Báo cáo tình hình kinh doanh năm 2020 của Ban lãnh đạo GMD cho thấy, mặc dù đại dịch Covid-19 đã tạo nên những vết thương nghiêm trọng, gây cản trở và làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng Gemadept đã ghi nhận doanh thu đạt 2.606 tỷ đồng, lợi nhuận 513 tỷ đồng, đều vượt kế hoạch đặt ra tại Đại hội cổ đông năm 2020.
Trong đó, khai thác cảng tiếp tục là hoạt động cốt lõi với doanh thu đạt 2.171 tỷ đồng, chiếm 83% tổng doanh thu; hoạt động Logistics và hoạt động khác đạt 434 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ và chiếm 17% tổng doanh thu.
Trong năm 2020, doanh nghiệp đã đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang thiết bị hiện đại cho các cảng trong hệ thống như Cảng Bình Dương, Cảng Nam Hải Đình Vũ, Cảng Nam Đình Vũ, Cảng Gemadept Dung Quất; hoàn thành thi công, vận hành thử nghiệm Cảng nước sâu Gemalink để đưa vào khai thác từ đầu quý I/2021.
Bên cạnh hoạt động cốt lõi là khai thác cảng và logistics, đối với lĩnh vực trồng cao su, doanh nghiệp đã dừng trồng mới, tiếp tục thực hiện chăm sóc tốt vườn cây và tìm đối tác để hợp tác đầu tư, chuyển nhượng dự án trong giai đoạn sắp tới.
Đối với lĩnh vực bất động sản, hiện nay Công ty có hai dự án khu phức hợp là dự án Saigon Gem tại khu trung tâm quận 1, TP.HCM và dự án khách sạn 5 sao tại Viêng Chăn (Lào).
Trong đó, dự án Saigon Gem đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục pháp lý để có thể triển khai xây dựng. Còn dự án tại Viêng Chăn có diện tích 6.715 m2, hiện đang trong giai đoạn thi công phần móng và hầm, sau khi hoàn thành, dự án sẽ cung cấp khoảng 231 phòng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao tại Viêng Chăn. Đối với hai dự án bất động sản này, Công ty cũng đang tích cực tìm kiếm đối tác tiềm năng để hợp tác, thoái vốn khi điều kiện thuận lợi.
Ông Đỗ Văn Nhân, Chủ tịch HĐQT Gemadept cho biết, cảng nước sâu Gemalink đã hoàn thành và đưa vào khai thác đúng tiến độ vào quý I/2021. Hiện nay, sản lượng hàng hoá qua nhóm Cảng Thị Vải - Cái Mép liên tục tăng trưởng 2 con số trong những năm qua. Trong quý I/2021, cảng Gemalink khai thác lỗ, nhưng bắt đầu từ quý II/2021 trở đi đã bắt đầu có lãi.
Ông Nhân tin tưởng, năm 2021, cảng Gemalink sẽ có lãi ngay năm đầu khai thác, điều rất hiếm cảng nào trên thế giới thực hiện được. Đây là nền móng quan trọng cho doanh nghiệp phát triển kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Trong kế hoạch 5 năm trước, doanh nghiệp đặt chỉ tiêu phát triển cơ sở hạ tầng, trong kế hoạch 5 năm lần này, sẽ phát triển cơ sở hạ tầng và kèm theo kế hoạch tăng trưởng 2 con số mỗi năm, cuối năm 2025 sẽ phấn đấu tăng lợi nhuận lên gấp 3 lần so với năm 2020.
Trong năm 2021, Gemadept tiếp tục đặt kế hoạch kinh doanh dựa trên 2 kịch bản. Trong đó, kịch bản lạc quan, doanh thu hợp nhất là 2.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 700 tỷ đồng, lần lượt bằng 107% và 137% so với thực hiện trong năm 2020; kịch bản trung bình, doanh thu hợp nhất là 2.700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 630 tỷ đồng, lần lượt bằng 104% và 123% so với thực hiện trong năm 2020.
Trong năm 2021, Gemadept sẽ tiếp tục triển khai các dự án trọng điểm nhằm mở rộng quy mô và tạo tiền đề cho các kế hoạch tăng trưởng dài hạn giai đoạn 2021-2025.
Tại dự án Cảng nước sâu Gemalink - giai đoạn 2 với diện tích 39 ha, tổng vốn đầu tư 4.200 tỷ đồng, công suất 900.000 Teus/năm dự kiến sẽ triển khai trong quý IV/2021, mục tiêu đưa vào khai thác từ năm 2023.
Tại dự án Cảng Nam Đình Vũ dự kiến khởi động giai đoạn 2 trong năm 2021 và đưa vào khai thác trong năm 2022. Được biết, quy mô dự án Cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2 và 3 khoảng 22 - 44 ha, tổng vốn đầu tư 2.000 - 4.500 tỷ đồng.
Phát triển các dự án mới, hệ thống Trung tâm Logistics và ICD phía Nam, quy mô 10 ha với tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng. Trong đó, tập trung nghiên cứu và đầu tư cảng biển, cảng hàng hoá hàng không, cảng thuỷ nội địa, trung tâm logistics, DC, ICD, khu công nghiệp…
Về kế hoạch cổ tức, doanh nghiệp trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức năm 2020 tỷ lệ 12% bằng tiền mặt.
Ngoài ra, Công ty trình cổ đông phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn (ESOP) dành cho cán bộ quản lý và cán bộ nhân viên có đóng góp xuất sắc trong quá trình phát triển của Công ty giai đoạn 2021 - 2025, tỷ lệ phát hành trong một năm không vượt quá 1,5% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành tại năm đó.
Nếu trong năm tài chính mà doanh nghiệp không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trước thuế sẽ không phát hành. Nếu hoàn thành từ 100 - 110% kế hoạch lợi nhuận sẽ phát hành 1,2% số cổ phiếu đang lưu hành. Nếu tỷ lệ hoàn thành từ 110% trở lên sẽ phát hành 1,5% số cổ phiếu đang lưu hành.
Số cổ phiếu mua ưu đãi bị bạn chế chuyển nhượng trong 2 năm, trong năm thứ 3 sẽ giải toả được 50% số cổ phiếu và trong năm thứ 4 sẽ giải toả 50% số cổ phiếu còn lại.
Phần thảo luận:
Nguy cơ đại dịch toàn cầu, nhiều doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, rủi ro của Gemadept như thế nào?
Gemadept xác định đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới các doanh nghiệp vận tải, logistics…, ban lãnh đạo đã đưa ra giải pháp và duy trì ổn định phát triển kinh doanh. Xác định dòng tiền là máu, thời gian qua, Công ty đã làm việc với nhà thầu, ngân hàng để cắt giảm chi phí, kiểm soát thu hồi công nợ, báo cáo thu hồi công nợ hàng ngày, hàng giờ. Trong năm 2020 không xuất hiện một khoản nợ xấu nào.
Kế hoạch huy động vốn đối với các dự án trọng điểm của Công ty?
Phương án huy động vốn của Gemadept rất linh hoạt theo từng thời điểm, có tín nhiệm với ngân hàng và các tổ chức tài chính. Trong thời gian qua, Công ty đã làm việc thu xếp vốn với các tổ chức tín dụng cũng như làm việc, hợp tác thu hút sự tham gia của các hãng tàu cùng đầu tư, phát triển và gia tăng lượng hàng, đảm bảo chi phí vốn tối ưu và mang lại hiệu cao nhất cho dự án và các cổ đông.
Ban lãnh đạo hoàn toàn tự tin có thể thu xếp được các nguồn vốn tốt cho các dự án trong tương lai.
Ước tính tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm?
Doanh nghiệp ước tính doanh thu đạt 1.439 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ và hoàn thành 51% kế hoạch; lợi nhuận 388 tỷ đồng, lần lượt tăng 38% so với cùng kỳ và đạt 55% kế hoạch năm 2021 theo kịch bản lạc quan.
Tình hình hoạt động của Gemalink trong năm 2021?
Chuyến tàu thương mại đầu tiên đã được khai thác ngày 19/1/2021 và liên tục đón thêm tàu mới. Trong 2 quý đầu tiên đi vào hoạt động, sản lượng của cảng đạt 330.000 - 350.000 Teus, ước tính cả năm đạt 950.000 - 1.100.000 Teus.
Trong giai đoạn đầu năm, ngành vận tải biển gặp nhiều sự cố như tắc nghẽn kênh đào Suez, vấn đề từ cảng quốc tế Yantian (Trung Quốc), tình trạng thiếu container…, nên tất cả các cảng đều bất ổn, các hãng tàu không duy trì được việc ổn định lịch tàu như kế hoạch. Riêng cảng Gemalink hiện hoạt động được 90% công suất và từ quý III/2021 sẽ hoạt động hết công suất. Tương đương doanh thu đóng góp khoảng 40 triệu USD, lợi nhuận 1,7 - 1,8 triệu USD trong năm 2021.
Tổng sản lượng container qua cảng Hải Phòng tăng trưởng như thế nào?
Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng thông qua cụm cảng của Gemadept tại Hải Phòng tăng 18% so với cùng kỳ, sản lượng dự kiến tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm nhờ vào các hợp đồng đã ký.
Tại sao đẩy mạnh kế hoạch đầu tư dự án Nam Đình Vũ giai đoạn 2 và 3?
Hiện tại, Khu vực Hải Phòng có 16 cảng, khu vực thượng lưu có 8 cảng, khu vực hạ lưu có 7 cảng và 1 cảng Lạch Huyện. Trong thời gian tới, khu vực thượng lưu sẽ chuyển đổi công năng.
Cảng Lạch Huyện chia sẻ khoảng 12% thị phần với các tàu đi Mỹ và châu Âu, trong khi khu vực Đình Vũ phục vụ phân khúc tàu nội Á và tàu feeder chiếm thị phần chính. Thời gian qua, khu vực Lạch Huyện cũng gặp khó khăn do độ sâu trước bến giảm, tắt nghẽn giao thông trên cầu Tân Vũ-Lạch Huyện…
Gemadept sẽ khai thác tối đa công suất Cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 1 vào quý III/2021 và quý IV/2021 nên phải nhanh chóng xây dựng giai đoạn 2 của Cảng để đón nhận những tàu mới, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Lợi thế của GMD là hợp tác lâu năm với các hãng tàu hàng đầu, điều này là lợi thế quan trọng để công ty có thể hợp tác với các đối tác để tiếp tục triển khai giai đoạn 2 và 3 của Cảng Nam Đình Vũ trong thời gian tới.
Trên thực tế, các cảng ở Hải Phòng khá manh mún, phân mảnh. Khi hoàn thành các giai đoạn tiếp theo, Cảng Nam Đình Vũ sở hữu cầu bến dài nhất tại khu vực, năng lực thu hút được nhiều hãng tàu và đội tàu trong thời gian tới.
Tiến trình giảm sở hữu tại Gemalink từ 65% về 51% như thế nào?
Gemadept đang sở hữu 75% cổ phần tại Gemalink. Gemadept luôn sẵn sàng chào đón làm việc với các đối tác hợp tác vào dự án. Theo kế hoạch, Gemadept sẽ vẫn nắm quyền chi phối cảng Gemalink nếu việc chuyển nhượng một phần cổ phần cho các đối tác được thực hiện.
Hiện tại, với tiềm năng và giá trị ngày càng gia tăng của cảng Gemalink, cũng như mục tiêu của các hãng tàu muốn có một cảng nhà trung chuyển (homeport) tại khu vực Cái Mép, công ty đang tìm thêm cổ đông là các hãng tàu để tăng sản lượng và lượt tàu cho cảng tối đa hóa giá trị công ty Gemalink và mang lại giá trị cao nhất cho các cổ đông.
Với vị trí đắc địa và tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ tại khu vực, có rất nhiều đối tác muốn thương lượng để cùng đầu tư vào cảng Gemalink, Công ty theo đó sẽ làm việc và chọn đối tác thích hợp để gia tăng lợi ích trong tương lai. Việc công bố thông tin về hợp tác sẽ được thực hiện tuân thủ theo quy định.
Tình hình tại dự án cao su như thế nào?
Chủ trương Công ty sẽ tập trung vào lĩnh vực cốt lõi là khai thác cảng và logistics. Theo đó, dự án cao su đang được duy trì chế độ chăm sóc tối thiểu để đảm bảo chất lượng vườn cây và sản lượng mủ tốt nhất, công ty sẽ xem xét thời điểm khai khác mủ phù hợp, đồng thời tìm đối tác để thoái vốn, chuyển nhượng, hợp tác đầu tư, phát triển trồng thêm các cây trồng khác phù hợp… đảm bảo tối đa hóa giá trị của dự án.