ĐHĐCĐ LienVietPostBank: Sẽ niêm yết trên HOSE, lợi nhuận 6 tháng xấp xỉ 1.000 tỷ đồng

(ĐTCK) Đại hội đồng cổ đông LienVietPostBank đã thông qua kế hoạch chuyển giao dịch cổ phiếu từ UPCoM lên niêm yết tại sàn HOSE trong năm 2020. Lãnh đạo Ngân hàng cam kết sẽ lên sàn trước tháng 12.
ĐHĐCĐ LienVietPostBank: Sẽ niêm yết trên HOSE, lợi nhuận 6 tháng xấp xỉ 1.000 tỷ đồng

Phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 tổ chức này 25/6 của LienVietPostBank (LPB - UPCoM), ông Phạm Doãn Sơn, Tổng giám đốc LienVietPostBank cho biết, trước đại dịch Covid-19, Ban lãnh đạo Ngân hàng dự kiến lợi nhuận năm 2020 là 2.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, đại dịch đã tác động lớn đến kinh tế thế giới và trong nước, nên Ban lãnh đạo đã họp điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh ở mức 1.700 tỷ đồng, cổ tức chi trả thấp nhất 8%. 

“Kế hoạch như vậy, nhưng Ban lãnh đạo sẽ cố gắng làm sao tốt nhất. Tôi tin 1.700 tỷ đồng là con số sẽ đạt được và có thể vượt kế hoạch, bởi tính đến 30/6, mặc dù Ngân hàng phải giảm lãi suất, cơ cấu lại kỳ hạn… theo Thông tư 01/NHNN, nhưng lợi nhuận đã đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng”, ông Sơn tiết lộ.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc nâng cấp phòng giao dịch, ông Sơn chia sẻ, lộ trình nâng cấp phòng giao dịch bắt đầu từ cuối năm 2018, nửa đầu 2019 mới gần như nâng cấp xong. Hiện còn gần 100 phòng giao dịch cần nâng cấp.

Như vậy, phòng giao dịch cấp huyện sắp tới sẽ phủ sóng trên toàn quốc. Việc mở mới phòng giao dịch cần có độ trễ về chi phí, độ trễ củng cố nhân sự từ đó nâng suất lao động mới đẩy lên được.

“Chúng ta cho vay nhỏ lẻ, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng bị khống chế, đây là mạng lưới mang lại lợi nhuận tốt trong những năng tới, đặc biệt là những dịch vụ như bảo hiểm. Chi phí dồn lại cho việc mở rộng mạng lưới hơn 1.000 tỷ đồng, nhưng các năm tiếp theo chi phí sẽ không lớn và lợi nhuận sẽ tốt hơn”, ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, các ngân hàng vừa rồi công bố có lợi nhuận tốt vì một phần do có bảng bán bảo hiểm. LienVietPostBank ổn định hệ thống mạng lưới, chất lượng nhân sự rồi mới bàn đến chuyện lợi nhuận. Từ năm 2021, lợi nhuận LienVietPostBank sẽ tốt hơn và Ban điều hành sẽ làm tốt nhất những gì có thể cho cổ đông.

"Ngân hàng sẽ chú trọng thu dịch vụ, trong đó tập trung bán bảo hiểm nhân thọ. Hiện nguồn thu về mảng này của LienVietPostBank trong top 10 các ngân hàng trên thị trường", ông Sơn nói.

Đối với ý kiến của cổ đông về việc chuyển lên niêm yết, ông Sơn cho biết, Ngân hàng đã có ý định từ vài năm trước, nhưng do tình hình vừa qua không tốt nên chưa triển khai được.

“Tôi cam kết chắc chắn trong năm 2020 sẽ chuyển lên niêm yết, thực hiện trước tháng 12. Việc lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài, đang thuê tư vấn để lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính, uy tín để bán đươc giá tốt. LienVietPostBank đang thuê tư vấn và trong quá trình lên sàn sẽ công bố thông tin và gặp gỡ với nhà đầu tư", ông Sơn cho biết.

ĐHĐCĐ LienVietPostBank: Sẽ niêm yết trên HOSE, lợi nhuận 6 tháng xấp xỉ 1.000 tỷ đồng ảnh 1

Trước thắc mắc của cổ đông tại sao giá trị cổ phiếu trên thị trường chứng khoán thấp, ông Sơn cho biết: “Giá trị thật theo sổ sách được các tổ chức đánh giá là 14.000 đồng/cổ phiếu. Với việc lên sàn niêm yết chính thức, cổ đông yên tâm giá trị thật sẽ cao trong những năm tới”.

Liên quan đến VNPost, ông Sơn thông tin, không có gì thay đổi trong quá trình hợp tác và hoạt động, phân khúc khách hàng giữa hai bên không có trùng lắp, ảnh hưởng đến nhau.

Tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng được NHNN cho phép 10,75%. Thời gian tới có thể tăng nữa hay không đợi còn đợi NHNN.

Về tái cơ cấu nợ do Covid-19, LienVietPostBank đã tái cơ cấu khoảng 5.000 tỷ đồng, bên cạnh đó, việc giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng theo quy định cũng ảnh hưởng 300 - 400 tỷ đồng lợi nhuận, nhưng kết quả kinh doanh tính đến hiện nay cho thấy vẫn ổn.

“Cổ đông kiên nhẫn và chờ đợi”, ông Sơn nói và cho biết: "Nếu NHNN đồng ý cho chia cổ tức bằng tiền mặt, Ngân hàng sẽ thông báo với cổ đông, còn hiện tại thì vẫn thực hiện bằng chia cổ tức bằng cổ phiếu”.

Thông tin tại Đại hội, lãnh đạo Ngân hàng cho biết, kết thúc 5 tháng đầu năm 2020, LienVietPostBank đạt mức lợi nhuận trước thuế gần 830 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 208.000 tỷ đồng, tổng huy động thị trường 1 đạt hơn 168.300 tỷ đồng và dư nợ cho vay thị trường 1 đạt gần 148.600 tỷ đồng.

Năm 2020, LienVietPostBank tiếp tục kiên định với chiến lược bán lẻ trên cơ sở khai thác thế mạnh về mạng lưới. Ngân hàng thực hiện đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ để phục vụ và đáp ứng kịp thời cho các đối tượng khách hàng khu vực nông thôn còn rất nhiều tiềm năng mà các ngân hàng khác chưa có khả năng khai thác.

Trên cơ sở tình hình thị trường trong nước và quốc tế bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19, Đại hội đồng cổ đông LienVietPostBank đặt mục tiêu năm 2020 theo hướng thận trọng với tổng tài sản đạt 210.000 tỷ đồng, huy động thị trường 1 đạt 168.000 tỷ đồng, dư nợ thị trường 1 đạt 156.000 tỷ đồng.

Đại hội đã thông qua kế hoạch chuyển giao dịch cổ phiếu từ UPCoM lên niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) trong năm 2020 nhằm nâng cao hình ảnh và nhận diện thương hiệu của Ngân hàng trong cộng đồng nhà đầu tư trong nước, quốc tế cũng như các khách hàng đang giao dịch tại Ngân hàng, nâng cao tính thanh khoản của cổ phiếu, đem lại lợi ích tối đa cho cổ đông. 

Đồng thời, thông qua tờ trình về phương án tăng vốn thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu trong năm nay. Theo đó, Ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 10% trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm phát hành (97.694.831 cổ phần). Vốn điều lệ dự kiến sau khi phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức năm 2019 là 10.746 tỷ đồng.

Ban Lãnh đạo Ngân hàng cho biết, việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp LienVietPostBank đầu tư nâng cấp hệ thống mạng lưới, phát huy lợi thế cạnh tranh về bán lẻ, hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác quản trị điều hành và cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, phát triển ngân hàng số theo xu hướng 4.0; đồng thời bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn để phục vụ tăng trưởng tín dụng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nâng cấp hạ tầng và cơ sở vật chất của Ngân hàng.

Việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp LienVietPostBank tiếp tục thực hiện mục tiêu tăng trưởng và phát triển trong dài hạn cũng như đảm bảo tuân thủ các quy định chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước, hướng tới đáp ứng các chuẩn mực quốc tế cao hơn, giúp Ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, tạo nguồn lực để phát triển bền vững, an toàn và hiệu quả.

Năm 2019, LienVietPostBank đạt lợi nhuận trước thuế là 2.039 tỷ đồng. Trong đó, mảng dịch vụ với các sản phẩm tiêu biểu như chuyển tiền, thanh toán quốc tế, dịch vụ thẻ, bảo hiểm... ghi nhận kết quả ấn tượng. Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ năm 2019 cao gấp 2,5 lần so với năm 2018 và đạt mức cao nhất trong 12 năm hoạt động.

LienVietPostBank tiếp tục thực thi chiến lược mở rộng điểm giao dịch với việc khai trương thêm 3 chi nhánh, nâng cấp 147 phòng giao dịch từ phòng giao dịch bưu điện, nâng tổng số điểm giao dịch của Ngân hàng từ 288 điểm năm 2018 lên 538 điểm năm 2019, duy trì vị trí ngân hàng TMCP có mạng lưới lớn nhất cả nước.

Các điểm giao dịch của Ngân hàng phủ rộng khắp cả nước là cơ sở để LienVietPostBank đẩy mạnh bán lẻ, cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính vi mô đến tận vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn.

Trong năm 2018 - 2019, LienVietPostBank đã có những nỗ lực trong việc cải thiện cơ cấu nguồn vốn, nâng cao chất lượng tổng tài sản, các quy trình, quy định kiểm soát nội bộ, từng bước áp dụng công tác quản trị, điều hành theo đúng chuẩn mực quốc tế. Nhờ đó, LienVietPostBank đã được NHNN cho phép áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN về tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn Basel II trước thời hạn.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục