Trong thời gian chờ đợi đại hội đủ điều kiện diễn ra, ông Lê Viết Hiếu, Thành viên HĐQT HBC trước khi trình bày tình hình kinh doanh 2022 của HBC đã giới thiệu ông Bolat Duisenov, ông Trần Quang Tuấn, Chủ tịch Xây dựng Central và ông Nguyễn Khắc Đồng, Tổng giám đốc Xây dựng An Phong là những nhà thầu trong liên doanh Hoa Lư tham gia đấu thầu xây dựng dự án sân bay Long Thành.
Theo nguồn tin của Đầu tư Chứng khoán, những nhà thầu tham dự với tư cách khách mời của ĐHĐCĐ. Chưa có những thông tin về việc Coteccons đầu tư sở hữu cổ phiếu HBC, như câu hỏi mà nhiều nhà đầu tư, cổ đông cá nhân đang đặt ra.
Lẵng hoa của Liên doanh Hoa Lư và Coteccons gửi đến ĐHĐCĐ HBC. |
Về kế hoạch năm nay, với nhiều tín hiệu lạc quan, năm 2023, Hoà Bình giữ mục tiêu kinh doanh được xác định từ đầu năm với chỉ tiêu trúng thầu kỳ vọng đạt 17.000 tỷ đồng. Theo đó, doanh thu hợp nhất dự kiến đạt 12.500 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất đạt 125 tỷ đồng.
Cũng trong thời gian chờ đợi, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT HBC bày tỏ trước cổ đông, năm 2022 và 2023 có thể khẳng định là thời kỳ khó khăn nhất của Hoà Bình trong suốt hành trình qua hơn 35 năm. Riêng 5 năm gần đây là thời gian có nhiều biến cố vô cùng bất lợi cho ngành xây dựng, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng nhà ở đô thị và du lịch, hai lĩnh vực chủ yếu của Hoà Bình.
Từ năm 2017 đã có rất ít dự án nhà ở đô thị được cấp phép xây dựng, trong khi đó, nguồn nhân lực trong ngành vẫn cứ tăng liên tục nhưng nguồn việc thì không tăng mà ngược lại sụt giảm mạnh. Từ thực trạng thiếu việc làm tạo nên mất cân đối cung cầu đã gây bất lợi rất lớn cho các nhà thầu; xây dựng trở nên cạnh tranh khốc liệt hơn bao giờ hết.
Những biến động tiêu cực của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng suốt những năm qua khiến Tập đoàn ghi nhận doanh thu 14.154 tỷ đồng và lỗ tới 2.572 tỷ đồng.
“Là người chèo lái con thuyền Hoà Bình, tôi xin nhận trách nhiệm của mình khi chưa làm tròn nghĩa vụ đưa Hoà Bình phát triển như kỳ vọng, theo đúng tầm nhìn chiến lược đã xác định, chưa xứng đáng với niềm tin và lòng mong mỏi của cổ đông”, ông Hải nói.
Trong thời gian sóng gió, Hoà Bình đã bắt tay vào tái cấu trúc tài chính, tái cấu trúc nguồn nhân lực, tái cấu trúc sản phẩm và thị trường, tái cấu trúc hệ thống quản lý; tái cấu trúc hệ thống các công ty thành viên và công ty liên kết.
Sau khi hoàn tất việc tái định giá lại tài sản, phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược (đến ngày 23/06/2023) đã có 89 nhà cung cấp và nhà thầu phụ đồng ý cấn trừ nợ bằng cổ phiếu với giá trị 650 tỷ đồng) và thành công trong việc hoàn nhập nợ ngắn hạn phải thu khó đòi luỹ kế lên 31/12/2023 lên đến 2.059 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu của HBC sẽ cao hơn nhiều so với những năm trước.
“Đó là một mục tiêu đầy thử thách nhưng bằng nhiều sáng kiến và những nỗ lực vượt bậc chúng tôi đánh giá đó không phải là một mục tiêu bất khả thi”, ông Hải khẳng định.