Sức nóng của các bàn đăng ký ngày càng “hầm hập” hơn dù 8h10, bên trong Hội trường đã bắt đầu khai mạc với lời giới thiệu các khách mời và lãnh đạo Ngân hàng.
Tính đến 8h27, có 1.570 cổ đông (cả người có uỷ quyền) tham dự đại hội, đại diện cho 64,78% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết và tại thời điểm 10h15, có khoảng 4.400 cổ đông đã đăng ký. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, MB là ngân hàng có số lượng cổ đông tham dự ĐHCĐ đông nhất trong năm nay.
Chủ tịch HĐQT MB Lưu Trung Thái cho biết, HĐQT trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2025 với lợi nhuận trước thuế tăng xấp xỉ 10% so với mức thực hiện năm 2024. Trong năm 2024, Ngân hàng ghi nhận lãi hợp nhất trước thuế đạt 28.829 tỷ đồng. Như vậy, ước tính lợi nhuận trước thuế hợp nhất của MB trong năm 2025 dự kiến đạt khoảng 31.712 tỷ đồng.
Ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 21,2%, tức đạt gần 1,37 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2025. Huy động vốn trong năm 2025 kỳ vọng đạt mức tăng trưởng 23,3%, trong khi đó tín dụng được dự báo sẽ tăng trưởng xấp xỉ 23,7% trong năm 2025, tùy thuộc theo hạn mức của NHNN.
Tỷ lệ nợ xấu năm 2025 sẽ được kiểm soát dưới 1,7%, tỷ lệ an toàn vốn CAR tuân thủ Base II ở mức tối thiểu là 9%; ROE xấp xỉ 20-22%, ROA xấp xỉ 2% và CIR dưới 30%. Tới cuối năm 2025, kế hoạch MB sẽ có 34-35 triệu khách hàng và cán mốc 40 triệu khách hàng vào năm 2029.
|
8h10 phút, cổ đông vẫn kiên nhẫn xếp hàng đăng ký dự Đại hội |
Chủ tịch HĐQT chia sẻ: “Mục tiêu của MB là duy trì vị thế trong nhóm Big 5 ngân hàng tại Việt Nam. Ngân hàng cũng sẽ tối ưu chi phí vốn, tiếp tục giữ vững vị thế Top đầu về tỷ lệ CASA trong toàn hệ thống”.
Ngân hàng lên kế hoạch sử dụng 21.556 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông, với tổng tỷ lệ 35% gồm hai cấu phần, đáng chú ý là chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 3%, tương ứng tổng số tiền chi trả là 1.831 tỷ đồng.
Ngoài việc nâng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, MB cũng có kế hoạch phát hành riêng lẻ thêm 62 triệu cổ phiếu, tương đương mức tăng vốn điều lệ là 620 tỷ đồng. Đây là phương án đã được ĐHĐCĐ năm 2024 thông qua. Nếu hoàn thành hai cấu phần tăng vốn này, vốn điều lệ của MB dự kiến sẽ tăng từ hơn 61.022 tỷ đồng lên 81.368 tỷ đồng.
Ban Lãnh đạo Ngân hàng cho biết, nguồn vốn tăng thêm được sử dụng bổ sung vốn đầu tư tăng năng lực là 7,7 tỷ đồng (bao gồm việc đầu tư trụ sở MB ở khu vực phía Nam, miền Trung và/hoặc các khu vực khác có tổng mức đầu tư thấp hơn 20% vốn ngân hàng); đầu tư bổ sung vốn hoạt động, (mô hình kinh doanh mới, các hoạt động kinh doanh...) là 12,6 tỷ đồng.
|
Dù đại hội đã bắt đầu khai mạc nhưng cổ đông vẫn xếp hàng dài để vào Hội trường |
MB cũng trình cổ đông thông qua phương án mua lại 100 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng 1,6% vốn điều lệ nhằm “bảo vệ lợi ích của cổ đông và giá trị doanh nghiệp trước những biến động của thị trường chứng khoán; và/hoặc mang lại lợi ích cho cổ đông hiện hữu của MB”. Phương thức thực hiện là khớp lệnh và dự kiến thực hiện trong năm nay hoặc năm sau khi nhận được sự phê duyệt, hướng dẫn của cơ quan Nhà nước. Nguồn vốn thực hiện từ thặng dư vốn cổ phần của ngân hàng, theo báo cáo tài chính kiểm toán gần nhất.
|
Một trong những sức hút" hấp dẫn cổ đông MB |
Tại Đại hội, HĐQT cũng trình ĐHĐCĐ thông qua việc góp vốn vào MBV tối đa 5.000 tỷ đồng. Trên cơ sở phương án được duyệt, MBV có thể chuyển đổi thành ngân hàng TNHH hai thành viên trở lên, ngân hàng liên doanh, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, sáp nhập vào MB hoặc theo hình thức khác phù hợp quy định pháp luật.
Đồng thời, MB lên kế hoạch thành lập Ngân hàng con tại Lào (trên cơ sở chuyển đổi Chi nhánh MB Lào) và thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện tại các quốc gia tiềm năng, môi trường kinh doanh thuận lợi và/hoặc có cơ hội phát triển mạng lưới của MB (như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Đài Loan...).