Trong đó, mảng nền móng và xây dựng dự kiến sẽ mang về 2.800 tỷ đồng doanh thu, còn mảng hạ tầng và công trình ngầm dự kiến doanh thu 1.000 tỷ đồng.
Còn đối với công mẹ, Fecon đặt mục tiêu năm 2023 với doanh thu dự kiến 2.100 tỷ đồng, tăng 19% so với thực hiện năm 2022; lợi nhuận sau thuế 110 tỷ đồng, tăng trưởng 175% so với kết quả năm 2022.
Lãnh đạo Công ty cho biết, kế hoạch năm 2023 được đưa ra dựa trên đánh giá các nguồn lực hiện có và bối cảnh ngành xây dựng được dự báo tăng trưởng trở lại, nhiều vấn đề vướng mắc được giải quyết. Tuy nhiên, Công ty cũng nhận định những khó khăn, thách thức của năm 2022 đến thời điểm hiện tại vẫn đang có tác động xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó có Fecon.
Bên cạnh đó, ĐHĐCĐ đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2022 với kế hoạch chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt, tỷ lệ tối đa 5% vốn điều lệ, tương ứng tổng số tiền dự chi là gần 78,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, ĐHĐCĐ đã thông qua việc điều chỉnh thời gian hạn chế chuyển nhượng đối với cổ phiếu FCN do Quỹ đầu tư hạ tầng Red One nắm giữ xuống còn 17 tháng.
Cụ thể, cuối năm 2021, Fecon đã chào bán riêng lẻ 32 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá 13.000 đồng/cổ phiếu và thu về 416 tỷ đồng. Trong đó, Quỹ đầu tư hạ tầng Red One (nhà đầu tư trong nước) và CTCP Raito Kogyo (nhà đầu tư nước ngoài), mỗi bên mua 16 triệu cổ phiếu.
Theo quy định của đợt phát hành, số cổ phiếu trên sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng hai năm, kể từ ngày kết thúc chào bán (ngày 26/11/2021). Tuy nhiên, hiện tại, HĐQT của Fecon cho rằng hạn chế chuyển nhượng hai năm với số cổ phiếu trên của Red One không còn cần thiết và kiến nghị với cổ đông thông qua việc giảm thời gian hạn chế chuyển nhượng xuống còn 17 tháng, tức thời gian hạn chế từ ngày 26/11/2021 đến hết ngày 25/4/2023.
Phần thảo luận:
Kết quả kinh doanh quý I/2023 của Công ty?
Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc Fecon: Quý I/2023, Fecon dự kiến doanh thu tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 609 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế khoảng 3 tỷ đồng.
Giá trị hợp đồng chuyển tiếp từ năm 2022 sang năm 2023 là 2.500 tỷ đồng trên toàn hệ thống Công ty, dự kiến đem lại doanh thu 1.800 tỷ đồng. Đặc biệt, trong quý I vừa qua, Công ty ghi nhận kết quả hợp đồng ký mới đạt khoảng 700 tỷ đồng.
Trong năm nay, các dự án tập trung của Fecon là lĩnh vực công nghiệp như nhiệt điện, khí điện, cảng biển, ví dụ như dự án Nhơn trạch 3,4 đang có giá trị xấp xỉ 400 tỷ đồng. Riêng quý I, Công ty có ký thêm 300 tỷ đồng các dự án khác. Ngoài ra, Công ty kỳ vọng sẽ có thêm hợp đồng các dự án trong lĩnh vực hạ tầng trong thời gian tới.
Về tiến độ thoái vốn tại dự án Quốc Vinh-Sóc trăng, chủ tịch HĐQT Fecon, ông Phạm Việt Khoa hiện trong dự án này Fecon nắm 49% vốn và công ty đã chốt xong việc mua bán cổ phần và dự kiến sẽ thoái vốn trong quý III/2023, chậm nhất là quý IV.
Fecon hưởng lợi gì từ việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công?
Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT Fecon: Năm 2022 và 2023 Chính phủ đã nỗ lực để kích cầu thông qua đầu tư công, ví dụ như các dự án gói thầu cao tốc giai đoạn 2 và sân bay Long Thành. Chính quyền các địa phương cũng thúc đẩy đầu tư các dự án trọng điểm.
Xu thế này tạo ra công ăn việc làm cho các tổng thầu công ty lớn về hạ tầng. Tuy nhiên, Fecon chưa thực sự tham gia vào các dự án này vì nhìn nhận thấy một số rủi ro từ các dự án này.
Điển hình, sau khi tham gia tính toán chi phí cụ thể một đoạn cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Fecon đã quyết định không tham gia vì không đủ chi phí và thách thức vô cùng lớn. Hiện Fecon đang tham gia một phần vào sân bay Long Thành, do mức giá tương đối tốt do được tính theo dạng công trình đặc biệt.
Fecon cũng đang tiếp cận với các địa phương để triển khai các dự án tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, đặc biệt là các dự án có yếu tố ngầm. Nhiều dự án có những rủi ro nhất định và FCN luôn thận trọng tham gia vào các dự án khi đã chắc chắn về lợi nhuận và dòng tiền chứ không tham gia theo trào lưu.
Áp lực về chi phí nợ vay tại FCN?
Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT Fecon: Áp lực chi phí nợ vay là vô cùng lớn với tất cả các nhà thầu trong giai đoạn này. Hầu như từ quý III/2022 đến nay, việc thu hồi công nợ là cực kỳ khó. Tốc độ nghiệm thu và tốc độ thanh toán của các chủ đầu tư rất chậm. Hiện lợi nhuận các doanh nghiệp có được hay không là do tiết kiệm được bao nhiêu chi phí tài chính.
Trong năm 2022, Fecon có chi phí tài chính khoảng 150 tỷ đồng và năm nay chi phí tài chính sẽ bằng hoặc hơn. Công ty đang bàn với đối tác chiến lược tìm cách để huy động các khoản vay từ phía Nhật Bản, hy vọng giai đoạn tới sẽ bớt đi áp lực tài chính.
Dư nợ trái phiếu của FCN còn bao nhiêu?
Bà Nguyễn Thị Nghiên, Uỷ viên HĐQT: Tại BCTC hợp nhất dư nợ trái phiếu FCN là khoản 145 tỷ đồng. Đến thời điểm báo cáo tài chính quý I/2023, số dư trái phiếu của FCN là 112 tỷ đồng. Toàn bộ trái phiếu FCN sẽ đáo hạn trong năm 2023, sẽ được thanh toán hết và mua lại định kỳ hoặc mua lại theo 6 tháng 1 lần.
Những bất ổn trên thị trường trái phiếu có tác động gián tiếp đến FCN vì những khoản trái phiếu Fecon phát hành là để phục vụ bổ sung vốn lưu động nên các khoản mua lại phù hợp với dòng tiền sản xuất kinh doanh ở Công ty. Với việc hạn chế phát hành TPDN trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến nguồn vốn các nhà thầu chính và chủ đầu tư của Fecon nên khoản phải thu của Công ty bị chậm lại.
Việc rút ngắn thời gian hạn chế giao dịch cổ phiếu chào bán riêng lẻ có khiến cổ đông lớn Red One sẽ thoái vốn?
Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT Fecon: Mặc dù Red One đề nghị rút ngắn thời gian hạn chế giao dịch, nhưng quyết định có hay không cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sự hỗ trợ của Red One đối với Fecon. Red One vẫn cam kết hỗ trợ giúp Fecon tiếp cận với các nhà đầu tư nước ngoài. Còn khả năng Red One có thoái vốn tại Fecon hay không thì vẫn còn bỏ ngỏ.
Kết thúc đại hội, tất cả các tờ trình đều được thông qua.