụng nguồn lực sẵn có, cũng như ý tưởng mới để nâng cao sản xuất. Vấn đề R&D của PAN hiện tại vẫn còn tương đối nhỏ so với các công ty, tập đoàn lớn trên thế giới vì quy mô trên doanh thu không quá cao.

Người sáng lập của PAN đến từ đầu tư tài chính, PAN đang sở hữu danh mục đầu tư khá đa dạng. Những công ty đang đầu tư có liên kết với nhau để tăng giá trị?

Ông Nguyễn Duy Hưng cho biết, hiện nay Công ty có nhiều công ty thành viên, các công ty sau khi sáp nhập vào PAN đều cho thấy sự lớn mạnh và tăng trưởng. Như Thực phẩm Sao Ta sau khi về với PAN đã cho thấy sự bùng phát tăng trưởng, ngay cả Bibica từ chỗ có mâu thuẫn nhưng sau khi Lotte thoái vốn, PAN sẽ sớm tăng sở hữu và hợp tác với đối tác nước ngoài cùng phát triển doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ngay từ đầu PAN coi nguồn nhân lực là tài sản quan trọng nhất. Do đó, PAN đã phát triển nguồn nhân lực, đào tạo những người có kinh nghiệm. Hiện tại, PAN sẽ cố gắng đào tạo nhân lực để có thể phát triển bền vững trong thời gian tới với các lĩnh vực hiện hữu đang đầu tư.

Đối với việc nghiên cứu giống không thể nói ngày một ngày hai mà cần quá trình phát triển. Các đơn vị trước khi PAN vào có thể kết quả kinh doanh lỗ và sau khi PAN tham gia bắt đầu cùng tăng trưởng và cùng phát triển.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp Việt Nam đã cho thấy dấu hiệu tăng trưởng nhưng chủ yếu là xuất khẩu thô. Trong đó, Tập đoàn PAN đã tham gia vào giúp tăng giá trị tạo ra 5 thương hiệu quốc gia, đây là bước tiến vượt bậc giúp ngành nông nghiệp Việt Nam. Hoạt động R&D sẽ là động lực tăng trưởng cho PAN trong 5 - 10 năm tới.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục