ĐHĐCĐ PGBank (PGB): Mục tiêu lợi nhuận năm 2025 đạt 1.001 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 24/04, tại Ninh Bình, Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank, mã PGB) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025. Toàn bộ các tờ trình và kế hoạch chiến lược của Hội đồng Quản trị (HĐQT) PGBank đã được các cổ đông thông qua với đa số phiếu tán thành.
Ban Chủ tọa ĐHĐCĐ PGBank Ban Chủ tọa ĐHĐCĐ PGBank

2025: Đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 135,3%

Về kế hoạch kinh doanh 2025, Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 1.001 tỷ đồng, tăng 135,3% so với 2024; tổng tài sản đạt 91.226 tỷ đồng tăng 24,9%, tương đương tăng 18.211 tỷ đồng so với cuối năm 2024; tổng dư nợ tín dụng đạt 48.653 tỷ đồng tăng 17,1% so với năm 2024; tổng huy động đạt 78.449 tỷ đồng tăng 17,6% so với năm 2024. Nợ xấu trên tổng dư nợ dự kiến được kiểm soát dưới 2% theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước đưa ra.

Kết thúc năm 2024, tổng tài sản Ngân hàng đạt 115% kế hoạch (tăng trưởng 32% so với năm 2023); dư nợ đạt 103% kế hoạch (tăng trưởng 15,8% so với năm 2023); tổng huy động vốn đạt 66.685 tỷ đồng, hoàn thành 118% kế hoạch, tăng 33,9% tương đương tăng 16.888 tỷ đồng so với cuối năm 2023; tỷ lệ nợ xấu đạt 2,07% (giảm 0,5% so với 2023); lợi nhuận trước thuế đạt 425 tỷ đồng, đạt 76,8% kế hoạch (tăng 21% so với năm 2023).

Để đạt được mục tiêu 2025 đầy tham vọng, PGBank đặt ra bốn nhiệm vụ trọng tâm: tiếp tục tinh gọn hiệu quả bộ máy tổ chức để nâng cao năng suất lao động; chuyển đổi số mạnh mẽ để gia tăng trải nghiệm khách hàng; cải tiến quy trình vận hành, tối ưu hóa hiệu suất toàn hệ thống; quản trị rủi ro và kiểm soát tốt tỷ lệ nợ xấu. Đồng thời, Ngân hàng chú trọng kiểm soát chi phí hiệu quả, giảm tỉ lệ chi phí trên thu nhập hoạt động.

Ông Nguyễn Văn Hương, Tổng giám đốc PGBank phát biểu tại sự kiện

Ông Nguyễn Văn Hương, Tổng giám đốc PGBank phát biểu tại sự kiện

Trong 5 năm qua, các chỉ tiêu trọng yếu của PGBank đều tăng trưởng mạnh mẽ, với tổng tài sản tăng gấp đôi, từ 36.153 tỷ đồng năm 2020 lên 73.015 tỷ đồng năm 2024; vốn chủ sở hữu đạt 5.166 tỷ đồng, tăng 32% so với 2020; lợi nhuận trước thuế 2024 đạt 425 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2020; cho vay khách hàng tăng gần 62% trong 5 năm (2020 đạt 25.675 tỷ đồng, 2024 đạt 41.533 tỷ đồng); tỷ lệ nợ xấu kiểm soát tốt, dưới 3%; hệ số an toàn vốn (CAR) duy trì trên 10 - 12%, luôn cao hơn chuẩn Ngân hàng Nhà nước.

Không chỉ tập trung vào chỉ tiêu tài chính, PGBank còn triển khai các chiến lược mang tính nền tảng và lâu dài. PGBank đã hoàn thành tăng vốn điều lệ lên 4.200 tỷ đồng vào tháng 3/2025 thông qua phát hành cổ phiếu thưởng và hoàn tất chào bán cổ phần ra công chúng, đặt mục tiêu tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng vào quý II/2025, và hoàn tất tăng vốn gấp đôi lên 10.000 tỷ vào cuối năm 2025.

Ngân hàng cũng ra mắt diện mạo thương hiệu mới vào năm 2024, hiện đại, năng động hơn, phản ánh đúng tinh thần đổi mới và hội nhập, song song, đẩy mạnh chuyển đổi số: hiện đại hóa hệ thống ngân hàng lõi, ra mắt ngân hàng số toàn diện, nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Giai đoạn 2025-2030, HĐQT đặt mục tiêu đưa PGBank trở thành Top 15 các ngân hàng thương mại cổ phần tăng trưởng thu nhập hoạt động (TOI) cao nhất; tăng vốn điều lệ lên tối thiểu 20.000 tỷ đồng vào năm 2030; tăng trưởng doanh thu hàng năm từ 25 - 30%; Tỷ lệ chi phí trên thu nhập dưới 40%, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%; tìm kiếm cổ đông chiến lược trong nước và quốc tế; luôn tuân thủ các giới hạn, tỷ lệ an toàn theo quy định của NHNN và pháp luật.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, với phương châm hành động “Phát triển mạnh mẽ - Hiệu quả- Bền vững”, HĐQT đã định hướng xây dựng PGBank trở thành Ngân hàng bán lẻ dựa trên nền tảng Chuyển đổi số, với các trụ cột chiến lược trọng tâm giai đoạn 2025-2030 bao gồm:

Thứ nhất, hiện đại hóa Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số mạnh mẽ;

Thứ hai, tăng cường Quản trị rủi ro và phát triển bền vững;

Thứ ba, quản trị, phát triển nguồn nhân lực, tối ưu hóa bộ máy vận hành, dựa trên nền tảng nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua gia tăng năng lực tài chính, bằng các giải pháp như tìm kiếm cổ đông chiến lược và mở rộng cơ hội đầu tư nhằm đa dạng hóa sản phẩm, cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện cho khách hàng, tăng doanh thu và nâng giá trị thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế.

Cơ cấu thành viên HĐQT, Ban kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ 2025-2030

Đại hội cũng thông qua cơ cấu thành viên HĐQT, BKS nhiệm kỳ 2025-2030 và bầu nhân sự dự kiến giữ chức danh thành viên HĐQT, thành viên BKS nhiệm kỳ 2025-2030 theo quy định pháp luật, quy định tại Điều lệ của PGBank.

Theo đó, bà Cao Thị Thúy Nga - Thành viên độc lập HĐQT PGBank nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ trở thành tân Chủ tịch HĐQT PGBank nhiệm kỳ 2025-2030; ông Trần Ngọc Dũng tiếp tục được bầu là Trưởng BKS PGBank. PGBank sẽ bổ sung thêm Thành viên HĐQT và BKS theo quy định Luật Tổ chức Tín dụng 2024 vào kỳ họp Đại hội đồng cổ đông bất thường trong thời gian quy định.

PGBank ra mắt HĐQT nhiệm kỳ 2025-2030
PGBank ra mắt HĐQT nhiệm kỳ 2025-2030

Bà Nga đã có hơn 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt ở những vị đặt nền móng, xây dựng nền tảng ngân hàng. Bà Nga gia nhập Ngân hàng BIDV vào năm 1980, sau đó đảm nhiệm vị trí Phó phòng cấp phát tín dụng BIDV. Năm 1992, bà là một trong 5 cán bộ cao cấp được BIDV cử sang đặt nền móng xây dựng ngân hàng liên doanh nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam – Ngân hàng VID Public Bank nay là Ngân hàng Public Bank, giữ chức vụ Kế toán trưởng kiêm trưởng Ban Tổ chức nhân sự.

Năm 2005, bà Nga gia nhập Ngân hàng MB với vai trò Phó tổng giám đốc phụ trách thành lập Khối bán lẻ và lần lượt đảm nhiệm các vai trò xây dựng thương hiệu MB, phát triển mạng lưới, và quản lý các công ty thành viên của MB Group; Chủ tịch HĐQT, Trưởng Ban kiểm soát Chứng khoán MB (MBS)… Tháng 8/2024, bà trở thành Thành viên độc lập HĐQT PGBank.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục