
Vấn đề triển vọng hoạt động khoan tại khu vực Trung Đông sẽ tác động như thế nào đến thị trường khoan tại Đông Nam Á và hoạt động kinh doanh của PVD?
Ông Nguyễn Xuân Cường, Tổng giám đốc PVD cho biết, Trung Đông vẫn tiếp tục trì hoãn gần 30 giàn khoan đã hết hạn hợp đồng.
Trong năm qua, thị trường giàn khoan tại Đông Nam Á đã chứng kiến sự giảm giá thuê, tuy nhiên chỉ giảm ở mức nhẹ. Lý do là chi phí di chuyển sang khu vực hiện tại rất lớn, khiến giá không thể giảm sâu. Bên cạnh đó, sự cung cấp giàn khoan tại khu vực này tương đối ổn định với tỷ lệ giàn sẵn sàng lên tới 97%, tạo ra một sự cân bằng giữa cung và cầu.
Bên cạnh đó, nhu cầu tại Indonesia, Malaysia và Thái Lan không có sự tăng trưởng đáng kể, nhưng vẫn duy trì mức ổn định từ năm 2020 đến 2024. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam đang ghi nhận nhu cầu tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới. Một số dự án quan trọng đã được gia hạn và phát triển, như Lô B và Sư Tử Trắng, cùng với các dự án mới như Đại Hùng Nam, Lạc Đà Vàng, Hải Sư Vàng…, đã mang lại những phát hiện tích cực.
“Dự báo thị trường khoan tại Việt Nam sẽ sôi động trong 5 năm tới, có thể nói kéo dài đến năm 2030, với sự phát triển mạnh mẽ của các dự án lớn”, ông Cường nói và cho biết thêm, trong hệ thống giàn khoan của PVD, giàn II và giàn III đã ký kết hợp đồng gia hạn, với giàn 3 có thể tiếp tục khoan đến năm 2029. Giàn số VI cũng tiếp tục hợp đồng dài hạn và dự kiến sẽ hoạt động tại Lô B Phú Quốc từ giữa năm 2027. Giàn khoan mới số VIII chưa ký hợp đồng nhưng tin tưởng đến đầu tháng 9 sẽ có việc ở Việt Nam.
Để chuẩn bị cho sự sôi động của thị trường nội địa, chiến lược của PVD là tiếp tục đầu tư vào giàn khoan. Hiện tại, Công ty có 4 giàn khoan jack-up, đã ký kết các hợp đồng dài hạn với Pertamina và các đối tác tại Malaysia, do đó, Công ty đang tìm kiếm và mua lại các giàn khoan.
Theo kế hoạch, tổng chi phí dự kiến của PVD trong năm 2025 là khoảng 2.292 tỷ đồng, trong đó chủ yếu PV Drilling tiếp tục thực hiện các dự án chuyển tiếp từ năm 2024 và đầu tư thêm một giàn khoan đa năng tự nâng có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2.125 tỷ đồng. Việc đầu tư giàn khoan được thực hiện trên cơ sở đánh giá thị trường, đảm bảo hiệu quả đầu tư và khấu hao nhanh, thu hồi vốn nhanh.
PVD cung cấp dịch vụ kỹ thuật giếng khoan cho bao nhiêu dự án thượng nguồn dầu khí trong nước và tổng giá trị các gói thầu tham gia ước tính là bao nhiêu?
Ông Nguyễn Thế Sơn, Thành viên HĐQT PVD giải đáp, trong thời gian tới, đặc biệt là trong giai đoạn 2025 - 2027 và kéo dài đến năm 2030, nhiều dự án lớn tại Việt Nam sẽ được phát triển và mở rộng. PVD cam kết sẽ cung cấp đầy đủ dịch vụ kỹ thuật giếng khoan cho tất cả các dự án này.
Về giá trị cụ thể sẽ tùy thuộc vào tình hình thực tế. Ước tính trong năm 2024, doanh thu của PVD đạt khoảng 9.500 tỷ đồng, với dịch vụ kỹ thuật giếng khoan chiếm khoảng 38 - 40% tổng doanh thu. Dự báo cho năm 2025, nếu đạt mục tiêu doanh thu 7.200 tỷ đồng, tỷ lệ đóng góp của dịch vụ giếng khoan vẫn duy trì ở mức khoảng 38%.
Xu hướng trên thế giới hiện nay là phát triển năng lượng xanh, do đó việc giá dầu xuống thấp có thể ảnh hưởng đến giá thuê giàn khoan?
Ông Sơn nhận định, tình hình thế giới hiện nay đang diễn biến khó lường, nhưng có thể thấy nhu cầu về dầu khí, năng lượng, đặc biệt là dầu thô, vẫn rất lớn. Trong thời gian qua, xu hướng chuyển đổi năng lượng sang năng lượng xanh và sạch đã được nhiều quốc gia và công ty quan tâm, tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này vẫn gặp phải nhiều vấn đề.
Các công ty dầu khí lớn trên thế giới trước đây đã có chiến lược chuyển đổi, nhưng gần đây xu hướng này đang chậm lại và trở nên thận trọng hơn. Một số công ty lớn như BP và Shell đã quay trở lại với ngành truyền thống, tiếp tục đầu tư vào thăm dò và khai thác dầu khí.
Nhu cầu phát triển dầu khí vẫn ở mức cao, đặc biệt là tại Mỹ. Chính sách của Tổng thống Trump tiếp tục thúc đẩy việc phát triển ngành dầu khí, dù về mặt vĩ mô, chính sách này mong muốn giá dầu duy trì ở mức thấp, nhưng việc tăng sản lượng và cường độ sản xuất vẫn được duy trì.
“Dự báo giá dầu sẽ không giảm xuống quá thấp, vì nếu giá dầu xuống quá mức, sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ ngành và không thể thực hiện thăm dò và khai thác hiệu quả. Giá dầu dự kiến sẽ dao động ở mức khoảng 70 USD/thùng, với nhu cầu vẫn rất lớn”, ông Sơn cho biết.
Phản ứng của giá giàn khoan đối với biến động giá dầu có độ trễ nhất định. Giá giàn khoan cũng chịu ảnh hưởng của cung và cầu, cũng như số lượng giàn khoan có sẵn ở từng thời điểm và khu vực.
Cập nhật thêm, từ năm 2016 đến nay, hầu như không có đơn đặt hàng nào đóng giàn khoan mới. Những giàn khoan được hoàn thành hiện nay chủ yếu là các dự án đang dở dang. Nhiều công ty đóng giàn khoan trên thế giới đã phải đóng cửa hoặc sáp nhập. Ví dụ, Keppel FELS, nơi PVD từng đóng giàn khoan, cũng đã sáp nhập với công ty khác và đổi tên. Shipyard tại Trung Quốc cũng chuyển hướng sang đóng tàu và các loại phương tiện khác, thay vì tiếp tục sản xuất giàn khoan như trước.
“Vì vậy, trong tương lai, giàn khoan sẽ trở thành một tài sản quý hiếm. Dự báo nhu cầu giàn khoan sẽ tăng mạnh và trở nên khan hiếm từ nay đến 2030 - 2035, do đó giá giàn khoan sẽ không thể giảm nhiều”, ông Sơn khẳng định.
Vì sao PVD đặt kế hoạch kinh doanh năm 2025 "đi lùi"?
Năm 2025, PVD đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 7.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 530 tỷ đồng, giảm 25% về doanh thu và giảm 24% về lợi nhuận so với thực hiện năm 2024.
Ông Nguyễn Xuân Cường phân trần, kế hoạch được xây dựng dựa trên những giả định từ cuối năm 2024 và đã được HĐQT cũng như các cổ đông lớn thông qua. Tuy nhiên, cập nhật trong quý I và xu hướng 2025 đã có nhiều thông tin tích cực hơn so với dự báo trước đó. Một trong những yếu tố đáng chú ý là nhu cầu khoan tại Việt Nam đã tăng mạnh hơn so với dự đoán ban đầu.
“Về kế hoạch năm 2025, chúng tôi đang phấn đấu để đạt tối thiểu hoặc có thể tăng trưởng so với kết quả thực hiện của năm 2024. Đây là quyết tâm mà HĐQT và toàn thể PV Drilling đang nỗ lực thực hiện”, ông Cường nhấn mạnh.