ĐHĐCĐ ELCOM (ELC): Thông qua việc đổi tên, đặt mục tiêu doanh thu năm 2022 đạt 1.000 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chiều ngày 28/4, CTCP Đầu tư phát triển công nghệ điện tử viễn thông (ELCOM, mã chứng khoán ELC - sàn HOSE) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 thông qua nhiều nội dung đáng chú ý.
ĐHĐCĐ ELCOM (ELC): Thông qua việc đổi tên, đặt mục tiêu doanh thu năm 2022 đạt 1.000 tỷ đồng

Đại hội đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mục tiêu doanh thu thuần đạt 1.000 tỷ đồng, tăng trưởng 51% so với thực hiện 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 70 tỷ đồng, tăng 39%. Ngoài ra, Công ty dự kiến trả cổ tức tỷ lệ tối đa là 12%.

Về cơ cấu doanh thu, mảng sản phẩm cho doanh nghiệp nhà nước chiếm 93% tổng doanh thu (trong đó, an ninh quốc phòng chiếm 29%, viễn thông chiếm 27%, giao thông chiếm 38% và VAS chiếm 6%), mảng sản phẩm cho khách hàng cá nhân chiếm 5% và bất động sản chiếm 2%.

Năm nay, Công ty tiếp tục triển khai chiến lược phát triển theo mô hình Tập đoàn với bốn trụ cột chính: mảng B1 gồm những hoạt động kinh doanh cốt lõi hiện hữu; mảng B2 cung cấp các sản phẩm, giải pháp công nghệ (SaaS, PaaS) cho khách hàng doanh nghiệp; mảng B3 cung cấp các ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực giáo dục (Colearn), y tế (Vital Sign), sức khỏe (1SK) cho khách hàng cá nhân, và mảng B4 đầu tư và phát triển bất động sản.

Ông Phan Chiến Thắng, Chủ tịch HĐQT thông tin thêm, trong giai đoạn 2022 - 2024, ELCOM đặt ra mục tiêu tăng trưởng 2 con số hàng năm. Công ty sẽ tập trung vào việc bán hàng nhằm gia tăng hiệu suất, hiệu quả và lợi nhuận ở mức cao nhất. Đồng thời, lấy khách hàng làm trung tâm, lấy công nghệ làm phương tiện để đem tới những ứng dụng, trải nghiệm vượt qua mong đợi của khách hàng.

Bên cạnh đó, ELCOM tiếp tục tích lũy giá trị tài sản, tăng quy mô doanh nghiệp, nhất là việc duy trì top 3 doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước và vươn ra thị trường quốc tế.

Đáng chú ý, trong năm 2022, ELC sẽ đổi tên từ CTCP Đầu tư phát triển công nghệ điện tử viễn thông sang tên mới là CTCP Công nghệ - Viễn thông ELCOM. Ban lãnh đạo cho biết, để phù hợp với mô hình tổ chức kinh doanh và định hướng phát triển hiệu quả của Công ty trong thời gian tới, phương án đổi tên xét thấy là việc cần thiết cần thực hiện.

Năm 2021, ELCOM ghi nhận doanh thu thuần đạt 659,13 tỷ đồng, hoàn thành 72,04% kế hoạch năm do một số hợp đồng chậm triển khai từ phía khách hàng tạm dừng hoạt động bởi quy định giãn cách xã hội. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế vẫn đạt 50,38 tỷ đồng, vượt gần 30% so với kế hoạch năm.

Tại phần thảo luận, ông Phan Chiến Thắng đã trả lời các câu hỏi của cổ đông:

Kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2022 đặt ra là 70 tỷ đồng, tương ứng với tỷ suất lợi nhuận khá thấp so với kết quả năm 2021. Vậy cơ sở nào để Công ty đặt ra mức biên lợi nhuận sau thuế thận trọng như vậy?

Năm 2022 là năm đầu tiên trong chiến lược mới giai đoạn 2022 - 2024 của ELCOM. Hầu hết các dự án lớn là giao thông vận tải và triển khai cho các dự án này không thể nhanh được, thường không dưới 1 năm, nên việc đặt mục tiêu doanh thu, lợi nhuận không thể sát theo năm tài chính.

ELCOM đặt kế hoạch kinh doanh nội bộ năm nay là các đơn vị phải ký được 2.500 tỷ đồng hợp đồng, doanh thu 1.000 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận là 70 tỷ đồng. Đây là một con số khả thi vì nó còn phụ thuộc vào việc triển khai các dự án hạ tầng của Chính phủ. Để đảm bảo an toàn, tăng trưởng 2 con số cũng là rất tích cực, nên ban điều hành và HĐQT trình cổ đông phương án này. Đến quý III nếu tình hình khả quan sẽ có thể trình cổ đông điều chỉnh kế hoạch.

Công ty chia sẻ thêm tiến độ các dự án bất động sản hiện nay, đặc biệt là hai dự án khu công nghiệp ở Hà Nội?

Về các dự án bất động sản đã, đang và sẽ vận hành, có thể kể đến toà nhà ELCOM. Trong giai đoạn 2011 - 2018, Công ty đã dùng hết cả toà nhà do nhu cầu các hoạt động viễn thông lớn. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, ELCOM chỉ sử dụng 1/3 tòa nhà, còn 2/3 toà nhà là cho thuê và đã đóng góp hiệu quả khá tốt cho Công ty.

Trước đây, tòa nhà ELCOM là trung tâm nghiên cứu phát triển và nằm trong khu công nghệ thông tin. Nhưng mới đây, Công ty đã thực hiện các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất này thành dịch vụ công nghệ, trả tiền một lần và giúp giá trị tòa nhà tăng rất cao.

Thứ hai là dự án tại 18 Nguyễn Chí Thanh của CTCP Máy tính và Truyền thông VIETCOM - công ty con của Tổng CTCP Điện từ và Tin học Việt Nam. ELCOM đã mua và chi phối 65% cổ phần của công ty này và đang hoàn thiện các thủ tục để mua nốt phần còn lại của công ty. Dự án này dự kiến sẽ được xây trên diện tích đất 2.350 m2 với 1.300 m2 sàn, 25 tầng nổi và 4 tầng hầm. Đây là toà nhà hỗn hợp gồm văn phòng, nhà cho thuê, nhà ở..

Thứ ba, ELCOM cũng đã thành công trong việc M&A thêm 1 doanh nghiệp sở hữu 1ha đất gần khu Thiên đường Bảo Sơn - một dự án sẽ mang lại hiệu quả. Ngoài ra, ELCOM đang làm hồ sơ các bước mua lại dự án cụm công nghiệp ở Phú Xuyên và Thanh Oai (Hà Nội) có diện tích khoảng 35 - 40ha. Trình tự đã đi qua hơn một nửa chặng đường, dự kiến cuối năm sau, Công ty mới hoàn thành được các thủ tục để triển khai xây dựng. Các dự án khu công nghiệp phải sang đến năm 2024 mới có thể đóng góp doanh thu và lợi nhuận.

Với chiến lược mở rộng thêm mảng bất động sản, vậy nhu cầu vốn trong thời gian sắp tới của Công ty có lớn hay không? Nếu có, Công ty có dự kiến phát hành cổ phiếu hay trái phiếu để tăng vốn?

Hiện nay, Công ty mới đang ở giai đoạn tính toán mà chưa trình số liệu cuối cùng cho các dự án. Tuy nhiên, trong các báo cáo tài chính vẫn có 3 nguồn vốn trước mắt cho các dự án bất động sản, bao gồm: vốn tự có, vốn vay ngân hàng và nguồn vốn huy động. Với dự án 18 Nguyễn Chí Thanh, đây là khu đất vàng và cần có sự đầu tư thích đáng với xấp xỉ 1.000 tỷ đồng.

Trong kế hoạch của ban dự án đã đưa ra tất cả các phương án về tăng vốn, nhưng đến thời điểm này, HĐQT chưa thể công bố một cách chính xác là cần bao nhiêu khoản tiền. Tuy nhiên, Công ty cũng có kế hoạch phát hành cổ phiếu để tăng vốn cho cổ đông hiện hữu và tùy tình hình thị trường có thể phát hành cho các cổ đông chiến lược phù hợp với tài chính, vận hành, khai thác tòa nhà một cách hiệu quả.

Về dài hạn, các dự án bất động sản công nghiệp mới đang triển khai ở mức thủ tục nên chưa cần nguồn vốn lớn, cách làm cũng sẽ triển khai dần từng bước và có thể dùng nguồn thu trực tiếp để thực hiện tái đầu tư.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục